TTCT - Có lẽ chưa bao giờ trên toàn thế giới, đồng loạt các nhà lãnh đạo cấp cao nhất đứng trước nhiều thách thức và bị nghi ngờ ghê gớm như thế, một dấu hiệu nữa cho thấy thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ ra sao và các đòi hỏi với những nhà lãnh đạo chính trị giờ đã khác biệt thế nào. Những cú “ngã ngựa” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai đầu tàu quyền lực của khối Liên minh châu Âu (EU), khép lại một năm nhiều chật vật với những nhà lãnh đạo mực thước kiểu cũ, trái ngược hoàn toàn với sự nổi lên của các ông Matteo Salvini (phó thủ tướng Ý) và Viktor Orban ở Hungary. Tất cả là một lỗi hệ thống hơn là cá nhân. Không có gì là đột ngột cả. Những trục trặc trong đời sống hằng ngày của người dân không dừng lại do không được lắng nghe, thông hiểu và đáp ứng, sau cùng trở thành khủng hoảng do các nhà nước cứ “đi mây về gió” với những mơ tưởng kỹ trị biến EU thành một chính quyền liên bang, trong khi dân chúng đang muốn tìm về nhà nước “quốc gia, dân tộc” ngày nào. Các chính phủ không đáp ứng người dân Khi bắt đầu bài phát biểu về tình trạng của liên minh trước Nghị viện châu Âu vào tháng 9 vừa qua, Jean Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã tuyên bố EU đang trải qua một “cuộc khủng hoảng tồn tại”. Điều mà ông Jean Claude Juncker gọi là “cuộc khủng hoảng tồn tại” do lẽ chính cơ chế hình thành và vận hành của EU đã biến thành vấn đề cho từng quốc gia, dân tộc. Người dân từng nước sớm muộn đều cảm thấy cơ chế đó ép uổng họ, mong muốn chính phủ hành động, song không thấy động tĩnh gì. Không còn là những hiện tượng đơn lẻ nữa, đến nỗi José Isaías Rodríguez, nguyên giám đốc Liên hiệp các tổ chức kinh doanh châu Âu (CEOE) suốt 25 năm, phải ta thán: “Điều gì đang xảy ra? Có những giải pháp nào? Tại sao không có hành động nào được thực hiện? Mục đích của các nhà lãnh đạo của chúng ta là gì?”. Theo ông, các nhà lãnh đạo và các êkip cầm quyền, do quá kỹ trị, không còn nghe tiếng dân, nhìn thấy những vấn đề của dân. “Các nhà lãnh đạo nhìn siêu xa trông siêu rộng phải lường trước được thay đổi của một thế giới không ngừng phát triển được thúc đẩy bởi công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm các khía cạnh đa văn hóa của những con người đang phải sống ở đây”. Đây là một vấn đề với các lãnh đạo chủ chốt của EU, cơ chế hợp nhất 28 quốc gia thành viên vốn chính là một thực tại siêu tưởng. Trong quá khứ, khi EU còn “lành lặn”, còn khí thế, truyền thông thường ngợi ca những lãnh đạo nhìn siêu xa trông siêu rộng, cỡ các ông Jacques Delors và Helmut Kohl - hai “cha đẻ” của đồng tiền euro hiện tại, để hình dung ra những thực thể mới như một EU chung đồng tiền, không còn biên giới riêng. Song khi không yên ổn, cái sự tự do đi lại đó biến thành cơn hồng thủy người tị nạn, có những người lợi dụng chế độ không kiểm tra trong nội bộ EU để nhập cư, ở lì, kiếm “ăn vặt” còn hơn ở lại quê nhà ăn bom đạn. Rồi đến làn sóng di dân - kinh tế từ châu Phi. Chính phủ và dân: không hiểu nhau Femke Van Esch, giáo sư chuyên về EU của Đại học Utrecht (Hà Lan), vào tháng 10-2017 cảnh cáo: “Hãy coi chừng những lời kêu gọi cho một giới lãnh đạo châu Âu mạnh mẽ và có tầm nhìn siêu xa siêu rộng”. Theo ông, các cuộc khủng hoảng liên tiếp gần đây của khối đã dẫn đến ý tưởng thành lập một cơ chế lãnh đạo EU mạnh mẽ hơn. Chủ tịch Juncker đề xuất hợp nhất hai chức chủ tịch Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, vịn lý do EU sẽ hoạt động tốt hơn với một “thuyền trưởng” ở vị trí lãnh đạo. Tổng thống Pháp Macron đi thăm các thủ đô châu Âu, cổ vũ việc thiết lập một bộ trưởng tài chính toàn châu Âu cho khu vực Eurozone để giúp vượt qua các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Giáo sư Van Esch phản đối những mong muốn đó: “Cơ chế siêu lãnh đạo thường bao hàm sự lãnh đạo từ trên xuống. Những lợi thế của cách lãnh đạo như thế này là rõ ràng do hứa hẹn hành động quyết đoán và hiệu quả. Tuy nhiên, sự lãnh đạo từ trên xuống như thế mâu thuẫn với lý tưởng dân chủ của EU, cũng như chủ quyền và quốc hội của các quốc gia thành viên. Hơn nữa, nếu người ta nghiêm túc nghĩ rằng lãnh đạo là mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo và người dân phải “đi theo” các chính phủ, liên quan đến hệ thống quyền lực và phân cấp thì câu hỏi đặt ra là lãnh đạo của các quốc gia quyền lực nhất EU, chủ tịch Ủy ban châu Âu hoặc một bộ trưởng tài chính toàn châu Âu, dựa trên cơ sở gì để có thể chính danh lãnh đạo toàn thể người dân châu Âu?”. Phản bác đó không phải là mới hoặc duy nhất. Từ năm 2011, cựu bộ trưởng từ trào tổng thống Pháp F. Mitterand, cựu nghị sĩ lão thành Jean-Pierre Chevènement, đã lên tiếng: “Ngay từ đầu, đồng tiền chung châu Âu đã được hình thành như một loại tiền tệ chính trị, là đòn bẩy của chủ nghĩa liên bang châu Âu. Người dân, được tham khảo ý kiến của cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 29-5-2005, đã vô vọng bày tỏ sự từ chối của họ. Đồng tiền này đã được áp đặt thông qua Hiệp ước Lisbon, mà về bản chất chính là Hiến pháp châu Âu. Sự khước từ chủ quyền này không thể ngăn cản thực tế đang nổi lên: Hôm qua, người ta đã hứa rằng đồng euro sẽ cứu rỗi chúng ta. Giờ đây, chúng ta phải cứu đồng euro thông qua các kế hoạch tăng thắt lưng buộc bụng”. Ngoài vấn đề nhập cư và khủng hoảng nhân sự, chính sách bị coi là quá hào phóng với EU cũng là lý do chính khiến cử tri Đức “buông” bà Merkel trong các cuộc bầu cử địa phương cuối tháng 10 vừa qua, khiến bà tuyên bố sẽ thôi chức vào năm 2021. Việc 51,9% cử tri Anh bỏ phiếu chọn Brexit hôm 23-6-2016, rời khỏi EU để trở về với tự chủ quốc gia, dân tộc cũng là một phản ứng của dân chúng trước sự mất chủ quyền tài chính quốc gia. Chuyện nhiệm kỳ của ông Macron coi như kết thúc do lẽ ông cũng thuộc nhóm những nhà lãnh đạo nhìn siêu xa trông siêu rộng đó. Những gì mà nay cả phía “gilê vàng” lẫn ông Macron than thở (chính phủ không lắng nghe người dân) đã được giáo sư Van Esch cảnh báo từ cách đây hai năm: “Các công dân EU phải là trọng tâm của các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo này phải lắng nghe và sẵn sàng nhận trách nhiệm, trước những thách thức mà họ gặp phải, và phải “nhìn xa” hơn nhiệm kỳ của họ... không chỉ nhắm vào lợi ích ngắn hạn sẽ được “trả công” trong các cuộc bầu cử”. Đến đây, nền tảng của chế độ dân trị lung lay: các cuộc bầu cử vốn từng được xem là hệ thống “kiểm tra và cân bằng” các chính phủ lại khiến người lãnh đạo xa rời người dân hơn, khi chỉ chăm chăm làm sao để các cử tri bỏ phiếu cho mình nhiệm kỳ tới. Đông Nam Á: Tình hình ngược lại May mắn thay, châu Á không phải là EU. ASEAN mới chỉ là một cộng đồng, dù cũng đã có vài ý nghĩ mộng mơ muốn tiến đến một EU. Tạm lấy chủ đề nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2018 của Singapore, “tập trung vào các chủ đề linh hoạt và sáng tạo, bao gồm việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do cũng như các hiệp định liên quan đến thương mại điện tử và công nghệ kỹ thuật số mới, bao gồm cả khái niệm quy hoạch đô thị thông minh đến các dịch vụ công cộng trên 26 thành phố thí điểm ASEAN”. Bao nhiêu người có thẩm quyền sẵn sàng hiểu những gì cần phải thực thi để Thỏa thuận toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện một cách “toàn diện và tiến bộ”, tỉ như các yêu cầu về quyền của người lao động? Mở cửa tự do thương mại giữa 11 nước xuyên Thái Bình Dương, sau khi Mỹ ra khỏi TPP, không đơn giản là mở cửa cho hàng hóa được sản xuất trong bất cứ điều kiện lao động nào. Việc dân chúng Hungary mới xuống đường phản đối luật lao động mà họ cho là xem người lao động như “nô lệ” qua những định mức và điều kiện lao động khắt khe, đặc biệt là làm ngoài giờ, là một dẫn chứng cần thiết trước những lần lữa khất hẹn trong CPTPP. Càng khó mà hình dung lợi ích của những sáng tạo huy hoàng đó nơi những người Rohingya theo Hồi giáo ở Myanmar, mà Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố là tội ác chống lại loài người, song chưa được đồng thuận ghi nhận trong nội bộ ASEAN. Những tinh hoa của giải Nobel hòa bình có thể rất là cao quý với người dân thường Myanmar nói chung khi còn dưới trướng chế độ quân phiệt, song lại là vô nghĩa đối với người thiểu số không phải gốc Myanmar! Đe dọa phân biệt chủng tộc ngay trong một quốc gia vẫn còn đó, như đã và đang chứng kiến ở Malaysia. Năm 2019 này sẽ là năm Thái Lan giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Thách thức đặt ra cho nước chủ nhà, theo Prashanth Parameswaran trên The Diplomat 29-11-2018, thật nhức óc: “Năm 2019 hứa hẹn sẽ là một năm bận rộn với chính trị Thái Lan ngay cả khi nước này làm chủ tịch ASEAN. Các cuộc bầu cử từng bị hoãn nhiều lần có thể sẽ được tổ chức vào năm tới để đưa đất nước trở lại chế độ dân chủ... Lo ngại về sự lặp lại chính xác những gì từng xảy ra khi Thái Lan chủ trì ASEAN năm 2009, các cuộc họp bị gián đoạn bởi các cuộc biểu tình, có lẽ đã bị cường điệu hóa. Tuy nhiên, việc tổ chức các cuộc họp trong bối cảnh những thách thức trong nước này sẽ không phải là một điều dễ dàng”. Theo tác giả, “Sự thay đổi trong chính trị đối nội và cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Thái Lan cũng sẽ tác động đến mối quan hệ của Bangkok với các nước láng giềng ở Đông Nam Á - đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á như Myanmar, Campuchia và Việt Nam - mỗi nước có một sự pha trộn các chế độ của mình và đang trải qua những thay đổi chính trị quan trọng trong nước cùng những yêu cầu “liên kết” mới”. ■ Làn sóng dân túy Trong bối cảnh EU cứ “thống nhất” tuyệt đối ở “thủ đô” Brussels, việc dân chúng một số nước bỏ phiếu cho các đảng cực hữu và dân túy chủ trương “quốc gia, dân tộc” là tất nhiên. Phó thủ tướng Ý Salvini và Thủ tướng Hungary Orban là hai hình mẫu của xu hướng này. Cuộc gặp gỡ hôm 20-8-2018 ở Milan của hai ông này được xem là khởi đầu của một liên minh cực hữu cầm quyền ở châu Âu. Hai ông đã thỏa thuận một lập trường chung có thể xem như là “ngược-EU” gồm một số điểm chính như sau, theo Ouest-France 29-8-2018: Bảo vệ các biên giới là mục tiêu số một; chống nhập cư; hướng tới một mặt trận vì chủ quyền quốc gia trong cuộc bầu cử châu Âu năm 2019. “Chúng tôi đang tập trung vào một trục, chúng tôi sẽ xem những gì có thể thực hiện cùng nhau. Tất cả chúng tôi đang làm việc để xây dựng một châu Âu khác” - ông Salvini phát biểu. Các nhà lãnh đạo phải nói một thứ ngôn ngữ mà mọi người, bất luận nam nữ, đều có thể hiểu được và tin rằng các mục tiêu mà họ đề ra là có cơ sở, sát với kỳ vọng của người dân. Giáo sư Van Esch Tags: Lãnh đạo thế giớiChủ nghĩa dân túyKhủng hoảng lãnh đạo
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam DUY LINH 24/11/2024 Đầu giờ chiều 24-11, chuyên cơ chở Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Giám đốc Đại học Huế: Chúng tôi không có quyền thẩm định luận án tiến sĩ đạo văn NHẬT LINH 24/11/2024 Liên quan đến vụ việc luận án tiến sĩ của một trưởng phòng nghiên cứu khoa học được xác định đạo văn ở Huế, giám đốc Đại học Huế đã lên tiếng về vụ việc này.
Xem các nghệ nhân thay áo mới cho điện Thái Hòa NHẬT LINH 24/11/2024 Điện Thái Hòa trong khu vực Hoàng cung Huế, nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong 143 năm, đang được đội ngũ những người thợ thủ công lành nghề bậc nhất Việt Nam ngày đêm tu bổ.