Nhiều người dân ở xã Phú Cường, H.Cai Lậy, Tiền Giang bị giật hụi khi chủ hụi là vợ chồng bà Phạm Thị Mỹ Hiền ôm hơn 20 tỉ đồng bỏ trốn vào tháng 11-2018 - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Nếu thực hiện đúng những quy định này thì người chơi hụi sẽ giảm thiểu được nhiều rủi ro.
Chơi hụi: phải làm văn bản
Nếu quy định hiện hành (nghị định 144/2006) cho phép các bên thỏa thuận về dây hụi bằng lời nói hoặc bằng văn bản thì quy định mới bắt buộc thỏa thuận này phải được thể hiện bằng văn bản. Khi những người chơi hụi có yêu cầu, văn bản thỏa thuận đó được công chứng, chứng thực.
Văn bản thỏa thuận về dây hụi có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi;
b) Số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên;
c) Phần hụi (là số tiền hoặc tài sản khác được xác định theo thỏa thuận mà mỗi thành viên phải góp tại mỗi kỳ mở hụi);
d) Thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi;
đ) Thể thức góp hụi, lãnh hụi.
Ngoài các nội dung nêu trên, văn bản thỏa thuận về dây hụi có thể có những nội dung về mức hưởng hoa hồng của chủ hụi; lãi suất; trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ hụi...
Lãi suất không vượt quá 20%/năm
Khác với quy định hiện hành, quy định mới đề ra mức lãi suất tối đa cụ thể trong các dây hụi có lãi.
Theo đó, lãi suất do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.
Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.
Đáng lưu ý là nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá mức lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực khi có xảy ra tranh chấp.
Hụi viên được quyền đề nghị xử lý hình sự
Liên quan đến các tranh chấp về hụi, quy định hiện hành chỉ đưa ra một cách thức giải quyết là khởi kiện án dân sự.
Với quy định mới thì những người chơi hụi còn được quyền đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những chủ hụi có sai phạm.
Cụ thể, trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.
Cảnh giác với các hụi viên không có thật
Thay vì có sự tương trợ lẫn nhau giữa những người chơi hụi thì ở nhiều nơi việc chơi hụi đã bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng.
Phổ biến hơn, lợi dụng việc các hụi viên không hề biết nhau, không hề biết chủ hụi làm chủ bao nhiêu đường dây mà vẫn góp tiền dựa vào niềm tin, nhiều chủ hụi đã tự ghi thêm hụi viên không có thật rồi sau đó giật hụi, tuyên bố bể hụi nhằm chiếm đoạt tiền của các hụi viên.
Từ các lý do này mà Chính phủ đã ban hành nghị định 19/2019 để ngăn ngừa các tiêu cực có thể phát sinh, giúp những người chơi hụi đỡ trắng tay do thiếu chứng cứ về việc đã đóng hụi hoặc chủ hụi không có tài sản để thi hành án dân sự hoặc trong án hình sự.
Theo đó, cùng với việc chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hay khi tổ chức từ hai dây hụi trở lên thì những người chơi hụi cũng phải biết tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Chẳng hạn, ngoài việc thỏa thuận về dây hụi bằng văn bản thì các hụi viên có thể yêu cầu chủ hụi cấp giấy biên nhận cho việc góp hụi, lãnh tiền hụi, nhận lãi, trả lãi...
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)
Vì sao có con số 20%?
Trong tờ trình gửi Chính phủ năm 2018, Bộ Tư pháp cho biết trong quá trình áp dụng nghị định số 144/2006, các cơ quan có thẩm quyền đã gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm để tính lãi, khoảng thời gian tính lãi và số tiền phải chịu lãi khi giải quyết tranh chấp về hụi.
Từ đó, bộ này đưa ra con số 20%/năm để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (theo Bộ luật dân sự năm 2015, mức lãi suất 20%/năm là mức lãi suất tối đa theo thỏa thuận trên khoản tiền vay áp dụng trong hợp đồng vay tài sản), đồng thời bảo đảm phù hợp với đặc thù của giao dịch về hụi.
Theo đó, lãi suất được áp dụng theo cách mỗi thành viên từ thời điểm bắt đầu dây hụi đến thời điểm được lãnh hụi là người cho vay, tại thời điểm lãnh hụi đến cuối dây hụi là người đi vay, số tiền vay tính bằng tổng số phần hụi trừ đi số phần đã góp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận