12/04/2017 18:52 GMT+7

20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn vì… thủ tục

L.TH.H
L.TH.H

TTO - UBND TP.HCM vừa có thông báo về kết luận thanh tra của Thanh tra TP về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại ba bệnh viện: Truyền máu huyết học, Ung bướu và Phạm Ngọc Thạch.

UBND TP thống nhất với nội dung kết luận thanh tra và đề nghị Sở Y tế, Sở Tài chính và các bệnh viện liên quan chấn chỉnh, kiểm điểm các cá nhân liên quan theo quy định. Việc thanh tra ba bệnh viện này thực hiện cuối năm 2016, kết luận tháng 2-2017.

Bệnh viện Truyền máu huyết học

Kết luận thanh tra cho thấy năm 2014 và 2015, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc, hiện vật và tiền của một số đơn vị trong và ngoài nước trị giá gần 819 tỉ đồng.

Trong đó viện trợ bằng thuốc Glivec 100mg và thuốc Tasigna 200mg (trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy) cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna kéo dài nên đến thời điểm nhập kho thì hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng, dẫn đến bệnh viện còn tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỉ đồng.

Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo giao giám đốc Sở Y tế kiểm tra làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt và đề xuất xem xét, hỗ trợ giải quyết cho bệnh viện nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna để có cơ sở xử lý theo quy định…

Ngoài ra, giám đốc bệnh viện phải tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót đã nêu trong kết luận.

Bệnh viện Ung bướu

Kết luận thanh tra tại Bệnh viện Ung bướu TP cũng cho thấy trong hai năm 2014-2015, bệnh viện nhận viện trợ hơn 337 tỉ đồng bằng tiền, thuốc và hiện vật của các đơn vị, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thực hiện báo cáo về viện trợ còn chưa đúng quy định.

Ngoài ra, bệnh viện còn nhận tài trợ hơn 30 tỉ đồng nhưng sau khi chi cho các hoạt động của hai năm 2014-2015 vẫn còn tồn hơn 6,8 tỉ đồng chưa sử dụng.

Cụ thể, bệnh viện mua sắm thiết bị y tế gần 200 triệu đồng từ tiền viện trợ trước khi được Sở Tài chính xác nhận viện trợ là chưa đúng quy trình thẩm định viện trợ; việc mua sắm thiết bị y tế trị giá hơn 858 triệu đồng từ khoản viện trợ bằng chỉ định thầu không đúng quy định.

Việc bệnh nhân trả lại 613 viên thuốc Glivec (thuốc viện trợ) không sử dụng nhưng bệnh viện đem cấp cho bệnh nhân khác là không đúng theo thỏa thuận giữa bệnh viện và nhà tài trợ

Bệnh viện chưa tích cực tìm hướng xử lý, để 267 viên thuốc Nexavar (trị giá gần 287 triệu đồng) được viện trợ hết hạn sử dụng dẫn đến phải hủy bỏ, gây lãng phí viện trợ.

Đáng lưu ý, bệnh viện tiếp nhận hàng viện trợ từ tháng 3-2014 có trị giá gần 3,4 tỉ đồng khi chưa thật sự có nhu cầu nên đến cuối năm 2015 mới sử dụng gần 29% tổng giá trị hàng viện trợ. Nhiều mặt hàng không có thời hạn sử dụng hoặc không phù hợp nhu cầu nhưng vẫn tiếp nhận…

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Thanh tra TP kết luận hai năm 2014-2015 đã nhận viện trợ 25,5 tỉ đồng (tiền, thuốc, hóa chất, vật tư) từ nước ngoài để thực hiện 24 đề tài nghiên cứu.

Bệnh viện còn nhận viện trợ (thuốc, hóa chất) từ Chương trình chống lao quốc gia và Ủy ban phòng chống AIDS trị giá hơn 20 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bệnh viện đã tiếp nhận kinh phí thực hiện bốn đề tài cao hơn số tiền UBND TP phê duyệt là 1,14 tỉ đồng nhưng không báo cáo UBND TP là sai quy định.

Với 19 đề tài ngưng thực hiện do kết thúc chương tình còn tồn hơn 3,34 tỉ đồng, bệnh viện chưa xử lý đúng. Lãi phát sinh tiền gửi ngân hàng và quy đổi ngoại tệ (gần 516 triệu đồng) từ nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại chưa được lập bổ sung xác nhận viện trợ và kết chuyển vào thu nhập hoạt động…

Thanh tra TP đã kiến nghị giám đốc bệnh viện kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có thiếu sót nêu trên.

Thanh tra TP kiến nghị UBND TP giao giám đốc Sở Y tế TP chỉ đạo giám đốc các bệnh viện tiến hành rà soát, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và đề xuất hướng xử lý đối với các khoản tài trợ, viện trợ (tiền, hiện vật) còn kết dư hoặc không có nhu cầu sử dụng, các khoản lãi phát sinh tiền gửi ngân hàng… từ nguồn tài trợ, viện trợ.

Giao giám đốc bệnh viện chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng viện trợ, tài trợ và mua sắm thiết bị theo đúng quy định; khẩn trương thanh lý tài sản không còn sử dụng để tránh lãng phí; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan những thiếu sót nói trên.

L.TH.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên