17/02/2013 12:45 GMT+7

293

LẠC AN(Nghệ An)
LẠC AN(Nghệ An)

AT - Tôi nhớ mãi cuộc điện thoại đầu tiên người ấy gọi, bởi hôm ấy xóm trọ tôi bị lụt. Mấy ngày mưa to liên tiếp nước sông dâng lên nhanh.

Mới chiều hôm qua còn chưa thấy gì mà sáng mai tỉnh dậy thấy nước tràn vào phòng từ lúc nào. Nhìn những đồ đạc cứ dập dìu trên sóng nước mà tôi phát khóc. Sau khi dọn xong những thứ đồ đạc còn cứu vãn được cho lên giường, số còn lại gửi sang nhà cô chủ thì trời cũng đã nhá nhem tối. Mọi người trong xóm trọ kéo nhau đi tới phòng bạn ngủ nhờ bởi không thể ngủ trong “nỗi sợ hãi” nước sẽ dâng lên. Riêng tôi vẫn ngoan cố ở lại. Chiếc giường vốn đã cũ kỹ, ọp ẹp nay phải oằn mình chứa bao nhiêu thứ nào là nồi niêu xoong chảo, tủ quần áo, sách vở... Tôi chừa một góc nhỏ đủ nằm. Một cái cựa mình khe khẽ của tôi cũng đủ làm cho chiếc giường kêu răng rắc. Nhìn cảnh này trong lòng tôi trào dâng nỗi nhớ nhà da diết. Tôi nhớ miền Trung quê tôi những ngày lũ lụt nước ngập trắng cả cánh đồng sắp tới ngày thu hoạch. Những nóc nhà chơ vơ trong biển nước. Những cánh tay trẻ thơ vồ vập lấy gói mì tôm được cứu trợ nhai ngấu nghiến, ánh mắt cảnh giác như sợ ai đó cướp mất. Khi còn bé tôi đã từng ở trên nóc nhà ba ngày đợi đội cứu hộ tới nên lụt ở đây chẳng nhằm nhò gì đối với tôi.

Mất điện tôi thắp một cây nến nhỏ, tựa mình vào đầu giường, trong ánh sáng chập chờn tôi miên man trong vô vàn những dòng suy nghĩ. Bỗng cá ở đâu bơi vào phòng tôi rất nhiều. Những đàn cá nhỏ mà tôi cũng chẳng biết tên cứ bơi qua bơi lại. Tôi ước gì lũ cá có thể nói chuyện được thì hay biết mấy. Đang ngồi buồn thiu gặm miếng mì tôm khô khốc, tôi giật mình vì chuông điện thoại kêu. Thấy bực bội tôi hỏi cộc lốc: “Ai?”. Đầu dây bên kia giọng nói của một người con trai miền Nam nghe thật ngọt ngào và dễ thương. Người ấy nói hẳn một câu dài mà chẳng thèm để ý đến thái độ của tôi: “Chào bạn, mình đọc bài báo của bạn thấy hay, có số điện thoại nên mình gọi điện làm quen. Bạn đồng ý chứ?”.

Tôi vốn chúa ghét cái kiểu làm quen qua điện thoại. Mà tại tòa soạn đăng số điện thoại của tôi lên báo chứ tôi nào hay biết gì. Từ hôm ấy có bao nhiêu cuộc điện thoại gọi tới làm quen tôi đều nói dối có một chồng và hai con thì lần sau thấy mất hút không ai gọi lại nữa. Định từ chối nhưng tối nay tôi thấy buồn và cô đơn quá. Trong nỗi nhớ nhà da diết tôi thèm được nói chuyện cùng một ai đó. Và cuộc điện thoại này như là một định mệnh. Tối hôm đó tôi và người ấy nói chuyện với nhau rất lâu. Tôi kể cho người ấy nghe hoàn cảnh hiện tại của mình, còn người ấy là bộ đội. Tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình có thể nói chuyện với người ấy lâu đến vậy. Tôi nói mọi thứ chuyện trên đời và người ấy im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng xen vào mấy câu hài hước khiến tôi cười nắc nẻ. Sau đó, tôi bắt người ấy hát cho tôi nghe và rồi ngủ quên từ khi nào không hay. Chỉ khi sáng mai thức dậy thấy có tin nhắn: “Bạn là con gái sao ngủ ngáy to thế. Ngủ ngon”. Tôi bỗng giật mình nhớ lại chuyện tối qua. Ôi xấu hổ quá, mà kệ người ta có biết mình là ai đâu.

Hôm sau nước rút để lại một bãi chiến trường đầy rác và bùn đất. Mấy đứa chúng tôi hì hục xách nước dội phòng, quét dọn xóm trọ, rồi té nước cười đùa rộn rã. Đúng là sinh viên vô tư như nghé. Sau một ngày dọn dẹp mệt nhoài tôi leo lên giường định đi ngủ sớm thì người ấy nhắn tin: “Đang làm gì vậy, nhà báo?”. Tôi nhắn lại: “Mình đang chuẩn bị đi ngủ. Hôm nay dọn dẹp cả ngày mệt quá bộ đội à”. “Ừ vậy ngủ sớm đi nhé, nhớ đừng ngáy to kẻo bạn bên cạnh phòng không ngủ được. Ngủ ngon”. Đọc xong tin nhắn tôi thấy vừa xấu hổ vừa tức. Tôi định gọi điện lại mắng cho một trận nhưng nghĩ mình tức người không quen không biết ấy làm gì. Thôi ngủ đã, mệt quá!

Những ngày sau đó tôi và người ấy thường nhắn tin cho nhau. Người ấy hơn tôi bốn tuổi và đang là sĩ quan quân đội ở miền Nam, còn tôi là cô sinh viên báo chí năm cuối học ở ngoài Bắc. Mặc dù thế chúng tôi chỉ xưng hô là bạn bè hoặc gọi theo tên nghề nghiệp. Người ấy thường gọi tôi là nhà báo, tôi bảo: “Đang là “báo hại” thôi bộ đội ơi. Muốn thành “nhà báo” phải qua thời “lều báo” dài dài”. Hàng ngày qua những tin nhắn, cuộc gọi chúng tôi kể cho nhau nghe những sự việc diễn ra quanh cuộc sống, những kỷ niệm thời ấu thơ hay những suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Ban đầu tôi cũng hơi khó chịu, đôi lúc tự ái vì cách trả lời cộc lốc, tiết kiệm đến từng chủ ngữ vị ngữ của người ấy. Khi nhắn tin cho tôi, người ấy cũng bắt đầu vẻn vẹn hai chữ cái: “NB (nhà báo)”. Tôi nhắn lại:

“Hihi. Chào bộ đội!”.

“Cười gì?”.

“Cười chào bộ đội, không được sao”.

“Được. Có chuyện gì không kể mình nghe”.

Và thế là tôi bắt đầu kể chuyện ở trường, ở xóm trọ cho người ấy nghe đến lúc ngủ quên khi nào không hay. Lần khác tôi nhắn tin: “Bộ đội ơi!”.

“Gì thế”.

“Trời, người ta gọi ngọt ngào thế mà trả lời cộc lốc à. Thay vì từ “gì thế” sao bộ đội không cười chào nhà báo nhỉ”.

“Mình cười thì nhà báo cũng có nhìn thấy được đâu”.

“Mình sẽ dùng giác quan thứ sáu để cảm nhận”.

“Cười nè, được chưa”.

Ngày lễ Tình nhân là ngày mong đợi của biết bao nhiêu đôi trai gái yêu nhau nhưng đó cũng là ngày đáng sợ nhất đối với những ai đang cô đơn như tôi. Trong khi lũ bạn đang tíu tít trang điểm, ăn mặc đẹp để đi chơi cùng người yêu thì tôi ngồi co ro trong phòng gặm nhấm nỗi cô đơn. Tôi thấy lòng mình chơi vơi, trống trải, thấy thiếu và thèm một cảm giác gì đó rất lạ. 23 tuổi rồi mà tôi chưa có lấy nổi một mảnh tình vắt vai, trong khi lũ bạn lại thay người yêu như thay áo. Người ấy nhắn tin:

“Nhận được nhiều hoa và quà chưa nhà báo?”.

“Đang ngồi một mình nè. Lũ bạn độc ác bỏ rơi nhà báo một mình. Huhu”.

“Nghe thương nhỉ”.

“Bộ đội thương cho mình trước đi, bạn thì có hơn gì mình đâu”.

“Nhưng ít ra còn có lính thương mình còn bạn không có ai cả. Haha”.

Đọc xong tin nhắn mà tôi tức đến nghẹn cổ họng. Không thèm nhắn tin lại cho cái tên đáng ghét ấy nữa, tôi trùm chăn cố ngủ sao cho qua khỏi cái ngày đáng ghét này.

Ngày 8-3 tôi nhận được lời chúc của người ấy vẻn vẹn sáu chữ: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Không biết lời chúc gì mà kỳ cục vậy. Tối người ấy nhắn tin hỏi: “Thế nào nhà báo?”.

“Buồn, cả ngày chẳng đi đâu. Chắc nhà báo phải tìm người yêu thôi không thì những ngày lễ thế này buồn lắm”.

“Hay yêu mình đi, mình cũng đang cô đơn này”.

“Bộ đội đùa hả”.

“Mình thật lòng”.

Thế là tôi có người yêu qua câu nói không biết đùa hay thật. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa tôi cũng muốn biết cảm giác khi yêu một người sẽ như thế nào. Nó có lãng mạn như trong những bộ phim Hàn Quốc hay không? Khi nhận lời yêu nhau, tôi bắt người ấy nhắn tin cho tôi vào mỗi buổi sáng để chúc một ngày mới tốt lành. Và mỗi tối trước khi đi ngủ phải chúc tôi ngủ ngon. Tôi lấy làm thích thú khi đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi và bắt buộc người ấy phải thực hiện. Người ấy bảo không thích nhưng sẽ cố làm nếu điều đó khiến tôi vui. Chúng tôi vẫn giữ cách xưng hô như trước và tình cảm tôi thấy cũng chẳng hơn trước chút nào. Mà hình như tôi thấy nhớ người ấy nhiều hơn thì phải. Tôi thường hay hỏi người ấy những câu thật ngốc nghếch và ngớ ngẩn.

“Bộ đội ơi, những đôi yêu nhau họ thường hay thế nào nhỉ?”.

“Thì nhà báo cũng đang yêu đấy thôi”.

“Mình thấy họ nắm tay nhau đi dạo phố, ôm nhau trong vòng tay siết chặt và trao cho nhau những nụ hôn ngọt ngào”.

“Thế để mình hôn bạn nha”.

“Bằng cách nào đây?”.

“Mình đang gửi tới bạn nụ hôn gió đó”.

“Sao mình đợi mãi chẳng thấy nhỉ. Chắc dọc đường bị cô nào lấy mất rồi. Bắt đền bộ đội đó”.

“Rồi mình sẽ trả nợ cho bạn”.

Một hôm người ấy gửi cho tôi một tin nhắn chỉ có vẻn vẹn ba chữ số: 293. Tôi không hiểu nhắn tin hỏi lại: “Là sao bộ đội, mình không hiểu?”.

“Khi nào gặp mình sẽ nói cho bạn biết”.

Tôi thấy lạ quá, nói chuyện với nhau hơn hai năm nay và khi đã nhận lời yêu nhau qua thế giới ảo, tôi và người ấy chưa bao giờ nói tới chuyện gặp mặt hay gửi ảnh cho nhau. Dường như cả hai không quan tâm trông đối phương thế nào mà đơn giản chúng tôi thấy nói chuyện với nhau hợp và hiểu nhau thế là đủ. Và tôi vẫn ý thức được đây chỉ là một trò đùa khi hai trái tim đang khao khát tìm được một nửa còn lại của mình và gặp nhau trên thế giới ảo. Thế là kết thành đôi nhưng khi một trong hai trái tim ấy tìm được một nửa đích thực của mình trong đời thực thì sẽ rời bỏ bến ảo để trở về với thực tại. Tôi và người ấy kẻ Nam người Bắc nên cơ hội gặp nhau quả thực rất hiếm hoi. Tôi nói những suy nghĩ của mình cho người ấy biết. Im lặng một hồi lâu, người ấy trả lời: “Chúng mình chỉ cách nhau một giờ bay thôi mà. Mình thật lòng”.

Thời tiết miền Bắc chuyển mùa, những cơn gió lạnh đầu đông kèm theo mưa phùn lạnh đến thấu xương. Tôi trùm chăn kín mít, tay run run ấn bàn phím nhắn tin cho người ấy: “Huhu. Bộ đội ơi cứu nhà báo”.

“Sao vậy?”.

“Lạnh quá làm sao nhà báo dậy đi học được đây”.

“Tưởng gì, dậy đi đồ lười. Mình đang chuẩn bị chào cờ”.

Một lát sau người ấy nhắn tin lại: “Nhớ mặc ấm”. Tối đến người ấy nhắn tin: “Lạnh không nhà báo?”.

“Lạnh lắm. Chắc mình không qua nổi mùa đông này mất. Để mình gửi cho bạn ít không khí lạnh miền Bắc nha”.

“Mình nhận được rồi. Quả là lạnh thật”.

“Nhận được rồi mà không thèm gửi cho người ta chút nắng của miền Nam. Người đâu mà vừa ki bo lại còn bủn xỉn”.

“Ừ mình xấu xa được chưa. Mà bạn đã hiểu ý nghĩa ba chữ số ấy chưa?”.

“Mình chịu. Là ký hiệu gì của quân sự hả?”.

“Ngốc ạ! Số 2 tương ứng với chữ “A”, số 9 tương ứng với chữ “Y” và số 3 tương ứng với chữ “E”. Hiểu rồi chứ”.

Thì ra 293 có nghĩa là Anh Yêu Em à. Tự nhiên tôi thấy mặt nóng ran, tim đập mạnh, trong lòng thấy bâng khuâng xao xuyến đến lạ lùng. Đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác này kể từ khi nói chuyện với người ấy. Lẽ nào tôi...

“Mai có đi học không?”.

“Có”.

“Thế ngủ ngon, 293”.

Tôi đang ngồi học trong lớp thì có tin nhắn của người ấy. Lạ nhỉ, có bao giờ người ấy nhắn tin vào giờ này đâu.

“Ra cổng trường đi, lạnh quá!”.

“Đùa mình hả, hôm nay có phải là ngày nói dối đâu”.

“Không đùa. Ra nhanh đi không mình chết cóng mất”.

Tôi nghĩ chắc người ấy đùa thôi bởi sáng nay còn nhắn tin bình thường như mọi hôm mà. Nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn xuống cổng trường như có ai đó xui khiến mình vậy. Và thật bất ngờ, từ xa tôi đã nhận ra người ấy đang đứng bên kia đường đối diện. Tôi dễ dàng nhận ra người ấy bởi trong thời tiết rét đến cắt da cắt thịt ai cũng khoác lên mình chiếc áo len dày cộp còn người ấy chỉ mặc một chiếc áo sơ mi mỏng. Cố len qua làn xe cộ tôi tiến lại gần người ấy. Nhìn người ấy môi thâm tím và run lên vì lạnh, tôi vội lấy khăn quàng vào cổ cho người ấy một cách tự nhiên không ngại ngùng ngỡ như đã thân quen từ trước. Người ấy nhìn tôi thoáng ngượng ngùng, tay run run trao cho tôi bó hoa, miệng khẽ nói “tặng bạn”. Tôi cũng không biết người ấy run vì lạnh hay do hồi hộp nữa. Tôi cười và đón lấy bó hoa và thật ngạc nhiên khi thấy bó hoa là ba con số 293 được kết bởi những bông hồng đỏ thắm xung quanh được viền bởi những bông cúc trắng làm cho ba con số ấy càng nổi bật hơn. Tôi ngước lên nhìn người ấy thoáng ngạc nhiên rồi mỉm cười e thẹn. Dường như lấy lại được bình tĩnh người ấy trở nên tự nhiên hơn.

Hai chúng tôi bước đi trên con đường vắng hai bên hàng phượng vĩ trơ trụi chỉ có mỗi thân cây khẳng khiu và mấy quả phượng khô treo lủng lẳng. Im lặng hồi lâu người ấy nói: “Khi yêu nhau người ta làm gì nhà báo nhỉ?”. Vừa dứt lời người ấy nắm chặt lấy tay tôi, tôi vội kéo ra nhưng bàn tay tôi đã nằm trong lòng bàn tay người ấy ấm áp và bình yên. Người ấy nhìn tôi âu yếm rồi bảo: “Đã đến lúc mình... à... anh phải trả nợ cho em rồi”. Tôi giật mình lúng túng, là một nụ hôn sao. Tôi vội bỏ chạy về phía trước, người ấy đuổi theo tôi. Nụ cười hạnh phúc của hai đứa hòa lẫn vào nhau phá vỡ sự yên tĩnh của con đường. Bất chợt người ấy hét to: 293!

VUfT0BAi.jpgPhóng to

Áo Trắng số 3 ra ngày 01/02/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LẠC AN(Nghệ An)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên