Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng "người đứng đầu chính quyền TP Thủ Đức phải tìm cách tháo gỡ. Bởi việc lập ra một số bộ phận mới ở Thủ Đức cũng là để giải quyết những vướng mắc này".
Tuổi Trẻ ghi nhận được những ý kiến cho rằng ngoài việc phân loại vướng mắc thì TP Thủ Đức cần đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể và cấp có thẩm quyền cần quyết liệt mới mong tháo gỡ vướng mắc ở 200 dự án này.
Đến hạn thông, đường vẫn tắc
Chuyện nhiều dự án phát triển đô thị ở TP Thủ Đức ngổn ngang chưa được bàn giao đã được Tuổi Trẻ phản ánh nhiều lần suốt một năm qua. Điển hình như tại khu đô thị An Phú - An Khánh (131ha) do Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà làm chủ đầu tư và khu đô thị phát triển An Phú (87ha) với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm (phường An Phú).
Với hai khu đô thị này, vào tháng 7-2023, UBND TP.HCM có văn bản giao UBND TP Thủ Đức chủ trì, phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông. Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đường Vũ Tông Phan (đoạn kết nối với đường Nguyễn Hoàng), đảm bảo thông đường, kết nối giao thông thuận lợi, an toàn. Tiến độ hoàn thành trước ngày 25-12-2023.
Thế nhưng đến nay khi chỉ còn vài ngày nữa đến hạn, Tuổi Trẻ trở lại ghi nhận và thấy rằng những tuyến đường, hạ tầng ở hai khu đô thị này vẫn ngổn ngang, chưa có gì chuyển biến. Đường Vũ Tông Phan đoạn tiếp nối từ đường Nguyễn Hoàng thuộc khu đô thị phát triển An Phú vẫn đang được doanh nghiệp rào chắn, bít kín. Đến đoạn giáp đường 24, mặt đường vẫn lổn nhổn sỏi đá như mấy tháng trước đây.
Phía trong khu đô thị An Phú - An Khánh, đường Trần Lựu - Vành Đai Tây cũng chưa xong. Dọc đường Trần Lựu, đường Vũ Tông Phan (đoạn gần Cục Thuế TP.HCM) có nhiều khu đất bỏ trống, quây tôn kín mít. Tương tự, đường Nguyễn Hoàng cũng chưa được mở rộng dù cơ quan chức năng đã có rất nhiều văn bản thúc các chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng.
Nhan nhản dự án dang dở
Không riêng gì ở hai khu đô thị trên, đi dọc TP Thủ Đức không khó để bắt gặp những dự án đang dang dở, đường sá hư hỏng, cỏ cây mọc um tùm nhưng chưa được quan tâm sửa chữa...
Tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A), ai cũng thấy bất ngờ khi một siêu khu đô thị có mặt tiếp giáp với đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là xa lộ Hà Nội), gần đường Tây Hòa, cầu Rạch Chiếc... nhưng hơn 20 năm qua vẫn hoang hóa, chỉ một số ít ngôi nhà đã được xây dựng. Hạ tầng kỹ thuật, đường sá cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Các tuyến đường chính để vào khu dân cư Bắc Rạch Chiếc được làm theo kiểu lởm chởm da beo, ít chỗ thảm nhựa. Thậm chí có chỗ chỉ là đường đất hoặc đá dăm nham nhở. Một số khối bê tông lớn được chặn ở đầu đường, hẻm để xe lớn không thể chạy vào nhưng buổi tối lại vô tình biến thành cái bẫy với người đi xe máy do điện đường không có.
Đặc biệt tại đường 410 vốn được quy hoạch thành trục chính dẫn vào khu Bắc Rạch Chiếc nhưng hiện vẫn hoang tàn, rác rến bủa vây hai bên khiến ai đi qua cũng lắc đầu ngao ngán.
Còn ở khu tái định cư Thủ Thiêm rộng hơn 30ha (trong khu đô thị Nam Rạch Chiếc, thuộc TP Thủ Đức) đến nay chỉ có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Đường song hành với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là lối dẫn vào khu này đã được khánh thành, khang trang mà đường sá trong khu tái định cư Thủ Thiêm chỉ được làm nửa vời.
Cũng không khá hơn, người dân sinh sống tại khu đô thị Cát Lái cho biết hạ tầng tại đây vẫn chưa hoàn thiện, một số khu đất vàng với 3-4 mặt tiền nhưng giờ chỉ bỏ không, lãng phí. Cỏ mọc um tùm, các trụ đèn chiếu sáng bị trộm thiết bị, dây điện lòng thòng dưới đất... là hình ảnh đặc trưng của khu vực này.
"Vì hạ tầng chưa được chủ đầu tư bàn giao cho Nhà nước quản lý nên không thấy duy tu, dọn dẹp. Hằng năm, tổ tự quản ở đây phải vận động mọi người cùng nhau dọn dẹp, gom rác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi băn khoăn là tới đây hạ tầng, đường sá tiếp tục xuống cấp thì ai là người sẽ đứng ra sửa chữa?" - ông Đào Bá Vĩnh, cư dân ở khu đô thị Cát Lái, chia sẻ.
Cần người đứng đầu dám nghĩ dám làm
TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP, nói rằng theo quy định, các nhà đầu tư khi hoàn thành dự án nhà ở phải bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Với thông tin ở TP Thủ Đức có vài trăm dự án kéo dài nhiều năm hạ tầng chưa hoàn thiện cho thấy rằng đang có lỗ hổng về việc giám sát tiến độ triển khai và thời gian bàn giao.
Hậu quả là có những dự án cả trăm ha từng được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển đô thị năng động lại đang manh mún, nhếch nhác, làm lãng phí nguồn lực đất đai, xã hội. Hạ tầng không đồng bộ lại không thường xuyên duy tu dẫn đến hư hỏng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, đời sống người dân.
"Để xử lý triệt để những tồn tại này, chính quyền cần phải rà soát lại trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan bao gồm chủ đầu tư, địa phương, các sở ban ngành. Phải thực sự xắn tay, vào cuộc quyết liệt thì may ra các dự án mới có chuyển biến tốt", TS Cương nói.
TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP - cũng cho rằng phải rà soát cụ thể từng dự án ở từng thời kỳ áp dụng quy định pháp luật liên quan để phân định rõ trách nhiệm. Bên cạnh những dự án mà chủ đầu tư chây ì thì cũng cần xem xét liệu có hay không có những sở ngành, quận huyện chưa làm tròn trách nhiệm hoặc chưa tạo điều kiện về mặt thủ tục để nghiệm thu, bàn giao.
Theo TS Thuận, 200 dự án nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, vì vậy trách nhiệm chính thuộc về TP Thủ Đức phải xắn tay giải quyết, cần phải phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Do đó, chủ tịch UBND TP Thủ Đức ngoài trách nhiệm cá nhân còn có trách nhiệm công vụ để thực hiện nhiệm vụ này.
Cần có báo cáo đánh giá vướng mắc hằng tháng để có biện pháp xử lý tốt nhất. Thiết nghĩ, lãnh đạo TP Thủ Đức cần đề xuất, xử lý quyết liệt hơn để đảm bảo quyền lợi của người dân không bị thiệt thòi kéo dài bởi một dự án dài 20 năm xem như hết một phần tư đời người, không thể để người dân chờ lâu hơn nữa.
"Đẻ" ra tổ chức là để giải quyết vấn đề
Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu như vậy trước thông tin TP Thủ Đức có quá nhiều tồn tại, ngổn ngang về vấn đề hạ tầng mà trong đó có việc bàn giao hạ tầng tại các dự án nhà ở. Ông Nên nói việc "đẻ" ra một số bộ phận mới ở TP Thủ Đức là để có bộ phận nghĩ cách giải quyết các vướng mắc.
Ông Nên cũng cho hay cách TP.HCM tháo gỡ khó khăn là lập ra các tổ chức để giải quyết vấn đề hiện nay đang vướng mắc. Các tổ chức mới của TP Thủ Đức (so với các quận, huyện) lập ra để giải quyết những vấn đề như thế. Do vậy, người đứng đầu các đơn vị mới (phòng giao thông công chính, thanh tra xây dựng, đội quản lý trật tự đô thị từ phòng quản lý đô thị...) phải nghĩ cách tháo gỡ.
Bí thư Thành ủy TP lưu ý muốn giải quyết được phải tìm được chìa khóa, bản chất vấn đề, nếu chỉ chạy theo hiện trạng là không được. Mỗi người đứng đầu phải suy nghĩ vấn đề và nghĩ ra cách để gỡ vướng mắc, mục đích cuối cùng là có cách giải quyết đúng cái người dân, TP đang cần.
"Chúng ta cứ yên tâm làm việc, làm đúng và làm tốt, hành động vì mục tiêu, lợi ích chung thì không gì phải sợ sệt" - ông Nên nhấn mạnh.
Dây dưa, chây ì nhiều lần phải chuyển cơ quan điều tra
TS Phạm Viết Thuận cho rằng nhiều dự án, chủ đầu tư đã thu tiền của người dân nhưng suốt mấy chục năm qua lần lữa, không hoàn thành trách nhiệm như đã cam kết. Nếu chủ đầu tư trốn tránh trách nhiệm, chính quyền phải đề xuất xử phạt, có chế tài xử lý nghiêm.
Thậm chí, "xử phạt nhiều lần mà vẫn chây ì, cần cương quyết chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý và yêu cầu phải khắc phục hậu quả. Cần phải thực thi các biện pháp mạnh như trên để nâng cao tính răn đe của pháp luật, chứ không chỉ dừng lại ở những công văn... đốc thúc và đề nghị thông thường", TS Thuận nói.
Người dân kêu ca, sao TP Thủ Đức vẫn loay hoay?
Người dân kêu ca rất nhiều
Tại hội nghị Thành ủy TP Thủ Đức (đã nêu), khi được yêu cầu nói về vướng mắc phát triển hạ tầng, ông Lưu Văn Tấn, giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng TP Thủ Đức, thừa nhận "còn nhiều vấn đề ngổn ngang cần giải quyết". Theo ông Tấn, TP Thủ Đức là cửa ngõ kết nối phía đông của TP, có nhiều công trình ưu tiên đầu tư với quy mô lớn nhưng hiện chưa phát triển tương xứng.
Các dự án hạ tầng đến nay nếu có hoàn thành cũng vẫn chưa chỉn chu, thiếu sự đồng bộ và chưa có sự kết nối giữa các khu dân cư, giữa các phường. Hiện Thủ Đức có hơn 200 dự án đầu tư chưa được bàn giao hạ tầng. Có những dự án tồn hàng chục năm, hạ tầng không được bàn giao dẫn đến hoang hóa, xuống cấp.
"Do chưa bàn giao nên ngân sách không thể chi vốn để duy tu. Người dân đang kêu ca về hạ tầng rất nhiều nhưng chưa có cách để giải quyết. Chẳng hạn đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú) đang hư hỏng, chủ đầu tư đổ lỗi nhau, chính quyền khó xử lý..." - ông Tấn nói và đề xuất cần có cơ chế để tiếp nhận một phần, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, duy tu, bảo trì để phục vụ người dân.
Vẫn còn đang "chờ hướng dẫn"
Theo ông Nguyễn Quang Chi, phó trưởng Phòng giao thông công chính UBND TP Thủ Đức, trước đó TP đã có chỉ đạo về việc giải quyết các vướng mắc về việc tiếp nhận, bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án khu dân cư ở TP Thủ Đức. Trong thời gian chờ ban hành quy định thì cho phép Sở Giao thông vận tải TP.HCM chủ trì xem xét, giải quyết các vướng mắc.
Ông Chi cho hay UBND TP.HCM chia thành 4 trường hợp với 4 cách giải quyết khác nhau. Cụ thể:
- Dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng hồ sơ bị thất lạc toàn bộ: chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ các cơ quan chức năng để khôi phục, cấp lại hoặc trích lục các hồ sơ pháp lý. Sau khi có các hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư phải khảo sát lại hiện trạng công trình để sửa chữa các hư hỏng rồi mới bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý.
- Dự án có công trình hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch nhưng chủ đầu tư đã giải thể: để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự xã hội, cần kiến nghị cho phép UBND các quận, huyện tiếp nhận theo hiện trạng để quản lý. Có thể đề xuất dùng vốn ngân sách để sửa chữa, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng theo quy hoạch. Đồng thời giao cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm đối với đại diện pháp luật của đơn vị chủ đầu tư.
- Hạ tầng không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo chất lượng hoặc hồ sơ thiết kế: chủ đầu tư có trách nhiệm khắc phục các tồn tại của công trình. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục phải được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định trước khi làm. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hồ sơ để làm cơ sở bàn giao.
- Các dự án còn vướng mặt bằng chưa được đền bù, giải tỏa: đơn vị chịu trách nhiệm tiếp tục giải phóng mặt bằng và cam kết thời gian hoàn thành, có biện pháp kết nối tạm thời hệ thống hạ tầng. Dựa vào cơ sở ý kiến của UBND các quận, huyện khu vực để có phương án kết nối tạm thời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan xem xét, phân công, phân cấp quản lý phù hợp với hiện trạng dự án.
"Từ các trường hợp nêu trên, Phòng giao thông công chính nhận thấy các trường hợp đều thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Đồng thời, việc chủ trì bàn giao hệ thống hạ tầng là Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng phối hợp.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các hướng cụ thể nào để xử lý. Vì vậy, Phòng giao thông công chính sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng sớm có hướng dẫn cụ thể", ông Chi nói.
Nhưng trong thời gian "chờ đợi hướng dẫn", ai sẽ là người sửa chữa đường sá, hạ tầng để đảm bảo việc đi lại của người dân được an toàn? Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, ông Chi cho biết trong thời gian chờ đợi, Phòng giao thông công chính sẽ yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa các tuyến đường hư hỏng.
"Nếu chủ đầu tư không làm thì UBND ở khu vực đó sẽ cố gắng vận động kinh phí để duy tu, sửa chữa tạm thời. Ví dụ như đường Nguyễn Hoàng ở khu đô thị An Phú, UBND phường An Phú cũng phải vá đường, sửa tạm cho người dân đi lại đỡ khó khăn", ông Chi chia sẻ.
* ThS Nguyễn Nhật Khanh (giảng viên khoa luật Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM): TP Thủ Đức cần trình cụ thể để cấp trên quyết định phương án tháo gỡ
Thực tế nhiều dự án trên địa bàn TP Thủ Đức chưa bàn giao cho cơ quan nhà nước dù do nhiều nguyên nhân nhưng đều gây ra nhiều hệ quả tiêu cực.
Một mặt làm trì trệ các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, mục đích triển khai dự án chưa đạt được, phá vỡ quy hoạch chung của địa phương.
Mặt khác gây ra nhiều bất tiện, cản trở cuộc sống của người dân địa phương.
Để xảy ra tình trạng này ngoài nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chủ đầu tư các dự án, không thể bỏ qua trách nhiệm của các cơ quan quản lý có liên quan, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông vận tải.
Tuy vậy, vấn đề cấp thiết là cần phải tìm cách tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại để các dự án này sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Trước mắt, chính quyền TP Thủ Đức cần tổng hợp các vướng mắc của các dự án và trình phương án giải quyết cho Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM để mỗi cơ quan này có phương án tìm cách tháo gỡ trong phạm vi công việc của mình.
Trong đó, HĐND và UBND TP.HCM trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ sẽ quyết định phương án tháo gỡ các vướng mắc của các dự án như: lựa chọn chủ đầu tư thay thế, bổ sung ngân sách đối với các dự án chưa hoàn thiện, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ công tác khôi phục các hồ sơ pháp lý bị thất lạc và hoàn thiện hồ sơ pháp lý đang có vướng mắc để hoàn thiện pháp lý của các dự án.
Ngoài ra, chính quyền TP.HCM và TP Thủ Đức cần có phương án giải quyết khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án để các chủ đầu tư sớm có mặt bằng triển khai hoàn thiện các dự án.
Trong thời gian tới (từ quý 1-2024), hy vọng với cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn từ UBND, chủ tịch UBND TP.HCM, chính quyền TP Thủ Đức có thể chủ động xử lý, giải quyết các vấn đề tồn đọng của các dự án để vừa bảo đảm sự phù hợp về mặt pháp lý vừa tháo gỡ các khó khăn đang gặp phải để các dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Có sự cố, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm
Thời gian qua, UBND TP Thủ Đức có rất nhiều văn bản yêu cầu các nhà đầu tư khu đô thị An Phú - An Khánh và khu đô thị phát triển An Phú sớm hoàn thiện các tuyến đường hạ tầng.
Đối với khu đô thị An Phú - An Khánh, ngày 16-10-2023 TP Thủ Đức cũng có công văn đề nghị Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà khẩn trương nạo vét cống thoát nước, duy tu các tuyến đường bị hư hỏng, đặc biệt là đường Nguyễn Hoàng; mé nhánh cây xanh, thay thế đèn chiếu sáng công cộng...
Tới ngày 15-11, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà đầu tư hoàn thành tuyến đường Nguyễn Hoàng.
Theo UBND TP Thủ Đức, đường Nguyễn Hoàng được quy hoạch rộng 30m. Về trách nhiệm đầu tư, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà, chủ đầu tư khu đô thị An Phú - An Khánh, đã làm 15,5m. Riêng 14,5m thuộc dự án khu đô thị phát triển An Phú do Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm đầu tư.
Hiện trạng mặt đường mới thảm một lớp bê tông nhựa hạt trung, kết cấu vỉa hè không đồng bộ. Vì thế, đường thường xuyên xuất hiện ổ gà, mặt đường hư hỏng gây mất an toàn cho người đi đường.
Do đó, UBND TP Thủ Đức đề nghị Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà khẩn trương đầu tư hoàn thiện tuyến đường Nguyễn Hoàng (đoạn nằm trong ranh dự án khu đô thị An Phú - An Khánh) theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt để thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận và phân cấp quản lý công trình theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.
"Trong trường hợp có tai nạn do các hư hỏng, sự cố công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường thuộc dự án khu đô thị An Phú - An Khánh, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm và kinh phí khắc phục sự cố" - văn bản nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận