Buổi góp ý tại khu vực miền Nam mới đây gồm các cựu cán bộ Đoàn - Hội, hội đồng tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng chia sẻ với Hội Sinh viên Việt Nam, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023 - 2028).
Phải hiểu sinh viên
Ông Giang Ngọc Phương - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước (TP.HCM) - khẳng định luôn xem sinh viên là lực lượng có tiềm năng, trình độ, hàm lượng tri thức cao, là lực lượng nòng cốt đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước. Do đó, văn kiện đại hội cần chọn sinh viên làm trọng tâm, thiết kế hoạt động phải đặt sinh viên làm chủ thể. Hội đóng vai trò dìu dắt, hỗ trợ sinh viên học tập, sáng tạo, khởi nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, Hội Sinh viên cần bám sát ba câu hỏi: Thế mạnh sinh viên thời nay? Họ muốn gì? Họ cần gì? Ông Lộc nói sinh viên hiện nay có những thế mạnh vượt bậc về ngoại ngữ, rành công nghệ và được trang bị các kỹ năng đáp ứng xu thế hội nhập.
"Hội Sinh viên cần nhiều động thái hơn trong việc tìm hiểu, lắng nghe để biết sinh viên mong muốn và đang cần những gì. Trả lời được ba câu hỏi này, các chương trình được Hội thiết kế mới gần gũi, mang hơi thở người trẻ, có sức sống và tính hiệu triệu cao" - ông Lộc nhận định.
Phó bí thư thường trực Quận ủy Bình Tân Nguyễn Việt Quế Sơn nói sinh viên hiện không chỉ dừng ở học tập, rèn luyện mà cần rất nhiều chương trình để phát triển, xây dựng mối quan hệ, sinh hoạt cộng đồng, thể chất, tâm sinh lý...
"Hội nên nghiên cứu thêm cách hỗ trợ sinh viên để các bạn phát triển toàn diện, trở thành công dân toàn cầu như nhắn nhủ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong thư gửi ngành giáo dục dịp khai giảng mới đây", ông Sơn nêu ý kiến.
Doanh nghiệp đánh giá "Sinh viên 5 tốt"
Trưởng ban tổ chức Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Lượng Thị Tới nêu lượng du học sinh Việt Nam đến các nước học tập, nghiên cứu rất đông và đây là nhóm có tri thức cao, khả năng bứt phá tốt. Bà Tới hỏi Hội Sinh viên Việt Nam đã làm gì để lôi kéo lực lượng này quay về Việt Nam làm việc, phát triển đất nước sau khi kết thúc khóa học chưa?
Dưới góc độ nhà quản lý, TS Huỳnh Ngọc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho rằng nên để các đơn vị xã hội, doanh nghiệp đánh giá "Sinh viên 5 tốt". Ông Anh nói phong trào này giới thiệu những sinh viên tiêu biểu ra xã hội nên việc đánh giá của doanh nghiệp, xã hội sẽ thực chất, rõ ràng nhất.
"Đây có thể là căn cứ để các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, thiết kế lại bộ tiêu chí sát sườn" - ông Anh phân tích.
Trước đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp", ông Ngọc Anh nói chỉ còn hai năm (đến 2025) thực hiện nhưng hiện chưa rõ ràng hệ sinh thái nào bổ trợ thực hiện. Theo ông, với sự chủ động vốn có của sinh viên, Hội cần tích cực hơn trong việc kết nối doanh nghiệp và xã hội để có hệ sinh thái vững vàng hỗ trợ, đồng hành với các dự án khởi nghiệp sinh viên.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM Lê Xuân Dũng đề xuất Hội Sinh viên có chương trình nhìn lại quá trình trưởng thành, sự cống hiến cho xã hội, doanh nghiệp của "Sinh viên 5 tốt" các năm qua.
"Đây là những số liệu, thống kê cụ thể, thiết thực nhất, thể hiện rõ nhất giá trị của danh hiệu này đối với xã hội, đất nước", anh Dũng nói.
Hỗ trợ sinh viên học nông nghiệp, tại sao không?
TS Trần Văn Thịnh - phó trưởng khoa nông học (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) - bày tỏ do ảnh hưởng của chuyển đổi số, các ngành học về công nghệ thông tin đang hot, có tỉ lệ nhập học cao. Trong khi ở chiều ngược lại, việc tuyển sinh các khối ngành nông - lâm - ngư có vẻ khó hơn dù nước ta có nền nông nghiệp hùng mạnh, đang sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nổi tiếng thế giới "made in Việt Nam".
Dẫu có lợi thế, dư địa phát triển nhưng việc tìm kiếm sinh viên, người tài trong lĩnh vực nông nghiệp còn khó và chưa tương xứng. "Hội Sinh viên nên nghiên cứu, triển khai thêm nhiều chương trình tư vấn, đồng hành cùng sinh viên đang theo học các khối ngành này" - ông Thịnh nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận