Khẩu hiệu phía bắc cầu Hiền Lương thời đôi bờ chia cắt - Ảnh: LIFE
Đây cũng là thời điểm bắt đầu cho liên tục 21 năm sau đó cả nước bước vào cuộc đối đầu khốc liệt mà đau thương tang tóc và hệ lụy về văn hóa xã hội còn di hại lâu dài về sau.
Một trong những nhân chứng của thời kỳ lịch sử ấy đã tập hợp những ghi chép của mình, xuất bản thành tập sách 21 năm nối lại đôi bờ - trở thành một trong những tác phẩm hiếm hoi đề cập đến đề tài mà đa số người Việt còn nhìn về nó với ít nhiều dị biệt.
Đó là tác giả Nguyễn Long Trảo, nhà cách mạng lão thành, người từ 65 năm trước đã xuống thuyền từ miền Tây Nam Bộ tập kết ra Bắc, chứng kiến những chuyển động từ khi ngừng bắn theo Hiệp định đình chiến Genève đến công tác chuyển quân, tập kết...
Một chặng đường lịch sử "thời chia đôi đất nước"
Những trang viết của 21 năm nối lại đôi bờ có sức nặng của độ tin cậy và có giá trị sử liệu về một mảng đời sống của những người cách mạng miền Nam sống trên đất Bắc.
Không chỉ gồm những chuyện được tác giả tự thuật, từ những năm tháng sống, làm việc và chiến đấu dưới đạn bom trong lúc hai miền chia cắt, ở tuổi sắp 90, tác giả còn tỏ ra minh mẫn với sức làm việc đáng kể, khi ông tìm kiếm những ghi chép của người cùng thời về cùng một sự kiện, chung trong thời điểm, và chép thêm vào tập sách như bổ sung chất liệu cho các trang viết về lịch sử thêm phần dày dặn.
Do vậy, trong tập sách, người đọc sẽ bắt gặp cả những tâm sự đáng chú ý của nhiều người trong cuộc cùng thời.
Đó là những ghi chép của tướng Trần Văn Trà thể hiện những băn khoăn rất sớm về nội dung Hiệp định Genève, là những tâm sự về thời điểm tập kết chuyển quân của những cán bộ tỉnh Đồng Tháp với nhiều tình tiết cảm động bởi thời điểm chia tay kẻ đi người ở.
Đó chính là những tư liệu có chất sống rất đời thường, nhưng cũng rất thật. Như cái cách ông Võ Thành Kết rung động trước câu thơ Tố Hữu trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy: Hỡi những con khôn của giống nòi/ Những người trai quý gái yêu ơi!/ Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?
Những tâm sự chân thành
Đặc biệt, giới nghiên cứu lịch sử chắc chắn sẽ tìm thấy ở đây nhiều chi tiết quan trọng thú vị.
Từ chủ trương "song song với việc chuyển quân tập kết, phải gấp rút tuyển chọn những người "lặn lại" làm nòng cốt trong phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng..." được phổ biến cho cán bộ ngay trước lúc lên đường tập kết; đến việc khi ra đến miền Bắc, được bố trí công tác, nhận nhiệm vụ, và cả những tháng ngày đi học ở Trung Quốc...
Tác giả khéo léo dẫn dắt người đọc theo từng bước chân của mình từ một anh chàng bộ đội Cụ Hồ đến lúc nên bề gia thất. Và rồi ngày về Nam đã đến, đất nước thống nhất trong niềm vui chung nhưng trang viết của Nguyễn Long Trảo thời kỳ này vẫn còn nhiều trăn trở.
Vẫn còn đó những bất đồng ngay cả trong gia tộc; và quan trọng hơn, tác giả đã sớm nhìn ra những chuyển biến nơi người cán bộ. Con người phải chuyển biến cùng thời cuộc, nhưng làm thế nào để sự chuyển biến hòa nhịp cùng cái tiến bộ chứ không phải chuyển thành một lực cản ngại sự phát triển mới thật là quan trọng.
21 năm nối lại đôi bờ - tập sách cùng bao nhiêu tâm sự chân thành của một người đi làm cách mạng từ tuổi thiếu niên đến tuổi lão thành vẫn một niềm tin mong đất nước được yên bình phát triển - sẽ là chất liệu thú vị để những người đọc hôm nay mạnh dạn đối diện với đâu đó trong lòng người và trong lịch sử vẫn còn những sự phân cách đang cần nối lại.
Sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Lịch sử đã lùi xa, 65 năm - thời gian ngang bằng cả đời người, ngày nay đọc lại những trang viết về đời thường của tác giả thời chiến tranh ở miền Bắc sao mà xúc động.
Hoàn cảnh tác giả và vợ đều phải công tác xa, chuyện nuôi con, thăm con, lạc con, cả chuyện tưởng đâu đã bỏ mất con giữa loạn lạc thời sơ tán tránh đạn bom... thật là những trang viết thắt lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận