Theo Bộ LĐ-TB&XH, số vụ TNLĐ năm 2016 giảm nhẹ so với 2015, nhưng lại tăng về số nạn nhân, số người chết, người bị thương nặng, đặc biệt số vụ TNLĐ có từ 2 người bị nạn trở lên tăng vọt.
10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất năm 2016 gồm: TP.HCM (98 người chết), Hà Nội (75), Bình Dương (62), Thanh Hóa (47), Quảng Ninh (34), Đồng Nai (33), Thái Bình (18), Hải Dương (16), Bình Định (15), Phú Thọ (13).
Lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLĐ nhất là xây dựng (chiếm gần 24% tổng số vụ và gần 25% tổng số người chết), khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo.
Loại hình công ty cổ phần để xảy ra TNLĐ nhiều nhất, chiếm hơn 34% số vụ và trên 34% số người chết.
Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể có số vụ TNLĐ và người chết vì TNLĐ chỉ chiếm chưa đến 4% của cả nước.
Phân tích từ các biên bản điều tra các vụ TNLĐ, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; người lao động không được huấn luyện về an toàn lao động, không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động…
TNLĐ năm 2016 ngoài gây thiệt hại lớn về người thì cũng gây thiệt hại về vật chất, và theo tính toán sơ bộ chi phí mai tang, thuốc thang, bồi thường cho nạn nhân lên tới trên 170 tỉ đồng, thiệt hại về tài sản gần 8 tỉ đồng, số ngày nghỉ do TNLĐ là gần 100.000 ngày.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết ngoài các vụ TNLĐ để chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, thì trong năm 2016 có 5 vụ được cơ quan cảnh sát điều tra, viện KSND ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, như vụ sập giàn giáo tại công trường Suối Quanh (xã Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa) ngày 9-1 làm 4 người chết; vụ sạt lở vách đá tại mỏ đá ở xã Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) ngày 22-1 làm 8 người chết; vụ sạt lở lò khai thác than ở Công ty CP than Cao Sơn (Quảng Ninh) ngày 8-5 làm 2 người chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận