30/03/2019 10:32 GMT+7

265 giáo viên nguy cơ mất việc ở Sóc Sơn: Không có cách tuyển chọn khác?

VĨNH HÀ - THÂN HOÀNG
VĨNH HÀ - THÂN HOÀNG

TTO - 265 thầy cô có nguy cơ mất việc trước thềm một kỳ thi tuyển giáo viên năm 2019 rất điển hình cho tình trạng chung tiềm ẩn nhiều bất cập trong việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ với nghề giáo.

265 giáo viên nguy cơ mất việc ở Sóc Sơn: Không có cách tuyển chọn khác? - Ảnh 1.

Các GVHĐ huyện Sóc Sơn trải lòng cùng PV Tuổi Trẻ về hành trình đã qua và nỗi lo hiện tại - Ảnh: N.QUANG

Hôm nay là ngày cuối tuần nhưng nghe chuyện của họ, thấy nghề được xếp vào hàng "cao quý" sao tủi phận và buồn quá.

Chờ 11 năm, nhận lương 200.000 đồng/tháng

Đây là trường hợp của cô Nguyễn Như Quế, dạy tiếng Anh ở Trường THCS Nam Sơn. 21 năm là giáo viên hợp đồng, nhưng cô Quế có 11 năm chỉ hợp đồng với trường nhận mức lương 200.000 đồng/tháng.

"Khi sinh con, nhu cầu chi tiêu lớn, tôi đã nhiều lần định bỏ nghề nhưng lại tiếc công học, tiếc nghề đã gắn bó. Năm 2010, tôi được huyện ký hợp đồng, mức lương cao hơn. Đối với tôi, dù vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng nhưng đó là giấc mơ tôi chạm vào. Nó cho tôi sức mạnh để tiếp tục chờ" - cô Quế tâm sự.

Trong số các thầy cô chia sẻ câu chuyện của mình với Tuổi Trẻ, nhiều người cũng từng chỉ hưởng mức lương như thế kéo dài nhiều năm như cô giáo Trần Mỹ Hạnh dạy vật lý, từng chỉ nhận mức lương 540.000 đồng/tháng.

Cho đến bây giờ khi cơ chế cho giáo viên hợp đồng ở tốt hơn, mức tổng thu nhập từ nghề cũng chỉ 4,5 triệu đồng/tháng. Mức 3-5 triệu đồng/tháng là mức phổ biến với các cô dạy hợp đồng ở Sóc Sơn cho công việc dạy học và nhiều kiêm nhiệm khác. Nhiều thầy cô đã nhắc đến sự đeo đuổi nghề của mình như một "giấc mơ nối dài" theo năm tháng.

Cô Nguyễn Thị Thiết, 46 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Trung Giã, đã có 26 năm gắn bó với nghề. Học trung cấp mầm non chính quy, ra trường từ năm 1993, theo lời mời gọi của huyện, cô đồng ý về Sóc Sơn dạy cấp I (tiểu học) vì khi đó Sóc Sơn đang thiếu giáo viên tiểu học trầm trọng.

Năm ấy, lứa của cô Thiết cả huyện có 13 người học trung cấp mầm non thì 11 người "đi theo tiếng gọi cống hiến" về dạy tiểu học và bây giờ một số vẫn chịu cảnh Giáo viên hợp đồng. Có 2 người dạy mầm non theo ngành đã học thì nay đều trở thành hiệu trưởng trường điểm của huyện.

Theo lời cô Thiết, cô và vài người cùng thời là "những giáo viên bị bỏ quên" bởi theo đúng chính sách, sau 2 năm dạy tập sự các cô sẽ được tuyển vào viên chức. Từ đó đến nay đã 2-3 lần huyện tổ chức thi công chức nhưng cô đều bị "gạt" ra. "Với thân phận giáo viên hợp đồng, tôi luôn phải cố gắng phấn đấu để chứng minh năng lực.

Tôi đã đi học tiếp trung cấp tiểu học rồi học lên ĐH nhưng họ nói tôi không có bằng cấp chính quy chuyên ngành tiểu học mà chỉ có bằng tại chức nên bị bỏ qua các kỳ thi. Tôi ngậm ngùi tiếp tục chứng minh, cố gắng nhiều năm được chiến sĩ thi đua, có sáng kiến giảng dạy được giải nhưng bây giờ tôi lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp" - người giáo viên 46 tuổi giãi bày.

Cô Thiết nhắc đến nhiều giáo viên cao tuổi khác có hoàn cảnh rất khó khăn đang phải đứng trước nguy cơ thất nghiệp, có người đã ngoài 50 - rất khó để đi xin việc khác. Có trường hợp đang dạy Trường tiểu học Phù Ninh một mình nuôi 2 con nhỏ, kinh tế rất khó khăn.

Có cô Danh Thị Minh Thanh, người Campuchia, từng học sư phạm văn và ở lại Việt Nam, đứng bục giảng đã 24 năm. Suốt quãng thời gian ấy huyện có một lần thi tuyển công chức nhưng do chưa kịp đổi quốc tịch nên cô không được tham gia. Hiện một mình cô nuôi 2 con học ĐH, trông chờ vào đồng lương giáo viên...

Giáo viên hợp đồng lại trong diện cốt cán

Nhiều thầy, cô giáo ở Sóc Sơn đã làm giáo viên hợp đồng 20-27 năm. Phận giáo viên hợp đồng trong suy nghĩ của họ cũng như "công dân hạng 2", nhưng thực tế họ lại đang là giáo viên cốt cán của trường, của huyện. "Vì gắn mác hợp đồng nên càng phải cố gắng. Không chỉ cố để được ghi nhận mà còn vì lòng tự trọng" - cô Thiết chia sẻ.

Nhiều cô giáo ở Trường THCS Trung Giã kể về trường hợp cô Nguyễn Hương Trà, một giáo viên hợp đồng nhưng năng lực vững vàng, trách nhiệm, được giao tổ phó tổ xã hội của trường.

Cô Trà có trên 20 năm dạy GDCD, nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi, trong đó có những năm 10 học sinh trong đội tuyển của cô đều đoạt giải thành phố. Đặc biệt, cô Trà là một trong 10 người được trao thưởng Gương người tốt việc tốt của thành phố năm 2014.

"Tôi còn trẻ, nếu trượt tôi hoàn toàn có thể xin dạy THPT dân lập nhưng tôi cảm thấy bất công cho những giáo viên như cô Trà, như nhiều thầy cô đã từng cống hiến 25-27 năm" - cô giáo Đào Thị Nga, dạy vật lý ở Trường THCS Trung Giã, chia sẻ.

Nói về nghề, tình cảm gửi vào công việc và học trò, cô Nga giàn giụa nước mắt. Cô Nga là một trong những giáo viên chịu khó vừa dạy vừa học, hiện đang học văn bằng 2 ngành toán ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

265 giáo viên nguy cơ mất việc ở Sóc Sơn: Không có cách tuyển chọn khác? - Ảnh 2.

Cô Đào Thị Nga: “Nếu có kỳ thi khách quan, tôi tự tin năng lực của tôi có thể vượt qua!” - Ảnh: N.Q.

Là một giáo viên vật lý, cô Nga từng hướng dẫn học sinh đoạt giải thành phố, giải quốc gia trong các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên các năm 2015-2016, giải tự làm đồ dùng dạy học cấp thành phố... Với những phương pháp mới đang được học, cô Nga cho biết đã cố gắng tìm cách để "tích hợp phương pháp dạy học truyền thống với sử dụng công nghệ hiện đại".

Cô chua xót: "Mọi câu chữ đều khó có thể mô tả được nỗ lực, tâm huyết với trò, với công việc. Nhưng nếu phần lớn giáo viên như chúng tôi sẽ bị "đánh trượt" trong một kỳ thi và ra đi tay trắng thì để làm gì?".

Cô Nga cũng băn khoăn rằng có nhiều giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đang là giáo viên cốt cán của trường. Họ không chỉ nhiều năm lao động giỏi, chiến sĩ thi đua, mà có những người được giao nhiệm phụ tổ phó chuyên môn, có cô giáo là tổng phụ trách nhiều năm, có thầy, cô trong diện cốt cán để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục mới sắp tới...

Nhưng họ đang phải bước vào một cuộc đấu không công bằng và có thể bị loại chỉ vì "không đạt bài thi thực hành về chuyên môn nghiệp vụ".

Nếu như một loạt giáo viên cốt cán của huyện bị mất việc vì "không đạt yêu cầu" thì có thể tin được vào chất lượng giáo dục không? Tại sao không cho chúng tôi thi tuyển từ khi còn trẻ, với những giáo viên cùng thế hệ? Tại sao không có hình thức tuyển dụng bằng một thước đo là chính thực tế dạy học, sản phẩm dạy học của chúng tôi mà lại yêu cầu chúng tôi bước vào một cuộc đua không cân sức?

Một giáo viên

Vì sao các thầy, cô giáo sợ… thi tuyển?

Có đến 60 giáo viên hợp đồng môn văn đã mòn mỏi chờ hơn 20 năm không có một kỳ tuyển dụng. Nhiều giáo viên khác được tham gia một lần khi mới vào nghề và trượt trong cuộc đấu "1 chọi 50-60" nhưng không còn cơ hội tiếp theo vì không có chỉ tiêu tuyển, hoặc có nhưng điều kiện đã thay đổi. Nếu có một kỳ tuyển dụng khách quan, phù hợp thì nhiều người trong số họ đã có thể "giành vé" vào biên chế - nhiều giáo viên tự tin.

Nhưng cũng có nhiều người trong số họ hoang mang, lo âu vì những éo le. Một cô giáo từng được thi bức xúc: "Phần thực hành, trình bày trước giám khảo, tôi nghĩ cũng không vấn đề gì nhưng tôi đã trượt, và chỉ kém người trúng tuyển trước tôi 0,25 điểm.

Tôi không thể biết người ta làm tốt hơn tôi điểm nào, tôi cũng không thể phúc tra vì phần thi thực hành không ghi âm, không ghi hình và cũng không có quy định được phúc tra. Có phúc tra cũng không có cơ sở để chấm lại". Chưa kể chuyện chấm "bài thi thực hành" chỉ có hơn chục phút trước giám khảo, không có tương tác với học sinh, không đo được sự hứng khởi, sự tiếp thu của học sinh.

Nhiều thầy cô khác trong diện hợp đồng cho rằng họ khó có thể cạnh tranh khi kỳ thi tuyển dụng mở rộng phạm vi cho đối tượng trên cả nước. Thêm nữa, "Chúng tôi chỉ được học tiếng Pháp, tiếng Nga mà bây giờ phải đi thi tiếng Anh với các bạn trẻ; có những trường hợp mẹ con, cha con cùng là giáo viên bây giờ cùng thi với nhau, có khi "đối thủ" lại là học trò cũ nữa, thử hỏi như vậy có còn nhân văn hay không?", cô Nguyễn Thị Thiết bức xúc.

Một số giáo viên cho rằng họ có thể chấp nhận một kỳ thi nếu làm như trong thể thao là thi theo đúng "hạng cân" để cuộc cạnh tranh theo các tiêu chí phù hợp. Hoặc tốt hơn cả là sử dụng một thước đo từ chính thực tiễn họ đang giảng dạy, chính là sản phẩm họ đã tạo nên trong mấy thập kỷ qua.

"Đúng ra mỗi năm phải rà soát"

Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh - phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, với quy định hiện nay, không có cách nào tuyển dụng 265 thầy, cô giáo mà không qua kỳ thi. Có nghĩa là không có đặc cách. Ông Mạnh thừa nhận: "Đúng ra mỗi năm phải rà soát kỹ để trường hợp nào tuyển dụng được thì tuyển, không được thì cắt hợp đồng để họ tìm việc mới".

Đây cũng là chuyện thiếu - thừa giáo viên của nhiều địa phương khác. Nhưng ở Sóc Sơn, điều đáng nói là toàn huyện vẫn thiếu 685 giáo viên, thiếu ở chính các vị trí mà những giáo viên hợp đồng bây giờ đang đảm nhiệm. Nhưng khi tuyển dụng, những người "lấp chỗ trống" hàng thập kỷ lại có thể phải ra đi.

265 giáo viên có nguy cơ mất việc vì "vướng chính sách"

TTO - 265 giáo viên đang dạy hợp đồng cho các trường tiểu học, THCS tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã ký đơn tập thể, kêu cứu trước kỳ thi tuyển giáo viên của thành phố, vì lo ngại mất việc khi không thể vượt qua kỳ thi tuyển.

VĨNH HÀ - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên