Cát Campuchia đủ cho các tỉnh phía Nam làm cao tốc
Trước tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp tại nhiều tuyến cao tốc phía Nam, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập phương án tổng thể nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Phó thủ tướng cũng giao UBND TP.HCM, chủ đầu tư, nhà thầu các dự án nghiên cứu nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng cho các dự án.
Theo Bộ Công Thương, Campuchia có trữ lượng cát lớn lên tới cả tỉ m3 trên sông Mekong (chảy vào Việt Nam là sông Tiền) và sông Bassac (chảy vào Việt Nam là sông Hậu). Và hiện Campuchia không cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài khai thác cát, chỉ cấp phép cho 3 doanh nghiệp trong nước khai thác.
Cụ thể, Bộ Mỏ và năng lượng Campuchia cấp phép cho Công ty Chaktomuk Campuchia khai thác 3 mỏ cát trên sông Mekong, cách cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) lần lượt là 18km, 22km và 45km.
Trữ lượng khai thác 3 mỏ này khoảng 680 triệu m3. Hiện mỗi ngày Công ty Chaktomuk Campuchia xuất khẩu từ 40.000 - 60.000m3 cát cho khoảng 15 - 20 công ty của Việt Nam.
Tương tự, Công ty Global Green Energy được cấp phép các mỏ cát có trữ lượng khoảng 500 triệu m3 cát, mỗi ngày xuất khẩu khoảng 10.000m3 cát cho 2 - 3 công ty Việt Nam.
Còn Công ty Sok Theara được cấp phép mỏ cát có trữ lượng hơn 200 triệu m3, nhưng chưa xuất khẩu sang Việt Nam.
Cũng theo Bộ Công Thương, các công ty Campuchia thường bán cát cho các công ty Việt Nam tại phao số 0 cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương.
Từ năm 2021 - 2023 và trong 4 tháng đầu năm 2024, các công ty Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 23,6 triệu m3 cát.
Bộ Công Thương đánh giá trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng khá dồi dào, có thể cung cấp đủ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài của các tỉnh phía Nam. Hoạt động xuất khẩu cát từ Campuchia sang Việt Nam đang diễn ra bình thường, không có vướng mắc nào.
Loạt dự án cao tốc phía Nam thiếu cát
Về nhu cầu cát san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm ở miền Tây và dự án vành đai 3 TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nhu cầu cát để làm vật liệu đắp nền đường vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m3, riêng năm 2024 khoảng 6 triệu m3.
Đến nay, khối lượng cát từ các mỏ trong nước cam kết cung cấp cho dự án vành đai 3 TP.HCM đạt khoảng 7 triệu m3, còn thiếu khoảng 2,3 triệu m3.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nhu cầu cát đắp nền dự án khoảng 19 triệu m3. Về tình hình cung ứng vật liệu cho dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã cam kết cung cấp khoảng 16 triệu m3, còn khoảng 3 triệu m3 chưa xác định được nguồn.
Tại dự án đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 1 có nhu cầu cát đắp nền khoảng 9,3 triệu m3, đến nay đã thu xếp được khoảng 5,9 triệu m3, so với nhu cầu còn thiếu khoảng 3,4 triệu m3.
Với dự án thành phần 2 đoạn qua Cần Thơ, nhu cầu cát san lấp khoảng 5,3 triệu m3, chưa thu xếp được. Với dự án thành phần 3 đoạn qua Hậu Giang, nhu cầu cát khoảng 6 triệu m3, còn thiếu khoảng 3,4 triệu m3. Với dự án thành phần 4, nhu cầu cát khoảng 7,5 triệu m3, đã thu xếp đủ vật liệu san lấp.
Với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, nhu cầu cát san lấp khoảng 3,5 triệu m3, đến nay đã bố trí được 3 triệu m3 cát san lấp, còn thiếu khoảng 0,5 triệu m3.
Và với dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, nhu cầu cát đắp nền khoảng 3,1 triệu m3. Hiện tỉnh Đồng Tháp cam kết cung cấp đủ cát đắp nền cho dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận