3.000 đồng cũng quét mã
Vài năm nay, số lần đi rút tiền mặt tại cây ATM của chị Thanh (Hà Nội) đếm trên đầu ngón tay. "Ở khu chợ, từ bà bán hành đến bán thịt đều nhận chuyển khoản, quét mã", chị Thanh nói.
Trước đây, thường sau khi nhận lương, hai vợ chồng chị Thanh sẽ giữ lại tài khoản một phần để trả học phí, phí dịch vụ chung cư, điện nước, còn lại rút tiền mặt để chi tiêu bởi đa phần các bà bán hàng nhỏ ở chợ nghe đến chuyển khoản đều lắc đầu.
"Nhưng bây giờ rất khác, mua món đồ chỉ có giá vài nghìn đồng thôi tiểu thương cũng nhận chuyển khoản nên tôi thấy không cần thiết có tiền mặt nhiều trong ví nữa, đỡ lo bị rơi hoặc mất cắp, nhầm lẫn", chị Thanh chia sẻ.
Chưa kể, các ngân hàng Vietcombank, ACB, HDBank, Techcombank, VPBank, SHB, Agribank, MB... hiện nay đều theo xu thế miễn phí giao dịch, thúc đẩy người dùng rất lớn.
Bà Ngoãn - tiểu thương bán rau ở chợ Trung Văn (Hà Đông) - cho biết khách mua vài nghìn đồng cũng muốn chuyển khoản, nhất là các bạn trẻ. Bà vừa nói vừa giơ tấm bảng thanh toán có QR Code cho một cô gái trẻ tuổi đang mua mớ lá lốt giá 3.000 đồng.
"Nếu giờ không nhận chuyển khoản, nhiều khách sẽ đi sang hàng khác mua", bà Ngoãn nói thêm.
"Khách chọn hàng xong chỉ mất vài giây là thanh toán thành công. Cái tiện là tránh nhầm lẫn lúc nhận hoặc trả lại, cũng chẳng lo tiền giả", bà Hoan - một người bán hoa gần đường Tố Hữu (Hà Nội) - trả lời khi được hỏi về sự thuận tiện của thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều người buôn bán tại chợ hoặc ven đường khác cũng nói tỉ lệ thanh toán không tiền mặt phổ biến. Khảo sát của Tuổi Trẻ Online, hầu hết các cửa hàng đều đặt bảng mã QR Code hoặc thông tin chuyển khoản để khách hàng có thể thanh toán, từ ly nước trà, cái bánh cho tới viên thuốc…
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng sử dụng các loại ví điện tử như MoMo, ShopeePay… để thanh toán rất tiện lợi.
Ở siêu thị, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt rất cao. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội - cho biết tỉ lệ thanh toán không tiền mặt bằng các phương thức khác nhau ở hệ thống hiện nay chiếm tới 70%.
"Việc thanh toán không dùng tiền mặt như vậy thuận tiện hơn, tiết giảm được chi phí nhiều hơn", bà Dung nói.
Báo cáo Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 công bố mới đây của Visa cho thấy người dân đang thích nghi nhanh chóng với thanh toán số và dần hạn chế sử dụng tiền mặt khi thực hiện giao dịch.
Báo cáo ghi nhận 90% người dùng được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt trong năm 2022 trong khi con số này vào năm trước đó chỉ là 77%. Khoảng 77% người tin rằng có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày.
Đẩy mạnh hơn thanh toán không tiền mặt tới vùng sâu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - nhận định thanh toán không tiền mặt là xu hướng tất yếu.
Cũng theo ông Lực, Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trong mấy năm qua.
Hiện các ngân hàng cũng đều có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này.
"Dân số trẻ, am hiểu công nghệ nên hình thức này rất được các bạn trẻ ưa chuộng", ông Lực nói. Cũng theo ông Lực, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thúc đẩy hình thức thanh toán không tiền mặt, đưa ra cơ sở pháp lý, thúc đẩy hạ tầng tốt hơn…
Xu hướng thanh toán không tiền mặt, theo ông Lực, sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới, ở mức 40-60% (trong 5 năm tới) khi dân số trẻ, khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện, hạ tầng ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt mới phổ biến các khu chợ ở thành phố. Khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa chậm phát triển hơn, cần có giải pháp thúc đẩy vấn đề này như nâng cấp hạ tầng, nâng cao hiểu biết của người dân để thay đổi thói quen, áp dụng chương trình giáo dục tài chính quốc gia…
"Thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, tiện lợi, tiết giảm chi phí, hiện đại văn minh, chống tham nhũng, công khai minh bạch", ông Lực kết lại bằng những nét tích cực mà xu hướng này mang lại.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn khi đi chợ mua thực phẩm, đồ dùng nếu có công cụ thanh toán, quét mã, chuyển khoản bạn sẽ dùng hay vẫn dùng tiền mặt?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận