Một nhà giao dịch đang nhìn màn hình theo dõi giá cả tại sàn giao dịch chứng khoán New York ngày cuối năm, 31-12-2018 - Ảnh: REUTERS
Đài CNN của Mỹ cho biết đây là năm tồi tệ nhất với chứng khoán thế giới kể từ 2008 và cũng là năm thứ hai trong thập kỷ qua cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm điểm. Năm 2015 hai chỉ số này từng giảm nhẹ, song ở năm đó chỉ số Nasdaq lại tăng cao hơn.
Tại Mỹ, trong năm qua các chỉ số chứng khoán chính của nước này đều đã giảm điểm. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 5,6%, S&P 500 giảm 6,2% và Nasdaq giảm 4%.
Riêng trong tháng 12, tháng được coi là đỉnh điểm của những tồi tệ với chứng khoán Mỹ khi chỉ số S&P 500 giảm 9% còn Dow Jones giảm 8,7%. Đây cũng là tháng 12 tệ hại nhất kể từ năm 1931. Chỉ trong 7 ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones mất 350 điểm.
Cũng riêng trong tháng 12 chỉ số S&P 500 trồi sụt hơn 1% tới 9 lần, so với tổng cộng 8 lần của cả năm 2017. Theo đó trong cả năm 2018 chỉ số này biến động tổng cộng 64 lượt.
Dù vậy khi nhìn lại toàn cảnh năm 2018, chứng khoán thế giới cũng không phải chỉ toàn những điều tệ hại. Cũng có những dấu nhấn tích cực như khi chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mọi thời vào ngày 20-9 còn chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức kỷ lục của nó ngày 3-10.
Tuy nhiên năm 2018 sẽ được giới đầu tư "ghi nhớ" bởi đặc trưng thất thường một cách cực đoan của nó. Tình huống chỉ số Dow Jones dao động tới mức 1.000 điểm chỉ trong một phiên giao dịch mới chỉ xảy ra 8 lần trong lịch sử tồn tại của nó, nhưng đã có tới 5 lần trong số ấy xảy ra ở năm 2018.
Sự thất thường này là hệ quả của những dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu, những lo ngại về chính sách tiền tệ, những bất thường chính trị, nỗi lo lạm phát và cả những lo lắng về chính sách thắt chặt quản lý trong lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó cũng phải kể tới ảnh hưởng của tiến trình Brexit với nền kinh tế Anh và các nước châu Âu, cộng thêm vào đó là sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số FTSE All-World theo dõi hàng ngàn loại cổ phiếu trên các thị trường giao dịch cũng đã sụt giảm 12% năm nay. Đây cũng là chỉ số tệ nhất của FTSE All-World kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nó cũng cho thấy sự đảo ngược rất lớn so với mức tăng gần 25% của năm 2017.
Những tổn thất trên thị trường chứng khoán trong năm nay được công bố nhiều nhất tại Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang cảm nhận rõ hơn những tác động tiêu cực từ viễn cảnh thương mại u ám hơn và cả những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát nợ công.
Chỉ số Shanghai Composite đã bước vào giai đoạn thị trường giá xuống (bear market - là giai đoạn các loại chứng khoán giảm một cách đột ngột, liên tục và kéo dài) trong tháng 6 năm nay và đã giảm gần 25% kể từ đầu năm. Trong khi đó chỉ số Shenzhen Composite cũng đã giảm 33% cùng kỳ. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 14%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận