06/07/2018 20:23 GMT+7

25 hồ Nghệ An xuống mực nước chết, 23.000ha lúa khô hạn

DOÃN HÒA - HOÀI GIANG
DOÃN HÒA - HOÀI GIANG

TTO - Ông Nguyễn Văn Lập - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An - cho biết thông tin trên tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2018 chiều 6-7.

25 hồ Nghệ An xuống mực nước chết, 23.000ha lúa khô hạn - Ảnh 1.

25 hồ đập ở Nghệ An đã xuống dưới mực nước chết do nắng nóng, đe dọa đến sản xuất nông nghiệp - Ảnh: DOÃN HÒA

Ông Nguyễn Văn Lập - phó giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết tình hình hơn 1 tuần qua trên diện rộng ở địa bàn tỉnh Nghệ An với nền nhiệt phổ biến từ 36-38oC, có nhiều nơi hơn 40oC, lượng mưa thấp đã ảnh hưởng rất lớn tình hình sản xuất nông nghiệp, xảy ra nhiều vụ cháy rừng…

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh này từ đầu năm 2018 đến 30-6 là 397,3mm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 112,8mm.

Tính đến ngày 2-7, trong số 527 hồ đập do xã, HTX quản lý có 25 hồ xuống dưới mực nước chết.

Trong 95 hồ đập do các doanh nghiệp quản lý có 40 hồ dung tích dưới 50%, 20 hồ dung tích nước còn 50-70%. Mực nước tại các công trình đầu mối như hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố… đều thấp hơn mực nước thiết kế.

25 hồ Nghệ An xuống mực nước chết, 23.000ha lúa khô hạn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Lập - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An - phát biểu tại buổi họp báo chiều 6-7 - Ảnh: DOÃN HÒA

"Lượng mưa thấp, các hồ đập đều không đủ nước tưới tiêu. Toàn tỉnh có gần 23.000ha lúa hè thu - mùa bị khô hạn, thiếu nước tưới; gần 15.000ha lúa chưa gieo cấy được. Chúng tôi lo ngại nếu còn nắng nóng kéo dài nhiều diện tích lúa có thể bị chết", ông Lập nói.

Điển hình, theo ông Lập, hiện tại huyện Yên Thành - một "vựa lúa" của Nghệ An, nếu nắng nóng kéo dài 10 ngày liên tục, khoảng 1.000/12.300ha lúa sẽ khô cháy.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn khẩn yêu cầu các sở, ban ngành và UBND 21 huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, các địa phương cần có phương án chống hạn cho từng vùng, cân đối nguồn nước để cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý, quản lý chặt chẽ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chủ động phòng, chống cháy rừng trong điều kiện thiếu nước và nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác sử dụng phục vụ sản xuất; phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy điện và các công ty thủy lợi trong việc điều tiết, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước xả của hồ thủy điện Bản Vẽ để phục vụ sản xuất.

"Trong trường hợp các hồ chứa nước cạn kiệt không đủ nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi, chúng tôi sẽ yêu cầu các hồ thủy điện trên sông Lam có lịch điều tiết, xả nước phù hợp để chống hạn hán, xâm nhập mặn", ông Lập nói.

DOÃN HÒA - HOÀI GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên