Bến thủy nội địa dọc sông Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG
Nếu được Quốc hội thông qua, việc nâng tỉ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng cho TP.HCM trong năm 2022 lên 21% là niềm vui, động lực lớn cho TP.HCM vươn mình trở dậy, phục hồi nền kinh tế sau một đợt "ốm" kéo dài, bủa vây khó khăn. Chính lúc này mong có thêm những "động lực" khác được Quốc hội, Chính phủ thông qua.
Tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM được đề nghị nâng từ 18% lên 21%, vui nhưng chưa thể cười mừng. Vui vì sau nhiều năm kiến nghị, Chính phủ đã chia sẻ, trình và mong sắp tới Quốc hội sẽ ủng hộ. Tăng thêm 3% dự kiến TP.HCM có thêm gần 6.000 tỉ đồng góp nguồn lực vào ngân sách để làm các dự án đầu tư công.
Nhưng lo bởi để có được khoản tiền 6.000 tỉ đồng dự toán, TP.HCM cũng phải thu ngân sách được gần 387.000 tỉ đồng, tăng hơn 21.000 tỉ so với dự toán năm 2021. Nguồn thu chuyển về trung ương cũng phải đạt gần 303.000 tỉ đồng, tăng hơn 6.700 tỉ so với năm 2021. Đây là thách thức cần sự nỗ lực lớn của TP.HCM.
Nói vậy bởi TP.HCM vừa trải qua sự tổn thương rất nặng nề do dịch bệnh, muốn phục hồi nguồn lực cần khoản chi rất lớn. Trong khi dự kiến nguồn lực gần 263.000 tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 chưa đáp ứng được chiến lược phát triển, TP.HCM phải nỗ lực gấp nhiều lần.
Nếu vừa qua nỗ lực 200% chống dịch, nay để khôi phục kinh tế cũng phải nỗ lực từ 200% trở lên. Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù trong nghị quyết 54, bán tài sản công của các đơn vị trung ương quản lý trên địa bàn TP mà không sử dụng.
Mặt khác, với nguồn lực có hạn, đầu tư công năm 2022 cũng phải lựa chọn ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho những dự án mang tính lan tỏa, dự án trọng điểm, dự án đang làm dang dở. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho dự án thuộc lĩnh vực y tế cơ sở, cộng đồng, phục hồi kinh tế và giáo dục khoa học công nghệ.
Đầu tư hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội cũng phải tạo sự đột phá tập trung giải quyết các điểm nghẽn vào sân bay, rác thải, tài nguyên môi trường…
Quan trọng hơn, ngoài những dự án của TP.HCM, những dự án về kết nối khu vực, tạo động lực phát triển vùng phải có sự đầu tư mạnh từ ngân sách trung ương để thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cả nước đang khó khăn, xin thêm tiền chắc chắn khó. Bối cảnh này chỉ mong ngoài hỗ trợ tài chính, Quốc hội và Chính phủ sẽ "tiếp sức" cho TP.HCM thêm những nguồn lực phi tài chính.
Với một đô thị đặc biệt, dân số đông đứng thứ 18 trên thế giới như TP.HCM phải có cơ chế phân cấp, phân quyền để TP.HCM thuận lợi trong điều hành. Liên quan đến những điểm nghẽn trong thể chế khi TP.HCM có văn bản đề nghị tháo gỡ, đề nghị các bộ ngành chung sức, giải quyết ngay các điểm nghẽn đó.
Nhân kỳ họp Quốc hội, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện các luật còn vướng như đất đai, đấu thầu, xây dựng, đầu tư… Từ đó tạo hành lang thông thoáng để TP.HCM thu hút thêm vốn đầu tư, bao gồm vốn tư nhân cũng như vốn đầu tư nước ngoài.
Sớm gỡ vướng về thể chế cũng là cách hiệu quả để trung ương tạo thêm nguồn lực ngoài tiền cho TP.HCM phục hồi, phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận