2011: năm của những phản kháng

BÁO CAPITAL (PHÁP) 31/12/2011 11:12 GMT+7

TTCT - Tất cả bắt đầu bằng những vụ xuống đường phản kháng ở Tunisia, rồi ở Ai Cập, Libya, Yemen, Syria... Còn Hi Lạp, Tây Ban Nha... trong một châu Âu vỡ nợ, thậm chí cả ở Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Khi sự bất mãn, từ cội nguồn đến hiện tượng, không được giải quyết thì xung đột là tất yếu.

Phóng to

Cảnh sát New York bắt giữ những người biểu tình thuộc phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” ngày 17-12-2011 - Ảnh: Reuters

Đối với người được trao giải Nobel kinh tế Paul Krugman, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” bắt nguồn từ sự bất mãn tới giới hạn của dân chúng Mỹ: “Có một điều gì đó đang diễn ra ở đây... Sự nổi lên của một phong trào quần chúng đang nổi giận. Chúng ta có thể nói gì về những người phản kháng ấy?”.

Từ phố Wall...

Ông Paul Krugman giải thích lý do của sự bất mãn này: “Việc họ lên án Phố Wall như là một thế lực hủy diệt, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế, là hoàn toàn đúng. Trước hết, giới ngân hàng tận dụng việc để ngỏ các quy định để tha hồ “làm ăn”, thổi lên các bong bóng vĩ đại qua việc cho vay vô lối. Đến khi bong bóng vỡ, giới ngân hàng lại được giải cứu bằng đồng tiền thuế của người dân...”. Không chỉ giải thích, ông Paul Krugman kêu gọi ủng hộ phong trào này: “Làm sao quý vị lại không vỗ tay cổ vũ những người phản kháng cho việc họ cuối cùng cũng đã bày tỏ lập trường” (1).

“Các nước này hưởng lợi từ toàn cầu hóa và không ngừng giàu có, song sự giàu có chỉ mỗi tầng lớp ăn trên ngồi trốc được hưởng”

Trong một bài viết khác, nhà trí thức “không trùm mền” này phê phán phần lỗi của Chính phủ Mỹ trong việc thực hiện điều mà ông gọi theo Jean-Jacques Rousseau là “khế ước xã hội”:

“Trong khoảng thời gian từ năm 1979-2005, thu nhập thực tế sau khi trừ đi lạm phát của các gia đình trung lưu đã tăng 21%. Cũng trong quãng thời gian đó, thu nhập của những người rất giàu, của khối 1% giàu nhất, đã tăng đến 480%. Cần phải tranh luận về mức độ trách nhiệm của chính phủ trong sự dị biệt tăng thu nhập quá cỡ này. Điều mà ta biết rất rõ là chính sách (nhà nước) cứ luôn nghiêng về phía người giàu” (2).

Có thể hiểu theo ông Paul Krugman, bất công xã hội tạo nên sự bất mãn, trong đó đều có trách nhiệm của nhà nước. Trong thâm sâu của vấn đề “cánh 1%” ăn trên đầu đại đa số 99% ở Mỹ, có vấn đề gọi là “đóng góp vận động tranh cử” để rồi sau khi thắng cử phải ân đền oán trả.

Kinh điển giáo khoa chống tham nhũng gọi đó là tham nhũng chính trị (political corruption), nghĩa là việc các nhà ban hành chính sách lạm dụng vị trí của mình khai thác các chính sách, định chế cùng các quy định về thủ tục trong việc cấp tài nguyên và tài chính nhằm duy trì quyền lực của mình (3). Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ đều “ân oán” ít nhiều với các đóng góp viên của mình nên sẽ phải đền đáp bằng cách này hay cách khác, kể cả phong làm đại sứ.

... Đến Tunisia, Ai Cập, Tây Ban Nha...

Thật ra “Chiếm lấy Phố Wall”, như tự giới thiệu của phong trào này, lấy cảm hứng từ những gì đã xảy ra tại Tunis, Cairo, Tây Ban Nha... Câu chuyện về một thanh niên Tunisia bị cảnh sát “giải tỏa” xe đẩy bán rau của mình phản ánh cảnh cùng cực của một số người trong một nền kinh tế có GDP/đầu người là 3.596 USD vào năm đó. Những nước khác ở khu vực Bắc Phi có kinh tế cũng khá: GDP/đầu người là 12.062 USD tại Libya, 4.477 USD tại Algeria, 3.790 USD tại Tunisia, 2.868 USD tại Morocco và 2.771 USD tại Ai Cập (năm 2010, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế). Thậm chí Libya dư tiền để thuê hàng vạn lao động nước ngoài.

Vấn đề là theo báo tài chính Capital của Pháp, “các nước này hưởng lợi từ toàn cầu hóa và không ngừng giàu có, song sự giàu có chỉ mỗi tầng lớp ăn trên ngồi trốc được hưởng”. Vấn đề là ăn trên ngồi trốc đó dựa vào tham nhũng: Ai Cập hạng 98, Tunisia hạng 105, Morocco hạng 85 trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Tự thân tham nhũng đã là một vấn đề, song tham nhũng chính trị như đã nêu ở trên lại là “vấn đề của mọi vấn đề”! Nếu như ở Mỹ, “cánh 1%” dựa vào các luật giảm thuế của Đảng Cộng hòa và đảng này (cũng như Đảng Dân chủ) luôn dựa vào những khoản đóng góp đó để thắng cử thì ở các nước khác, tham nhũng gắn chặt với nạn thân bằng quyến thuộc và bè phái để độc quyền chia chác các cơ hội. Thậm chí việc chia chác đến không còn cả công ăn việc làm cho dân chúng. Tỉ như ở Libya, thuê lao động nước ngoài ào ạt vào nhận cũng công việc đó với “giá bèo”, ở Ai Cập nhận lao động châu Á vào làm thợ xây dựng...

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (OIT), tỉ lệ thất nghiệp nơi giới trẻ ở các nước này quá cao so với tổng dân số: 23,9% cho toàn khu vực Bắc Phi (năm 2009), thậm chí cao gấp đôi khu vực châu Phi Hạ Sahara (chỉ 11,9%). Khi tỉ lệ thất nghiệp nơi giới trẻ xấp xỉ 20% hoặc hơn, đó chính là những “quả bom nổ chậm” mà các chính phủ ấy đã “vô tình” không ý thức được, nên đến khi “nồi áp suất” bị căng quá mà bùng nổ, cảnh sát không còn hữu dụng, đã đem quân đội ra đàn áp, vốn là điều cấm kỵ theo luật pháp quốc tế.

Khác biệt ở Trung Quốc

Những cuộc biểu tình cuối năm ở một số địa điểm tại Trung Quốc có cùng nguyên nhân như ở các nơi, nhưng khác chăng là nay ở Trung Quốc đã có những cách ứng phó linh hoạt hơn. Trong vụ phản kháng việc thu hồi đất đai ở Ô Khảm (tỉnh Quảng Đông), Nhân Dân Nhật Báo cho biết các quan chức cấp tỉnh đã đàm phán được với dân địa phương nhằm giải quyết tranh chấp và đã cách chức hai quan chức là bí thư đảng ủy và trưởng làng vì vi phạm luật khi bán đất cho các nhà phát triển dự án bất động sản.

Báo này trích lời Uông Dương, bí thư Đảng ủy tỉnh Quảng Đông, nói vụ tranh chấp trên là “kết quả của các xung đột đã dồn nén từ lâu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề và có các biện pháp hiệu quả để giải quyết”.

Hôm thứ tư tuần trước, Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang chỉ thị: “(Chúng ta phải) tăng cường những nỗ lực để hòa giải các xung đột, tranh cãi, phải cải thiện hệ thống hòa giải nhằm xử lý các cuộc xung đột tranh cãi từ gốc rễ và không để nó phát triển” (4).

Đây không phải là một ứng biến đơn lẻ của một địa phương, mà là trong một chủ trương chính thức. Tờ Global Times (5) của Trung Quốc cho biết ông Chu Vĩnh Khang, Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chỉ thị xúc tiến một chiến dịch của Bộ Công an nhằm đáp ứng tốt hơn các khiếu nại của quần chúng. Quần chúng được mời tham gia giám sát công tác của cảnh sát, công an.

Cần nhắc lại rằng ngày 3-10-2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trước phái viên Fareed Zakaria của CNN, từng tuyên bố: “Nguyện vọng và đòi hỏi của dân chúng về dân chủ, tự do là một sức mạnh không thể kháng cự” và rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải hành động theo đúng hiến pháp và pháp luật, chứ không thể đứng trên hiến pháp và pháp luật như trong thời kỳ còn là một đảng cách mạng đang đấu tranh để giành chính quyền”.

Mỗi xã hội có những vấn đề riêng của mình, song cách xử lý chỉ có một: thượng tôn pháp luật và giảm thiểu những lạm dụng, đừng để những bất mãn cứ chồng chất.

__________

(1) “Confronting the malefactors”, by Paul Krugman, The New York Times, October 6, 2011
(2) “The social Contract”, by Paul Krugman, The New York Times, September 22, 2011
(3) The anti-corruption plain language guide, transparency international.
(4)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/12/111222_china_wukan_deal.shtml
(5) Chinese official calls on police to better address public complaints, Global Times | December 17, 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận