Phóng to |
Trẻ em khu Sở Thùng, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ăn sáng - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ |
Tại hội nghị “Dinh dưỡng trẻ em: tiếp cận từ cộng đồng, trường học và bệnh viện” do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM và Hội Dinh dưỡng TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 1-8, GS.TS Lê Thị Hợp - chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho biết hiện 2,2 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Theo TS Lê Thị Hợp, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi tuy đã giảm những năm gần đây nhưng vẫn còn ở mức cao.
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2010 cho thấy có 17,5% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 29,3% suy dinh dưỡng thể thấp còi (năm 2013 tỉ lệ này giảm còn 25,9%). Trong đó, hai tỉnh Lào Cai và Kon Tum có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất nước, ở mức hơn 40%.
Hiện Việt Nam có 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có khoảng 2,2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tức cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam còn có khoảng 1,3 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 0,6 triệu trẻ ở độ tuổi này bị suy dinh dưỡng thể cấp tính gầy còm. Ngược lại, hiện Việt Nam đang có khoảng nửa triệu trẻ em ở độ tuổi này bị thừa cân béo phì.
Việt Nam hiện đang phải đối đầu với gánh nặng kép: suy dinh dưỡng thấp còi còn cao và béo phì, thừa cân gia tăng nhanh trong thời gian qua.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng thể thấp còi lúc 3 tuổi sẽ ảnh hưởng đến chiều cao khi trưởng thành (18 tuổi). Trẻ không bị suy dinh dưỡng luôn có chiều cao hơn hẳn (cao 1,71m) so với trẻ suy dinh dưỡng nặng (luôn dưới 1,6m)” - TS Lê Thị Hợp nhấn mạnh.
Theo TS Lê Thị Hợp, hiện chiều cao trung bình của người dân Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, nam mới đạt chiều cao 1,65m, nữ đạt 1,54m.
Để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và góp phần tăng trưởng chiều cao của trẻ em, Việt Nam đang tích cực thực hiện các chiến lược can thiệp dinh dưỡng, trong đó chú ý can thiệp sớm cho những ông bố, bà mẹ trước khi bước vào hôn nhân. Đặc biệt là tập trung vào cơ hội 1.000 ngày đầu đời của trẻ - kể từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Đây là giai đoạn rất quan trọng để can thiệp, dự phòng, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, góp phần quyết định cho sự phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận