Ngày 3-1, công tác cứu hộ đang rất khẩn trương trên toàn tỉnh Ishikawa - nơi các quan chức xác định có ít nhất 65 người đã thiệt mạng sau trận động đất mạnh 7,6 độ Richter ngày 1-1, nghiêm trọng nhất tại Nhật kể từ năm 2016. Lúc này, nhiều người dân cũng đang phải đương đầu với gió, mưa rét buốt và không có điện sinh hoạt.
Lo mưa lớn, lở đất sau động đất
Có những người may mắn sống sót nhưng giờ đây lại phải đối mặt với nỗi đau mất người thân.
"Tôi đã mất hai con gái khi tầng 1 nhà tôi bị sập. Một thanh xà nhà đổ sập xuống chiếc bàn gia đình tôi đang ăn Tết, hai con tôi bị đè dưới gầm bàn. Tôi không cầm được nước mắt. Ai có thể ngờ chuyện đó lại xảy ra", một người đàn ông nghẹn ngào nói với Đài NHK.
Theo thống kê của tỉnh Ishikawa, hơn 33.000 người đã phải sơ tán, một số khu vực không có nước, điện và tín hiệu mạng không ổn định.
"Tôi ở đây vì hiện tại chúng tôi đã bị mất điện, nước và gas, tất cả mọi thứ. Khi các dư chấn còn tiếp tục, nhà cửa có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Cái lạnh và thiếu thốn thức ăn là nỗi lo lớn nhất của tôi lúc này" - Hãng tin Reuters dẫn chia sẻ của chị Yuko Okuda, 30 tuổi, đang trú tạm tại một trung tâm sơ tán ở văn phòng thị trấn Anamizu.
Tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó thảm họa khẩn cấp vào sáng 3-1, thị trưởng của các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất đề nghị chính phủ dọn dẹp đường sá và nhanh chóng chuyển hàng cứu trợ.
Ông Masuhiro Izumiya - thị trưởng Suzu nằm gần tâm chấn, nơi có hơn 90% nhà cửa bị hư hại - cho biết "ngay cả những người thoát chết trong gang tấc cũng không thể sống sót nếu không có thức ăn và nước uống". "Chúng tôi chưa nhận được ổ bánh mì nào", ông nói.
Trong khi đó, ông Shigeru Sakaguchi - thị trưởng Wajima - cho biết đến nay họ chỉ nhận được 2.000 bữa ăn cho khoảng 10.000 người sơ tán. "Một số người rất lạnh vì có những khu vực mất điện nên không thể sưởi ấm", ông nói.
Đến ngày 3-1, khoảng 36.000 người vẫn chưa có điện. Trong khi đó, dự báo có mưa lớn tại các khu vực bị động đất gây lo ngại về nguy cơ lở đất có thể gây khó khăn thêm cho nỗ lực giải cứu những người còn mắc kẹt.
Giao thông bị cắt đứt, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất lại nằm ở các vùng xa xôi khiến nỗ lực cứu hộ phức tạp hơn. Ảnh vệ tinh chụp bán đảo Noto cho thấy nhiều tòa nhà bị thiêu rụi và nhà cửa bị san phẳng ở một số khu vực như Wajima và Suzu.
Khẩn trương hỗ trợ nhu yếu phẩm
"Đã hơn 40 giờ trôi qua kể từ khi động đất xảy ra. Đây là cuộc chạy đua với thời gian để cứu sống và giải cứu những người sống sót. Đây là thời điểm quan trọng" - Reuters dẫn lời Thủ tướng Kishida Fumio sau cuộc họp ứng phó thảm họa ngày 3-1, ông khẳng định chính phủ sẽ dồn mọi nỗ lực cho cứu hộ.
"Chúng tôi đã tăng số nhân viên cứu hộ của lực lượng phòng vệ từ 1.000 lên 2.000. Không chỉ vậy, hơn 2.000 lính cứu hỏa và hơn 700 cảnh sát cũng đang được điều động tới khu vực xảy ra thiên tai", ông nói. Cùng ngày, Chánh văn phòng nội các Yoshimasa Hayashi cho biết 70 người đã được giải cứu trong đêm và số người mất tích vẫn đang được thống kê.
Chính quyền Nhật Bản đã mở một tuyến đường biển để chuyển hàng cứu trợ và huy động một số xe tải lớn hơn để đến được các khu vực xa xôi. Theo ông Kishida, các địa phương bị ảnh hưởng đang yêu cầu thêm chó cứu hộ, nhanh chóng mở lại những tuyến đường bị cắt đứt, cung cấp nước, chăn và các nhu yếu phẩm khác.
Trong ngày 3-1 đã xảy ra dư chấn mạnh đến 5,5 độ ở ngoài khơi bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa. Trong đoạn phim phát trên Đài NHK, những người lính cứu hỏa đang tìm kiếm người trong một tòa nhà bị sập một phần ở Wajima đã vội vã chạy ra ngoài khi cảnh báo động đất vang lên.
200 trận dư chấn
Sau trận động đất 7,6 độ ngày 1-1, ước tính có thêm khoảng 200 trận dư chấn sau đó. AFP dẫn phân tích của chuyên gia Yoshihiro Ito, thuộc Viện nghiên cứu phòng chống thiên tai của ĐH Kyoto, cho biết số dư chấn nhiều là kết quả của hệ thống đứt gãy "phức tạp" bên dưới bán đảo.
Nhật Bản ơi, cố lên!
Từ Việt Nam và nhiều vùng ở Nhật Bản, những thông điệp yêu thương đang được gửi về vùng thiên tai.
* Nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Bình:
Lúc này, tôi rất đau buồn trước những hậu quả tàn khốc từ trận động đất mạnh và vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Trái tim tôi hướng về những người đang phải khóc thương người thân và những người đang phải tìm nơi trú tạm trong mùa đông giá rét thay vì được vui năm mới và quây quần bên gia đình dưới những mái nhà ấm áp. Tôi mong họ sớm cùng nhau phát huy được sức mạnh sẵn có trong mỗi người dân Nhật Bản để vượt qua thời điểm khó khăn này.
* Chị Nguyễn Minh Châu (23 tuổi, đang sống và làm việc tại tỉnh Gifu - giáp tỉnh Ishikawa):
Tôi nghĩ không chỉ người Nhật mà những người nước ngoài sinh sống ở đây cũng luôn có ý thức cảnh giác cao độ với thiên tai, nhất là động đất và sóng thần, xác định những thiên tai đó là một phần trong cuộc sống tại Nhật.
Thảm họa thiên nhiên là điều không ai muốn. Điều quan trọng là chúng ta phải giữ tâm thế bình tĩnh, có sự chuẩn bị tốt, tuân thủ nghiêm những điều đã được hướng dẫn khi thiên tai xảy ra để tự bảo vệ an toàn cho bản thân và giúp đỡ những người xung quanh.
* Chị Đỗ Mai Khánh Linh (26 tuổi, cựu du học sinh tại Nhật):
Là người từng có thời gian sống và học tập tại Nhật, tôi đã được chứng kiến sự kiên cường cũng như nỗ lực của đất nước mặt trời mọc trong đời sống hằng ngày. Vì vậy, tôi tin rằng trận động đất này không thể làm khó các bạn. Hy vọng các bạn giữ vững tinh thần để vượt qua những khó khăn phía trước.
* Chị Quỳnh Trang (28 tuổi, Hà Nội):
Từng có thời gian dài sinh sống tại Nhật, tôi rất thấu hiểu những khó khăn và âu lo của người dân Nhật mỗi lần xảy ra thiên tai. Nhưng Nhật Bản là một đất nước mà chính phủ và người dân đều có kiến thức và tinh thần phòng bị, đối mặt với thiên tai rất tốt. Tôi tin những người bạn Nhật Bản và cộng đồng người Việt ở Nhật sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận