Ông Tô Văn Hùng cho rằng ngoài yếu tố thời tiết cực đoan, đợt mưa lớn vừa qua còn để lộ nhiều vấn đề về ý thức bảo vệ môi trường của người dân Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận sáng 18-12 liên quan đến tình trạng ngập lụt chưa từng thấy ở thành phố "cuối sông đầu biển" vào ngày 10-12 vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến, trưởng Ban đô thị HĐND, cho rằng thành phố đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng thoát nước, trong đó tổng số vốn cho các dự án thoát nước, vệ sinh môi trường giai đoạn từ năm 1998 đến nay là hơn 5.200 tỉ đồng.
Đến nay, nhiều hệ thống thoát nước chủ lực đã được hoàn thành, trong nhiều năm qua cơ bản đáp ứng thoát nước tốt cho thành phố.
Tuy nhiên, qua giám sát vẫn thấy hệ thống thoát nước thành phố đã lạc hậu, chưa theo kịp phát triển đô thị, chưa thích ứng với thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Như đợt mưa lớn tháng 12 vừa qua cho thấy nhiều vấn đề.
Cụ thể, quy hoạch thoát nước chưa dự báo hết được yếu tố thời tiết cực đoan, trong quá trình mở mang đô thị đã san lấp khiến thành phố từ 42 hồ điều tiết nay chỉ còn 30 hồ.
Theo ông Tô Văn Hùng - giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng, đợt mưa gây ngập trên địa bàn là do lượng mưa lớn (tổng lượng mưa trên 600mm kéo dài nhiều giờ) nên dẫn đến tình trạng ngập úng sâu, cục bộ.
Tuy nhiên sau sự cố này mới thấy có rất nhiều vấn đề liên quan, cụ thể là ý thức của người dân. Ông Hùng cho biết sau đợt mưa, tại các cửa thoát nước ra bờ biển xuất hiện rất nhiều rác thải, trong đó có cả ống nhựa, ly nhựa, chăn chiếu mền và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Đây là những vật dụng bị người dân vứt ra đường theo hệ thống thoát nước chảy ra biển.
"Nhận thức của người dân trong vấn đề môi trường còn hạn chế. Ý thức của các cơ sở kinh doanh về môi trường cũng tệ. Cơ sở nào cũng ký cam kết về bảo vệ môi trường nhưng khi chúng tôi đến mở hố ga lên thì thấy rác thải kinh doanh vứt đầy phía dưới" - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết bình quân mỗi ngày thành phố thải ra 1.000 tấn rác. Chỉ tính riêng 20 quán trà sữa ở quận Hải Châu mỗi tháng đã thải ra 100m3 rác thải ly nhựa, ống hút. Các bãi rác mỗi ngày một đầy và chi phí xử lý cũng cao (gần 1 triệu đồng/tấn).
Do vậy ông Hùng kiến nghị cần sớm triển khai đề án phân loại, tái chế rác, đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường và xử phạt để tăng nhận thức, ý thức của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận