Bác sĩ Jim Withers đang hỏi han một người vô gia cư trên đường phố - Ảnh: Volcanotimes |
Nghe đọc báo tin bài này |
Hơn 20 năm rồi, chính xác là 23 năm, người bác sĩ này chọn cách tự bôi bẩn đầu tóc, quần áo để có thể dễ dàng tiếp xúc với những người vô gia cư có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền trang trải viện phí.
Ông nói: “Tôi đã thật sự sốc khi chứng kiến cảnh người vô gia cư bị bệnh trên đường phố. Già, trẻ, những người bị bệnh tâm thần, những đứa trẻ bỏ nhà lang thang, những phụ nữ bị chồng đánh đập phải chạy trốn khỏi gia đình, những người lính trở về sau chiến tranh. Mỗi người đều có cảnh ngộ riêng”.
23 năm qua, bác sĩ Withers tự nguyện chọn việc điều trị tận nơi cho những người như thế ở dưới gầm cầu, trong các con hẻm và ven các bờ sông.
Nói về công việc của mình, ông Withers chia sẻ về khó khăn phải cập nhật các khu cư trú của người vô gia cư. Do đặc thù hoàn cảnh, họ thường xuyên bị lực lượng chức năng di dời. Do đó, ông và các cộng sự thường xuyên phải theo sát để cập nhật các khu ở mới.
Sau khi hỏi han, thăm khám, nhóm của bác sĩ Withers sẽ chăm sóc và điều trị cho người bệnh bằng tất cả những dụng cụ, thuốc men mang theo trong balô. Họ luôn nhắc nhở người bệnh như vậy là chưa đủ và mời họ tới điều trị sâu thêm tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu của tổ chức.
Những người vô gia cư sống trên đường phố thường gặp rất nhiều bệnh trạng khác nhau. Nhẹ thì mất nước, hạ thân nhiệt. Nặng thì cao huyết áp, tiểu đường, cảm lạnh, thậm chí cả tổn thương gan, ung thư.
Trong những lúc “xuống cơ sở” như thế, nhóm thường chỉ gồm bốn người. Ông Withers cho biết số người ít như vậy là vì không muốn gây xáo trộn hay xâm phạm không gian sống của người vô gia cư. Ngoài bản thân ông hoặc một nhân viên y tế, đi cùng nhóm bao giờ cũng có một sinh viên ngành y và một nhân viên công tác xã hội.
Việc đưa các sinh viên y khoa theo cùng trong những chuyến như thế, theo bác sĩ Withers, là điều rất cần thiết. Tại các khu nhà ở của người vô gia cư, các bác sĩ tương lai được tiếp xúc với rất nhiều tình huống, hoàn cảnh có thể đã thấy hoặc chưa bao giờ được thấy tại những bệnh viện chính thống. Ông Withers gọi đó là “môi trường đào tạo nghề y vô cùng phong phú, bổ ích”.
Ông nói: “Tôi cảm nhận được những gì trong mắt các sinh viên mình dẫn đi. Các em chứng kiến quá nhiều người đang sống ở những nơi mà không ai trong các em muốn sống. Thời tiết, mưa gió, giá lạnh. Tôi nghĩ điều đó sẽ làm thay đổi cách nghĩ của các em khi điều trị bệnh nhân. Lớp học trên đường phố thật sự sẽ nhen nhóm, hoặc tái nhen nhóm đam mê với nghề y của các em. Tôi nghĩ hoàn cảnh của những người vô gia cư dạy chúng tôi những bài học về lòng nhân đạo và biết lắng nghe người khác”.
Và rồi từ việc tự nguyện của một cá nhân, tới nay quy mô công việc đã trở thành chương trình phổ biến trên toàn thành phố với tên gọi Operation Safety Net. Kể từ năm 1992, nhóm chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư của bác sĩ Withers đã tiếp cận được hơn 10.000 người bệnh và giúp hơn 1.200 người trong số họ có được nhà ở.
Bên cạnh đó, Operation Safety Net còn có một xe vận chuyển, các trung tâm điều trị lưu động và một phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tất cả những thứ này đều dành cho người vô gia cư.
Chưa dừng ở đó, hiện tại bác sĩ Withers đang dồn tâm sức vào việc thúc đẩy phong trào “y khoa đường phố” trên toàn thế giới. Tổ chức phi lợi nhuận của anh, Street Medicine Institute (Viện y khoa đường phố), sẽ hỗ trợ các cộng đồng trong việc xây dựng những chương trình chăm sóc sức khỏe riêng của họ. Mạng lưới hoạt động của Street Medicine Institue gồm rất nhiều nhóm hoạt động tại Mỹ và trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận