Người dân ngày càng quen với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có ví điện tử - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Anh Tuấn cho biết như trên. Theo ông Tuấn, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép 45 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Tổng số tiền ở các ví là trên 3.300 tỉ đồng. Tổng giá trị giao dịch tính đến hết quý 3-2022 khoảng 937.000 tỉ đồng. Qua đó có thể thấy người dân sử dụng ví điện tử nhiều hơn và qua đó cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Còn với dịch vụ Mobile Money, tổng giá trị giao dịch tính đến hết quý 3-2022 là 929 tỉ đồng, bao gồm cả nạp tiền, rút tiền, mua sắm hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền. Trong đó giao dịch chuyển tiền chiếm giá trị cao nhất với 586 tỉ đồng.
Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2022 thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị.
Trong đó giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%.
Thanh toán qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị. Còn giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%. Giao dịch qua ATM tăng thấp nhất: 13,28% và 14,04% về giá trị.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho hay cùng với nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên, số lượng POS (máy cà thẻ) trên địa bàn TP.HCM tăng hơn 10% so với cuối năm 2021.
Trong khi đó số lượng máy ATM không tăng mà các ngân hàng chỉ cơ cấu lại, thay đổi địa điểm cho phù hợp hơn. Đây là dấu hiệu tích cực và cho thấy người dân ngày càng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận