12/01/2017 13:18 GMT+7

210 người siêu giàu 'dư sức' đưa 3,2 triệu người thoát nghèo

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Đó là kết quả nghiên cứu của Oxfam vừa được công bố tại 'Hội thảo công bố báo cáo về bất bình đẳng tại Việt Nam và khởi động chiến dịch thu hẹp khoảng cách' sáng 12-1 tại Hà Nội.

Đại diện các cơ quan quản lý, giám sát (Bộ LLĐTB&XH, Quốc hội), các chuyên gia kinh tế tham gia trao đổi về thu hẹp khoảng cách - Ảnh: Đ.Bình
Đại diện các cơ quan quản lý, giám sát (Bộ LLĐTB&XH, Quốc hội), các chuyên gia kinh tế tham gia trao đổi về thu hẹp khoảng cách - Ảnh: Đ.Bình

Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt nam trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. 

Đặc biệt, thu nhập một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.

OXFAM

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur - giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam (tổ chức phi chính phủ quốc tế, với 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) tại Việt Nam - cho biết nghiên cứu về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam cho thấy mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam khá lớn.

Chênh lệch lớn về kinh tế kéo theo hàng loạt các bất bình đẳng về tiếng nói, cơ hội, nhất là ở nhóm yếu thế (dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nông dân quy mô nhỏ, lao động nhập cư, phụ nữ…) khiến nhóm người này có nhiều khả năng bị nghèo hóa, không tiếp cận dược các dịch vụ.

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của nhóm người yếu thế và các đại biểu cũng chỉ ra những bất bình đẳng khác và phân biệt đối xử ở nhiều đối tượng, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực…

Bà Lefur cho rằng, để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo Việt Nam cần thực hiện ngay các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, thuế, chi tiêu công, dịch vụ công và sự tham gia của người dân.

“Chính phủ cần nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng tại Việt Nam và có những biện pháp chính sách để giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo nhất, và những người thiệt thòi, người yếu thế sẽ không được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế” - bà nhấn mạnh.        

Tham gia hội thảo, ông Ngô Trường Thi - vụ trưởng, chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) - cho rằng bất bình đẳng là câu chuyện tất yếu mà quốc gia nào cũng gặp, Việt Nam không nằm ngoại lệ. Nhưng nếu để gia tăng khoảng cách trên sẽ gây ra sự bất bình đẳng và các hệ lụy.

Nhận thấy được tình trạng này, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã dành 80% ngân sách trong tổng kinh phí hơn 41.000 tỉ đồng để tập trung giảm nghèo cho vùng “lõi” nghèo.

“Nguồn lực là một phần nhưng sử dựng nguồn lực và tạo cho người dân mới quan trọng. Do đó chương trình giảm nghèo sẽ đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong đó cộng đồng (người nghèo)  được quyết định phương thức sản xuất để thoát nghèo.

Phương pháp này sẽ góp phần minh bạch hóa về sử dụng nguồn lực giảm nghèo đồng thời tạo sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực giữa các nhóm dân cư, hộ nghèo” - ông Thi nói.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên