Theo phản ảnh của cô Phan Thị Kim Oanh - giáo viên Trường tiểu học Lý Tự Trọng (xã Đắk Búk So), trong hai năm 2013 và 2014 cô được trường bố trí dạy tăng giờ 187 tiết. Lớp được bố trí dạy tăng giờ ở điểm trường lẻ, cách xa điểm trường chính và xa nhà hơn 10km.
Theo tính toán của cán bộ kế toán nhà trường, cô Oanh cùng với một số giáo viên Trường tiểu học Lý Tự Trọng sẽ được chi trả hơn 400 triệu đồng tiền lương dạy thêm giờ.
Thế nhưng, từ đó đến nay cô Oanh cùng với một số thầy cô vẫn chưa nhận được khoản tiền nào từ việc bố trí dạy thêm giờ.
Tương tự, giáo viên tại Trường tiểu học Lê Mã Lương cũng bị thiếu nợ 385 triệu đồng, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi 331 triệu đồng, Trường tiểu học Lê Lợi 270 triệu đồng, Trường tiểu học Ama Trang Lơng 396 triệu đồng...
Theo ông Phạm Quốc Trọng - phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức, đến thời điểm này có 28/31 trường học trên địa bàn huyện nợ tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên với số tiền lên đến hơn 5,3 tỉ đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận phản ảnh của giáo viên các trường, phòng GD-ĐT đã có văn bản gửi lên cấp trên và UBND huyện Tuy Đức đề nghị bổ sung, hỗ trợ cấp kinh phí để đảm bảo chế độ, chi trả tiền dạy thêm cho các thầy cô giáo nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, ông Trương Anh - giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông - xác nhận sở cũng vừa nhận được hai báo cáo liên quan về việc chi trả chế độ dạy thêm giờ cho giáo viên của hai huyện Đắk Song và Tuy Đức.
Tuy nhiên do việc quản lý, sử dụng biên chế, phân công giáo viên giảng dạy là do UBND huyện bố trí nên sở không thể nắm rõ.
Theo ông Anh, trước mắt sở đã có công văn gửi Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông và hiện Sở Tài chính cũng đã có văn bản gửi UBND dân huyện Tuy Đức về việc thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận