Saigon Street Band tràn xuống khu vực khán giả để khuấy động không khí trong ngày khai mạc Lễ hội Hò dô 2019 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hò dô sẽ trở thành một lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên mang tính chuyên nghiệp cao, là thương hiệu riêng, độc đáo của TP.HCM.
Ông Lê Thanh Liêm (phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM)
Một trong những mong muốn lớn nhất của ban tổ chức là kiến tạo được một không gian âm nhạc cởi mở, nơi mà người dân, bạn yêu nhạc có thể hết mình cùng âm nhạc, yêu đời hơn và hứng khởi hơn với những kết nối tuyệt vời trong cuộc sống.
Và những ánh mắt hạnh phúc, nụ cười rạng ngời, hình ảnh nhún nhảy thoải mái cùng những tiếng hò reo của các khán giả và nghệ sĩ suốt ba ngày 13, 14 và 15-12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đã khẳng định thành công của Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM lần đầu tiên này.
Những trích đoạn máu lửa của Hò dô - Video: BTC
"Mèo cả" Phương Uyên tái xuất trên sân khấu Hò dô 2019 cùng Thu Minh và Hồ Ngọc Hà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những cái nhất ở Hò dô
Có rất nhiều cái nhất ở Hò dô 2019. Ngoài đông đảo nghệ sĩ tham gia nhất, những màn kết hợp đỉnh nhất, lễ hội trên đường đi bộ sạch sẽ nhất, Hò dô còn có màn kết thúc ấn tượng nhất.
Ngay từ đầu, Hò dô đã được định vị là một lễ hội thân thiện môi trường với thông điệp "More music, less plastic", kêu gọi giảm đồ nhựa dùng một lần và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Vậy nên việc nghệ sĩ đoạt giải Grammy gốc Ấn Ricky Kej - đại sứ về môi trường của Liên Hiệp Quốc - kết chương trình là một cái kết không thể đẹp hơn, đặc biệt là khi Ricky Kej sáng tác tặng riêng cho khán giả Việt Nam một ca khúc.
Đông đảo khán giả đến xem và thưởng thức âm nhạc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dẫu vậy, một trong những cái nhất mà ít ai biết đến của Hò dô đó là thời gian chuẩn bị ngắn nhất. Nhạc sĩ Huy Tuấn - tổng đạo diễn của lễ hội - tiết lộ anh được "mời gọi" tham gia cùng tổ chức lễ hội vừa tròn một năm (tính đến ngày 15-12), nhưng thời gian kể từ lúc được cấp phép tổ chức và công tác chuẩn bị chỉ chưa đầy bốn tháng.
Đi sâu hơn, đây có lẽ là lễ hội có kinh phí tổ chức eo hẹp nhất. Dù không chia sẻ con số cụ thể nhưng ông Phạm Minh Toàn - giám đốc Công ty Vietfest, đơn vị phối hợp với Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM tổ chức Hò dô 2019 - cho hay:
"Vấn đề khó khăn đầu tiên không phải là... tiền đâu, mà vì các đơn vị được mời đều không dám tin vào việc chỉ trong ba tháng có thể thực hiện được một lễ hội với quy mô như vậy. Do vậy, các doanh nghiệp tham gia tài trợ lễ hội năm nay hết sức dè dặt.
Chúng tôi phải đi "gom bạc lẻ", "mở cửa" cho rất nhiều doanh nghiệp có thể tham gia, không quá so đo về vấn đề quyền lợi và cũng là cách để chúng tôi muốn các doanh nghiệp có cơ hội hiểu hơn thế nào là không khí của một lễ hội âm nhạc".
Có lẽ vì sự "eo hẹp" này nên nhiều ý định trước đó như: khu triển lãm, trưng bày nhạc cụ, giới thiệu các trang thiết bị phục vụ nền công nghiệp âm nhạc, tổ chức biểu diễn; khu giới thiệu về thành tựu của các nghệ sĩ tham gia lễ hội; sự xuất hiện của những nghệ sĩ và ban nhạc "hot" trên thế giới... chưa thành hiện thực.
Phong cách trình diễn máu lửa, kỹ năng tuyệt vời, thể loại âm nhạc đột phá và đầy cảm hứng, La Chiva Gantiva là một trong những ban nhạc khiến khán giả đứng ngồi không yên trong đêm 14-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Điểm đến mới trên bản đồ âm nhạc thế giới
Nhạc sĩ Huy Tuấn, giám đốc âm nhạc của lễ hội, mơ ước Hò dô sẽ trở thành một điểm đến mới trên bản đồ âm nhạc thế giới, giúp các nghệ sĩ Việt có cơ hội hòa mình vào các ban nhạc quốc tế; các nghệ sĩ quốc tế có thêm cơ hội tiếp xúc với văn hóa, thị trường âm nhạc và giao lưu cùng các nghệ sĩ Việt Nam.
Và để có thể là một "địa chỉ mới", Hò dô cần có cá tính và hương vị riêng ngay từ lần đầu ra mắt. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao TP.HCM, người chỉ đạo và giám sát trực tiếp lễ hội - thổ lộ cùng Tuổi Trẻ:
"Đề bài được đặt ra ngay từ đầu là một lễ hội với những nghệ sĩ có sáng tạo riêng, độc đáo cùng chất liệu âm nhạc truyền thống xuyên suốt. Một đề bài khó cho anh em ở cả khâu tiếp cận, thực hiện, triển khai, nhưng rất mừng là những anh em nghệ sĩ tâm huyết đều ủng hộ vô điều kiện.
Đó là lý do vì sao Hò dô ngay từ những màn ra mắt đến khi kết thúc đã có được diện mạo đẹp của âm nhạc nguyên chất, bàng bạc những giai điệu phương Nam ấm áp mà rộn ràng".
Ca sĩ Hà Trần trình diễn cùng nhóm Nguyên Lê trong đêm cuối cùng lễ hội tối 15-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Rất sợ với một đề bài khó thì nghệ sĩ và khán giả sẽ hững hờ, nhưng ngờ đâu nghệ sĩ "chơi hết nấc", còn khán giả thì dễ thương vô cùng.
Những phần trình diễn tương đối không quen tai của nhóm acapella Tây Ban Nha Vocal Tempo hay nhóm nhạc cụ dân tộc của Nga ESSE - Quintet... vẫn nhận được những tràng vỗ tay theo nhịp từ khán giả TP.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh - một trong những đầu tàu của Saigon Pop Orchestra, chịu trách nhiệm mở màn Hò dô 2019 - chia sẻ:
"Chúng tôi đã tập luyện bất kể ngày đêm. Khi "nhìn" sang ban nhạc khác tập, chúng tôi lại gia công thêm cho các tiết mục của mình và ngược lại. Nhờ vậy khán giả đã thực sự có được một lễ hội âm nhạc đúng nghĩa với thật nhiều sự ngẫu hứng cùng những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiệt huyết nhất.
Tôi hi vọng Hò dô sẽ có thể là một lễ hội thường niên và tin rằng nghệ sĩ, ban nhạc hay dự án nào được mời tham gia ở những lần sau sẽ cảm thấy vô cùng vinh dự".
Đông đảo khán giả đến xem và thưởng thức âm nhạc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Điểm "lạc quẻ" nhất của Hò dô 2019 là khu vực ẩm thực lại tách biệt hoàn toàn với không gian lễ hội. Hai sân khấu chính và phụ nằm trên trục đường Nguyễn Huệ thu hút hàng chục ngàn khán giả qua lại, nhưng khu ẩm thực lại xa tít ở bến Bạch Đằng.
Nghịch lý hơn khi khu ẩm thực chính thức ở xa nhưng hàng rong vẫn ngập tràn khu vực lễ hội.
May là với thông điệp "More music, less plastic", ban tổ chức lễ hội cùng chị Vũ Quỳnh - bà xã nhạc sĩ Huy Tuấn - và con gái Nuna đã "rủ rê" được gần 20 tình nguyện viên nhặt rác, giữ cho lễ hội lẫn phố đi bộ vẫn rất sạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận