27/11/2013 08:37 GMT+7

20 phút trực thăng sẽ cất cánh

VIỄN SỰ - HỮU KHÁ
VIỄN SỰ - HỮU KHÁ

TT - Chúng tôi đến Trung đoàn trực thăng 903, Sư đoàn không quân 372 (Đà Nẵng) đúng vào những ngày miền Trung đang căng mình với lũ dữ đầu tháng 11.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

DKR6BniM.jpgPhóng to
Đại tá Nguyễn Việt Hùng điều khiển chuyến bay cứu trợ tại Sơn Tây (Quảng Ngãi) tháng 11-2007 - Ảnh: Viễn Sự

Trong sân đỗ, ba chiếc trực thăng đang ở trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh từ Bộ Quốc phòng. Trung đoàn trực thăng 930 được tái lập từ trung đoàn trực thăng C54 vào tháng 7-2013. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng được giao phó là thực hiện những chuyến bay cứu nạn cho khu vực miền Trung, Tây nguyên. “Mùa bão lũ chúng tôi luôn ở tư thế sẵn sàng, tập trung cao độ để chờ nhận lệnh xuất phát. Chỉ cần có lệnh là 20 phút sau chúng tôi cất cánh ngay” - đại tá Nguyễn Việt Hùng, trung đoàn trưởng Trung đoàn trực thăng 930, cho biết.

Chuyến bay... bạc tóc

Ngồi trong khuôn viên trung đoàn khi vừa xong một ca trực khi mưa bão đang dồn dập, đại tá Nguyễn Việt Hùng - vị trung đoàn trưởng mới ngoài 50 tuổi nhưng tóc đã nhuốm bạc - chân tình: “Có nhiều anh em ở trung đoàn cứ sau một chuyến bay căng thẳng chừng hai ngày là tóc lại thêm những sợi ngả màu. Bởi các chuyến bay cứu nạn gần như 100% đều bay trong thời tiết mưa gió, rất căng thẳng”. Trạng thái căng thẳng ấy thực tế người viết từng được chứng kiến khi có mặt trên chuyến trực thăng chở hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ về Sơn Tây (Quảng Ngãi) trong cơn lũ tháng 11-2007, do chính đại tá Nguyễn Việt Hùng làm cơ trưởng. Đó là chuyến bay mà khi nhắc đến, đại tá Hùng bao giờ cũng dùng hai từ “sinh tử”.

Chuyến bay cất cánh từ sân bay quân sự Đà Nẵng, sau khi đáp xuống sân vận động Quảng Ngãi để nhận thêm hàng thì bẻ hướng tây, men theo dòng Trà Khúc về phía Sơn Tây. Bầu trời Quảng Ngãi lúc này đã ngớt mưa, nhưng lúc vừa bay qua đập thủy lợi Thạch Nham thì khuôn mặt cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng dần căng thẳng khi phía trước mặt là những sườn núi hình bát úp, trực thăng phải đảo hướng nhiều lần. Máy bay bắt đầu xóc, đại tá Hùng ra hiệu trấn an, vài người trên chuyến bay cứu trợ hiểu là máy bay đang bay vào vùng không khí loãng. Sau nhiều lần bẻ lái, khi vừa lọt qua hai ngọn núi thì ngay phía trước là một vách núi chắn ngang, ba bề xung quanh cũng là núi dựng đứng. Đại tá Nguyễn Việt Hùng la lớn trấn an anh em trên chuyến bay bình tĩnh và hạ cánh khẩn cấp xuống một bãi đất ngay mép sông. Rất may là cú đáp thành công. Bước xuống chiếc trực thăng, cả đoàn cứu trợ ai nấy thở phào. Còn cả tổ lái nhìn nhau không nói được điều gì, mồ hôi vã ướt đầm bộ đồ bay.

Đó là một trong những chuyến bay cứu trợ mà đại tá Nguyễn Việt Hùng nói chỉ hai ngày sau là tóc anh em trong tổ bay lác đác ngả màu. Có mặt trên chuyến bay năm ấy nhưng giờ gặp lại, chúng tôi mới được tường tận tình huống sinh tử ấy khi nghe đại tá Hùng phân tích về sự hiểm nguy. Ông giải thích Sơn Tây là một vùng núi hiểm trở nhất Quảng Ngãi, tọa độ bay này có không khí loãng và hay có gió xoáy bất thường cuốn lên từ vách núi. Sau này, khi báo cáo tình huống bay với Cục Tác chiến của Quân chủng Phòng không không quân, ai cũng rùng mình vì đây được coi là “tọa độ chết”, trong chiến tranh không quân Mỹ đã rơi hàng chục chiếc trực thăng tại đây dù máy bay không gặp sự cố động cơ nào.

Đại tá Hùng nói từ đêm trước khi bay, tổ bay đã ngồi lại và vạch ra tính toán những trường hợp bất thường khi bay qua vùng núi này. “Nhưng khi cho máy bay đến nơi thì tôi phát hiện nếu vào được điểm để thả hàng thì phải bay lọt giữa hai quả núi. Phương án treo máy bay thả hàng không thể thực hiện được vì nếu có thả thì hàng rơi vào cánh rừng già không đến được tay bà con đang đói. May mắn là lần ấy trực thăng kịp đáp xuống, nếu tiếp tục phải bay lên thì không lường được tình thế sẽ thế nào” - đại tá Hùng nhớ lại.

JZZkYE8O.jpgPhóng to
Người dân Sơn Tây (Quảng Ngãi) nhận hàng cứu trợ từ trực thăng do đại tá Nguyễn Việt Hùng điều khiển, tháng 11-2007 - Ảnh: Viễn Sự

Những “tọa độ chìm”

Những chuyến bay hiểm nguy tương tự chuyến bay vào vùng gió xoáy Sơn Tây năm 2007 đã dần trở nên quen hơn với những phi công trực thăng cứu nạn và được các phi công ví von là những “tọa độ chìm”. Bởi khi lũ dâng cao, tất cả các mục tiêu đã được đánh dấu, vị trí bãi đáp cũng như địa hình đều chìm trong lũ, ẩn khuất trong rừng sâu núi thẳm. Trong đó tình huống nguy hiểm nhất là liên lạc với sở chỉ huy.

Thượng tá Mai Văn Đông - chính ủy trung đoàn - vẫn còn nhớ chuyến bay cứu nạn 18 phu vàng bị lũ quét cô lập tại Cà Dy (Nam Giang, Quảng Nam) vào tháng 9-2009 khi chiếc trực thăng Mi 17-8411 bị mất liên lạc ở độ cao 1.300m. Cả sở chỉ huy như nín thở chờ tin, điều ngay một trực thăng khác cất cánh để lập sở chỉ huy trên không và phát tín hiệu cho một chuyến bay dân dụng đang bay trên vùng trời Quảng Nam để tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả. Nhưng may mắn là khi mọi nỗ lực đang rơi vào ngõ cụt thì anh em tổ lái Mi 17-8411 tự xoay xở, thoát ra được vùng nhiễu động và phát tín hiệu trở lại, cứu nạn thành công 18 phu vàng trong niềm vui vỡ òa của cả sở chỉ huy.

Đại tá Hùng nói những “tọa độ chìm” như vậy ngày càng nhiều trong những chuyến bay cứu nạn khi thời tiết luôn bất lợi và điều kiện liên lạc rất khó. Có những chuyến bay như chuyến hàng cứu trợ ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) năm 2011 khi tầm nhìn chỉ còn 20m vì mây mù. Còn chuyến bay đi Canh Liên (Vân Canh, Bình Định) cũng mùa lũ năm 2011 vừa có mây mù kèm thêm gió mạnh. Nguy hiểm khác nữa là những trụ ăngten viễn thông khi có mưa lũ thường bị cắt điện, không còn phát đèn báo hiệu và cũng không được đánh dấu trên bản đồ bay, rất dễ va chạm với trực thăng.

“Nhiệm vụ cứu nạn rất khẩn cấp nên bước vào khoang lái, anh em phi công đều xem là một cuộc chiến đấu thật sự” - đại tá Hùng nói.

Cứu phụ nữ đau đẻ

Cứu nạn rất nhiều lần, nhưng kỷ niệm từ năm 1998 khi kịp đưa một phụ nữ người Cơ Tu đi đẻ là chuyện rất khó quên trong đời cứu nạn bằng trực thăng của Trung đoàn trực thăng 930. Đại tá Nguyễn Việt Hùng nhớ năm ấy, cũng vào dịp chuẩn bị lễ kỷ niệm 15 năm thành lập đơn vị thì lũ ập về. Đơn vị đành xin lỗi quan khách, hoãn lễ hội, nhận lệnh đi cứu người. Trong cơn lũ, Nông trường Quyết Thắng (Nam Giang, Quảng Nam) bị chia cắt, phi đội bay phải đến đó thả hàng cứu trợ. Nhưng khi đến nơi xuất hiện tình huống ngoài dự kiến: một sản phụ người Cơ Tu, là công nhân nông trường, đang trở dạ. Nhưng lúc đó nước lụt ngập mênh mông tìm đâu ra y, bác sĩ? Mưa gió tầm tã, cả nhà ôm sản phụ ngồi khóc.

Không thể chờ lâu hơn, các phi công vội bế sản phụ lên máy bay, cất cánh khẩn cấp, đáp nhanh xuống sân bay Ðà Nẵng. Vừa đến phòng cấp cứu Bệnh viện Ða khoa Ðà Nẵng thì người mẹ sinh con. “Mấy hôm trước nghe anh em đi công tác trên huyện miền núi Nam Giang nói gặp lại thằng bé năm xưa giờ đã ra dáng thanh niên, khôi ngô và học rất giỏi ở Trường nội trú huyện Nam Giang” - đại tá Hùng hồ hởi kể lại.

_________________

Kỳ tới: “Xung kích” trong thành phố...

VIỄN SỰ - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên