Tuần này, Hãng tin AFP và Reuters dẫn các nguồn tin từ phong trào Hamas và Ai Cập cho biết các đàm phán vẫn đang diễn ra giữa Israel và Hamas nhằm thả từ 10 - 15 con tin để đổi lấy việc tạm ngừng bắn nhân đạo. Các cuộc đàm phán này do Qatar làm trung gian, có sự phối hợp với Mỹ.
Suýt đạt thỏa thuận
Tuy nhiên, các thông tin hiện có về quá trình đàm phán con tin ở Gaza cho thấy việc giải cứu toàn bộ 240 con tin sẽ mất nhiều thời gian. Bởi lẽ từ trước khi Israel phát động chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, đã có những nỗ lực giải cứu nhưng đều bất thành.
Ngày 9-11, báo New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Ả Rập và phương Tây tiết lộ vài ngày trước khi Israel mở chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, nước này từng tiến gần tới việc đạt được thỏa thuận với Hamas, theo đó Hamas sẽ thả 50 con tin và đổi lại Israel sẽ dừng các cuộc tấn công trả đũa.
Theo giải thích của hai vị quan chức đó, Israel trước đó đã trì hoãn tấn công trên bộ để có thời gian hoàn tất các đàm phán về con tin. Khi ấy Israel đã cử ông David Barnea, giám đốc Viện Tình báo và đặc nhiệm Israel (Mossad), tới Qatar để đàm phán về thỏa thuận con tin với Hamas gián tiếp, thông qua các nhà hòa giải Qatar.
Nhưng khi các đàm phán bị đình trệ, Israel đã quyết định thực hiện chiến dịch trên bộ vì cho rằng Hamas sẽ cúi đầu trước sức ép quân sự. Sau khi cuộc tấn công trên bộ của Israel ở Gaza bắt đầu vào ngày 27-10, các đàm phán đã đột ngột dừng. Vài ngày sau đó đàm phán được nối lại và vẫn đang tiếp tục.
Trong số khoảng 240 con tin mà các chiến binh Hamas đưa về Gaza trong cuộc tấn công Israel hôm 7-10 có cả dân thường và binh sĩ Israel. Tuy nhiên các lãnh đạo Hamas nói họ không giam giữ tất cả các con tin này vì các phe phái khác ở Gaza, gồm cả phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), cũng xâm nhập vào Israel hôm 7-10 và có bắt giữ một số con tin.
Cho đến nay các cuộc đàm phán chỉ tập trung vào việc thả con tin là dân thường. Về trường hợp các binh sĩ Israel bị bắt làm con tin, họ có thể là một phần của các đàm phán riêng sau đó, đổi lại là trả tự do cho hàng trăm phụ nữ và trẻ vị thành niên Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Qatar làm trung gian
Hiện Qatar đang làm trung gian đàm phán giữa Israel và Hamas. Qatar là nơi mà giới lãnh đạo chính trị Hamas đã sống lưu vong trong nhiều năm. Mỹ và Israel từ lâu đã thông qua Qatar để chuyển thông điệp tới Hamas và điều phối các nỗ lực viện trợ ở Gaza.
Thủ đô Doha của Qatar hiện là tâm điểm của các cuộc đàm phán về cả vấn đề con tin lẫn viện trợ cho Dải Gaza. Trong tuần qua, Hamas đã bổ sung thêm một điều kiện để thả con tin dân sự, đó là cung cấp nhiên liệu cho các bệnh viện trên Dải Gaza.
Cuối tuần trước Bộ Ngoại giao Qatar chỉ ra nếu không có "giai đoạn điềm tĩnh" ở Gaza, các nhà hòa giải của họ sẽ không thể đảm bảo việc các con tin Israel được thả.
Trong khi đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Israel sẽ không ngừng bắn trừ khi các con tin được thả trước. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuần này nhấn mạnh: "Sẽ không có chuyện tạm ngừng bắn nếu con tin và những người mất tích không được trao trả. Cách duy nhất để cứu con tin là Israel tiếp tục chiến dịch trên bộ".
Cách tiếp cận này của Israel có thể sẽ cản trở các cuộc đàm phán giữa họ và Hamas để giải cứu con tin. Và đây không phải là "chướng ngại vật" duy nhất. Theo báo New York Times, thật ra ngay từ đầu các đàm phán về con tin đã bị cản trở vì vấn đề hậu cần và sự thiếu tin tưởng của cả hai bên.
Các nguồn tin nói các lãnh đạo chính trị Hamas lưu vong ở Qatar gặp khó khăn trong việc giữ liên lạc chặt chẽ với các lãnh đạo quân sự của Hamas ở Gaza. Ngoài ra, Israel nghi ngờ liệu các lãnh đạo Hamas lưu vong ở Qatar có đủ thẩm quyền thực hiện bất cứ thỏa thuận nào không.
Tuy nhiên, vẫn có hy vọng trong chuyện này. Theo hai nguồn thạo tin, ông Ismail Haniya (lãnh đạo chính trị của Hamas ở Qatar) và ông Yahya Sinwar (lãnh đạo Hamas ở Gaza) vẫn giữ liên lạc và việc bốn con tin được thả hồi đầu tháng 10 cho thấy họ đã có thể làm việc với nhau để đạt được một thỏa thuận.
Iran lên án tuyên bố của G7 về Hamas
Ngày 9-11, Iran bác bỏ tuyên bố của G7 sau khi nhóm này kêu gọi Tehran ngừng hỗ trợ Hamas và dừng các hành động "gây bất ổn" cho Trung Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani "lên án mạnh mẽ" tuyên bố của nhóm G7 (bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Canada, Ý, Pháp và Nhật Bản). Ông nói thêm Iran đã tham gia vào "những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công quân sự của Israel vào những người dân không có khả năng tự vệ" ở Dải Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận