TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - tư vấn cho học sinh Phú Yên sáng 19-7. Thầy Hạ luôn là một trong những thầy cô ngồi lại cuối cùng sau mỗi chương trình để giải đáp hết các câu hỏi của học sinh - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Đó là dặn dò của các chuyên gia với học sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Phú Yên sáng 19-7.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT Phú Yên, Tỉnh đoàn Phú Yên và Trường ĐH Xây dựng Miền Trung phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Nguyên tắc chọn ngành học
Một nữ sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn thắc mắc: "Khi phải cân nhắc để chọn ngành nghề, giữa năng lực và niềm yêu thích thì nên dựa vào yếu tố nào?". PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khuyên nên dựa vào năng lực của mình. Thực tế, nhiều em yêu thích ngành y nhưng sức học chỉ ở mức vừa phải thì không thể trúng tuyển được.
"Việc chọn ngành cần cân nhắc kỹ giữa đam mê và năng lực của mình, không nên quá mơ mộng không đúng thực tế dẫn đến việc rớt ĐH. Cần tìm hiểu thật kỹ các ngành học cũng như mức điểm chuẩn năm trước ở các trường khác nhau để có cơ sở lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển hợp lý hơn" - thầy Dũng căn dặn.
TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ với thí sinh nguyên tắc chọn ngành nghề theo "3 cạnh tam giác": sự yêu thích, năng lực bản thân và nhu cầu nguồn nhân lực.
"Ba cạnh tam giác này phải hài hòa với nhau, trong đó xuất phát điểm phải là sự yêu thích của chính mình, phù hợp mục tiêu nghề nghiệp và còn xem có phù hợp với năng lực của mình hay không.
Trong trường hợp các em yêu thích ngành kỹ thuật nào đó nhưng điểm chuẩn ngành đó quá cao thì có thể cân nhắc chọn ngành khác trong cùng nhóm ngành ở cùng trường hoặc có thể chọn ngành đó ở trường khác. Phải tìm hiểu thật kỹ ngành học nào đó ra trường làm việc có đúng như mong đợi của mình hay không" - cô Mai nhấn mạnh.
Theo ông Đào Trọng Độ - phó vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, khối giáo dục nghề nghiệp với gần 400 trường CĐ và hơn 400 trường trung cấp cũng là một hướng đi khác để giúp học sinh theo đuổi sở thích của mình trong lựa chọn ngành nghề sau THPT.
Chuẩn bị tốt tâm lý, sức khỏe cho kỳ thi
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến nay cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT, với hơn 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH - CĐ, trong đó hơn 55% đăng ký bài thi khoa học xã hội. Trên 80% thí sinh đăng ký 1-5 nguyện vọng. Phần lớn thí sinh đăng ký khối ngành khoa học xã hội, an ninh quốc phòng.
Hiện nay các trường ĐH đều được tự chủ trong tuyển sinh và xét tuyển bằng rất nhiều phương thức khác nhau, ngoài xét điểm thi THPT còn có xét học bạ, xét điểm thi năng lực... Thí sinh cần tìm hiểu kỹ các phương thức xét tuyển trên trang thông tin điện tử của các trường.
ThS Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), lưu ý: "Dù trúng tuyển bất cứ phương thức nào nhưng sau khi đã xác nhận nhập học bằng cách nộp phiếu điểm bản gốc (mỗi thí sinh chỉ có 1 phiếu điểm bản gốc), thí sinh sẽ không được đăng ký xét tuyển nữa. Do vậy, khi nhận giấy báo trúng tuyển, các em nên cân nhắc kỹ lựa chọn ngành học mình mong muốn nhất".
Để thi tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, ThS Hoàng Thúy Nga khuyên thí sinh cần phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, giữ gìn sức khỏe tốt; đồng thời, thí sinh cần tìm hiểu các vật dụng được mang vào phòng thi: bút, thước kẻ, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, thẻ nhớ...
Đặc biệt, thí sinh không được phép mang điện thoại, các thiết bị truyền tin. Các năm trước nhiều thí sinh mang điện thoại vô phòng thi đã bị lập biên bản, đình chỉ thi.
Học ngoại ngữ không chỉ nghe, nói, đọc, viết
Bạn Duy Tùng, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên), đặt câu hỏi cho ban tư vấn: Theo học ngôn ngữ ở các trường ĐH có khác gì với học ở các trung tâm ngoại ngữ?
Trao đổi với học sinh, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, thông tin không ít sinh viên vào học ngành ngôn ngữ Anh ở các trường ĐH đã có chứng chỉ IELTS 8.0 hoặc tương đương.
Tuy nhiên, học ngôn ngữ ở trường ĐH không chỉ dừng lại ở bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Sinh viên còn được bổ sung các kiến thức về văn hóa, tư duy ngôn ngữ, các kỹ năng như biên - phiên dịch... Nhờ đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp mới có thể làm tốt các công việc chuyên sâu như dịch thuật, giảng dạy...
Một số học sinh theo học ngoại ngữ thường bỏ quên tiếng mẹ đẻ. TS Hạ lưu ý các bạn cần giỏi cả tiếng Việt mới có thể phát huy tối đa năng lực ngoại ngữ, tránh trường hợp không đủ vốn từ để diễn giải từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Đó cũng là lý do khoa ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn xét tuyển theo tổ hợp văn - toán - Anh, vì muốn đầu vào sinh viên vừa có tiếng Anh, vừa có khả năng dùng tiếng Việt và tư duy logic.
TRỌNG NHÂN
Kênh tư vấn trực tiếp hữu ích
Trao đổi với gần 2.000 học sinh tỉnh nhà, ông Phan Đình Phùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho rằng lựa chọn hướng đi cho tương lai là một trong những lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời.
"Những băn khoăn về việc chọn trường nào, ngành nghề nào phù hợp với năng lực, sở thích cũng như đáp ứng được nhu cầu của xã hội luôn là câu hỏi lớn, mà lời giải đáp rất cần sự hỗ trợ từ nhiều kênh thông tin.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ là kênh tư vấn trực tiếp rất thuận lợi, giúp thí sinh có lựa chọn đúng đắn. Sau buổi tư vấn, các em học sinh sẽ có lựa chọn ngành học phù hợp để mở cánh cửa tương lai một cách tự tin và đạt được ước mơ của mình" - ông Phùng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận