Để đạt được, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phải phát huy tối đa các động lực tăng trưởng.
Năm 2023 GDP tăng 5,05%
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-12, GDP năm 2023 của cả nước tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng này chỉ cao hơn tốc độ tăng GDP của những năm bùng phát đại dịch Covid-19 (2020 - 2021) và thấp hơn tốc độ tăng GDP những năm còn lại của giai đoạn 2011 - 2023.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết quy mô GDP của nền kinh tế nước ta tính đến cuối năm 2023 đạt khoảng 10,22 triệu tỉ đồng, tương đương 430 tỉ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Xu hướng tích cực là tăng trưởng GDP năm 2023 cải thiện dần qua từng quý, trong đó quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47% và quý 4 tăng 6,72%.
Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,8%, đóng góp 8,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,7%, đóng góp 28,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,8%, đóng góp 62,2%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về con số GDP bình quân đầu người năm 2023 tăng 160 USD so với năm 2022, bà Hương nói: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,05% trong khi tốc độ tăng dân số thì chậm hơn nhiều, điều này đã đẩy GDP bình quân đầu người tăng thêm 160 USD.
Với quy mô GDP nền kinh tế năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ USD chia cho tổng dân số bình quân cả năm khoảng 100,3 triệu người thì sẽ ra được GDP bình quân đầu người của cả năm.
Nhưng GDP không phải là tất cả, phần doanh nghiệp FDI tạo ra tại Việt Nam được tính vào GDP của Việt Nam nhưng sau đó họ lại chuyển phần lợi nhuận họ làm ra tại Việt Nam về nước họ. Đến nay chưa có số liệu về khu vực FDI đóng góp cho GDP cả nước năm 2023, nhưng số liệu năm 2021 cho thấy khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước.
Loạt động lực tăng trưởng cho năm tới
Bình luận về mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024, bà Hương cho rằng đây là một mục tiêu nhiều thách thức khi các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 khó khăn hơn năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể thấp hơn năm nay.
Riêng với Việt Nam một số tổ chức quốc tế lại dự báo tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn, nhưng đó vẫn là dự báo.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - viện phó phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, động lực tăng trưởng lớn nhất của năm 2024 vẫn là thúc đẩy sự phục hồi khu vực sản xuất, trong đó có cả doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, sự phục hồi của khu vực sản xuất phục vụ xuất khẩu phụ thuộc vào sự phục hồi cầu thế giới và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước về thay đổi xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất xanh để tăng xuất khẩu.
Còn đối với khu vực sản xuất trong nước, Chính phủ cần hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất có thể chiếm lĩnh được các thị trường nội địa, qua đó thúc đẩy ngành dịch vụ, bán buôn bán lẻ trong nước sôi động hơn. Sự phục hồi của sản xuất mới là động lực chính của tăng trưởng năm 2024 và những năm sắp tới.
Phân tích về các động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhận định trước hết vẫn cần tập trung vào bốn động lực tăng trưởng kinh tế mà lâu nay Chính phủ vẫn đang thúc đẩy.
Thứ nhất là đổi mới thể chế, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch để thúc đẩy doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hoạt động, phát triển.
Điều này Chính phủ đã nhận thức rất rõ, trong năm 2023 tháng nào Thủ tướng cũng chủ trì phiên họp thường trực Chính phủ về vấn đề pháp luật. Điều này cần tiếp tục làm, bởi vì vẫn còn nhiều quy định pháp lý không rõ ràng thì doanh nghiệp không đoán định được.
Thứ hai là thúc đẩy đầu tư công để lan tỏa đến đầu tư ngoài quốc doanh. Năm 2023, đầu tư công đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, động lực tăng trưởng này vẫn rất quan trọng vì kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn.
Thứ ba là cần duy trì, kích thích tổng cầu trong nước với quy mô dân số hơn 100 triệu người và hơn 12 triệu khách du lịch quốc tế (số liệu năm 2023).
Thứ tư là tổng cầu bên ngoài vì rất nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đang dựa vào xuất khẩu, ngay cả các sản phẩm nông nghiệp năm 2023 xuất khẩu cũng tăng rất mạnh, xuất khẩu gạo và rau quả vẫn tăng cao.
"Bốn động lực tăng trưởng kinh tế này của Việt Nam cần được tiếp tục duy trì trong năm 2024", ông Lâm nhấn mạnh.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng năm 2024 nền kinh tế Việt Nam sẽ đón nhận thêm nhiều động lực tăng trưởng mới, đó là động lực từ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với số vốn giải ngân năm 2023 đạt 23,5 tỉ USD và có xu hướng tiếp tục tăng lên trong 2024.
Hiện nay đang diễn ra xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI, nhiều nhà đầu tư FDI lớn đang tìm tới những nước có môi trường thân thiện để đầu tư. Đây là lợi thế của Việt Nam, trong đó có nhiều tập đoàn đang đầu tư vào những ngành mới như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, điện, điện tử...
Đây cũng là những ngành sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo cần được thúc đẩy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận