2021 trong mắt 1921

TRÚC ANH 11/01/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Những viễn tượng về năm 2021 của người sống cách đây tròn 1 thế kỷ có lẽ không thể nào tính đến một đại dịch như COVID-19, nhưng có nhiều dự báo đúng đến không ngờ, bên cạnh những ước mơ mà khoa học công nghệ hiện đại vẫn đang cố chinh phục, dù ý tưởng đã có từ trăm năm trước.

Hình dung của người xưa về gọi video qua Zoom ngày nay.

Năm 1921, thế giới bắt đầu chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Điện, máy bay thương mại, radio và nhiều phát minh khác lúc đó đều là mới mẻ. Liệu chúng sẽ thay đổi thế giới thế nào? Chúng ta hiểu rõ kết quả, nhưng còn những người sống ở thời đó thì sao? Jason Feifer, tổng biên tập trang Entrepreneur,đã thử tìm câu trả lời bằng cách tra cụm từ “năm 2021” trong báo chí lúc bấy giờ, vốn “đầy những dự đoán về tương lai sau trăm năm nữa”.

Theo Feifer, hình dung của người sống ở năm 1921 về 2021 rất đa dạng, có cái chính xác đến ngạc nhiên, nhưng cũng có những dự báo sai rất thú vị; chẳng hạn tờ Evening News của Harrisburg, thủ phủ bang Pennsylvania (Mỹ), đoán rằng “Mexico sẽ thành một cường quốc mạnh hơn bất kỳ nước nào ở châu Âu”.

Tuy nhiên, tác giả chọn những dự báo tương lai chính xác để kể lại trong bài viết ngày 4-1. “Những người sống năm 1921 tưởng tượng về những tiện ích độc đáo mà với chúng ta ngày nay là điều rất đỗi bình thường, như kiểm soát nhiệt độ trong nhà, nấu ăn dễ dàng, hay bay vòng quanh thế giới. Đó là những mộng mơ kỳ ảo của họ nhưng lại là thực tế của chúng ta” - Feifer viết.

Chẳng hạn như Charles Steinmetz, kỹ sư điện nổi tiếng là “phù thủy của thành phố Schenectady, bang New York”, đã có những dự báo hoàn toàn chính xác, vượt thời gian về những phát minh mà ngày nay chúng ta gọi là Netflix, Tesla hay Audible.

Trong một bài báo phổ biến lúc bấy giờ, Steinmetz viết cuộc cách mạng về nhiệt độ trong nhà: “Khi hệ thống nhiệt được điện hóa hoàn toàn và khi tôi muốn nhiệt độ trong nhà là 21 độ C, tôi sẽ chỉnh bộ điều khiển nhiệt độ về 21 và nhiệt độ sẽ không bao giờ vượt quá mức đó. Nhiệt độ đó sẽ được duy trì ổn định bất kể thời tiết ngoài kia là gì. Cũng hệ thống điện đó sẽ làm mát không khí. Và hơn nữa, nó sẽ giữ độ ẩm luôn ở mức bình thường”. Cũng hào hứng với những điều kỳ diệu mà điện có thể mang lại, Steinmetz cho rằng cách con người đi lại cũng sẽ thay đổi: “Sẽ có nhiều ôtô, xe đạp và xe ba bánh chạy bằng điện. Vì đơn giản và giá rẻ, ai cũng có thể sở hữu các phương tiện này và ta sẽ cất chúng ở tầng hầm”.

Steinmetz cũng hình dung về tương lai chỉ cần ngồi nhà là thưởng thức được mọi món giải trí: “Sẽ chẳng cần phải đến các khán phòng đông đúc, nóng bức để nghe hòa nhạc. Ta chỉ cần cắm điện - như cắm máy hút bụi hay đèn bàn, và buổi hòa nhạc sẽ được dời đến ngay nhà ta”. Và đây là cách người sống ở năm 1921 nói về cái ngày nay gọi là Spotify: “Nhạc sẽ do một trạm trung tâm phân phối đến người nghe có thuê bao qua đường dây, giống dịch vụ điện thoại ngày nay. Mà có lẽ là không cần dây - tại nhà chỉ cần lắp bộ nhận tín hiệu. Nếu cải thiện cơ chế này, chúng ta sẽ có thể nghe các ngôi sao opera hát khi họ đang biểu diễn ở châu Âu, còn ta thì ngồi trong thư phòng ở nhà”.

Trong khi đó, trong bài “Một trăm năm nữa từ đây” trên báo Miami News vào tháng 8-1921, tác giả Moses Folsom cũng đưa ra nhiều dự báo chính xác về các tiến bộ trong ảnh màu, phim ảnh, thủy điện, quang điện và cả sách nói. “Những quyển sách hay nhất sẽ được tái sinh dưới dạng những chiếc đĩa, dùng cho nhiều kiểu máy phát khác nhau. Những giọng nói của các kịch tác gia, thi sĩ, triết gia và tiểu thuyết gia sẽ được tái hiện chính xác trong thư phòng hay phòng khách mọi nhà. Giọng ngọt ngào của các ca sĩ cũng được lưu thành đĩa để tồn tại lâu hơn, khi những giọng ca đó chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng”.

Folsom cũng đưa ra dự báo táo bạo về tương lai “các đường ống sẽ nối liền các đô thị và con người di chuyển trong đó với tốc độ vượt mọi giác quan”. Đến nay chúng vẫn chưa thành hiện thực, nhưng các tên tuổi lớn như SpaceX, Virgin vẫn đang miệt mài biến giấc mơ đó thành sự thật, dưới tên hệ thống siêu di chuyển Hyperloop.

Những hình dung về tương lai trăm năm đầy táo bạo nói trên được đưa ra chưa đầy 3 năm sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc và sự bùng phát của dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Nhắc chuyện xưa là để nói chuyện nay, khi nhân loại bước vào năm 2021 vừa kỳ vọng vừa run sợ bởi “vết sẹo” 2020. “Bất chấp mọi khó khăn hiện hữu, chúng ta đang sống trong thế giới mơ ước của tiền nhân, và giờ là lúc ta xây đắp ước mơ tương lai cho mình” - Feifer viết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận