26/06/2015 13:38 GMT+7

20 năm tới sẽ không còn căn bệnh thành tích trong giáo dục

SONG HUYỀN
SONG HUYỀN

TTO - Nói đến giáo dục người ta thường nói: “Căn bệnh thành tích”. Là một nhà giáo hơn 20 năm đứng trên bục giảng, nghe ai nói đến điều này bản thân tôi cảm thấy xót xa, day dứt.

Bởi dù muốn hay không chính chúng tôi đã góp một phần nhỏ để tạo nên căn bệnh thành tích ấy - một căn bệnh  trầm kha nhưng chưa có thuốc "đặc trị”.

Tôi ước giáo viên được dạy thật và học sinh được học thật. Lúc đó sẽ không có những buổi thao giảng dự giờ được tập dượt đến nhừ như cháo, rồi sau đó chỉ việc biểu diễn lại, đánh giá, xếp loại, ghi nhận và tung hô…

Không còn quy định giáo viên mỗi năm phải có một sáng kiến kinh nghiệm hay giải pháp hữu ích để thầy cô phải lên mạng xào xáo sản phẩm của người khác làm đề tài nghiên cứu khoa học của mình rồi nộp và xét thi đua.

Không còn hiện tượng mớm đáp án, nhá đề kiểm tra hay dặn dò học trước để trò đạt điểm cao…

Thầy cô có toàn quyền trong việc đánh giá, xếp loại học sinh mà không bị chi phối bởi một áp lực thi đua nào khác.

Chắc chắn lúc đó sẽ không còn cảnh học sinh ngồi nhầm lớp như chuyện học đến lớp 7 mà không viết nổi tên mình, không làm nổi phép tính cộng trừ đơn giản nhất.

Không có chuyện đạt học sinh trung bình khó hơn học sinh tiên tiến. 

Không có tình trạng loạn học sinh giỏi như hiện nay.

Không còn cảnh phụ huynh chạy theo thầy cô năn nỉ cho con được ở lại lớp dù thầy cô biết điều đó là đúng nhưng không dám đồng ý.

Không còn chuyện chạy điểm, chạy trường.

Thầy cô không còn bị áp lực khi các em nghỉ học nhưng đi mòn đường mỏi gối năn nỉ mãi không được phải dùng “thủ thuật” để hợp thức hóa vì sợ bị cắt thi đua.

Không còn lo sợ mỗi ký tổng kết số lượng học sinh đạt trung bình trở lên không đủ quy định phải nặn óc cấy điểm ma vào cho đạt… hay trò vào thi cô thầy phải giải bài để hỗ trợ vì sợ các em trượt, mình bị khiển trách, trường mất thi đua.

Không còn những cuộc thi hình thức để lấy số liệu làm đẹp các báo cáo của cấp trên…

Không còn những điều trên, chắc chắn các em được học thật và được đánh giá thật bằng chính năng lực của mình.

Sẽ không còn cảnh học sinh đậu “hên” và trượt “oan” vì những díc dắc xung quanh nó.

Những học sinh học tốt sẽ tiếp tục vươn lên cao, những em hạn chế về năng lực sẽ chuyển qua học nghề.

Lúc đó con đường vào đại học sẽ khó hơn nhưng bù lại sinh viên ra trường lại có việc làm ngay, và sẽ không còn cảnh thất nghiệp nhan nhản hay những chuyện đau lòng như hiện nay: tốt nghiệp đại học phải giấu bằng để đi làm công nhân.

Lúc đó sẽ xóa bỏ được tình trạng chạy theo số lượng mà lãng quên đi chất lượng học tập của các em mới là quan trọng nhất.

Sức ép của bệnh thành tích là nguyên nhân gây biết bao hệ lụy, để đạt được thành tích tốt sẽ sinh ra giả dối, giả tạo, đôi khi còn dối trên lừa dưới… và tìm mọi cách xây dựng, tô vẽ nên nhiều thành tích ảo, ru ngủ mọi người nguy hại hơn làm cho con người tự mãn, bằng lòng với hiện tại và ảo vọng về bản thân.

Giải quyết căn bệnh này rất khó bởi đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người trong xã hội chứ không riêng gì những con người trong giáo dục.

Muốn dẹp bỏ được căn bệnh thành tích phải tìm ra căn nguyên dẫn đến tình trạng ấy. Đó là việc đề ra chỉ tiêu thi đua quá cao, không phù hợp với khả năng thực tế có thể đạt được.

Chẳng hạn đối với trường chuẩn quốc gia học sinh lưu ban không quá 2%. Trong thực tế có những trường còn nhiều học sinh yếu do nhiều nguyên nhân như trẻ tự kỷ, khuyết tật, chậm phát triển, khả năng tiếp thu quá chậm…, nhưng sợ ảnh hưởng thi đua buộc phải cho lên lớp hết.

Nhiều cán bộ cấp trên còn nặng về hình thức, chẳng hạn các trường, cá nhân đạt chỉ tiêu cao được tuyên dương, khen thưởng và vinh danh. Chưa đạt chỉ tiêu hoặc đạt thấp thì cắt thi đua, nhắc nhở mà không cần chú ý đến chất lượng thực chất bên trong.

 Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, tôi xin được đề đạt một số giải pháp sau:

Tăng cường việc tuyên truyền, vận động sâu rộng trong ngành cuộc vận động “Hai không với bốn nội dung” một cách quyết liệt nhưng đầu tàu phải là các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo từ cấp trường đến cấp phòng rồi lên đến sở và Bộ GD-ĐT. Muốn làm tốt điều này phải chọn cho được người đứng đầu vừa có tâm huyết với nghề, vừa có tinh thần nói không với bệnh thành tích.

Cần bỏ ngay những chỉ tiêu thi đua bởi còn thi đua là còn bệnh thành tích. Chẳng hạn như tỉ lệ học sinh khá giỏi, học sinh tiên tiến, tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng, tỉ lệ học sinh đạt từ trung bình trở lên ở các môn (có phần trăm quy định cụ thể từng môn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông)...

Có thể nói, đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất làm căn bệnh thành tích không thể dẹp bỏ. Các trường đặc biệt là những trường có “thương hiệu” lại càng phải khẳng định mình bằng cách cần đạt cao các tỉ lệ ấy nên đã tìm mọi cách để thỏa mãn yêu cầu.

Coi trọng chất lượng đào tạo, lấy tỉ lệ học sinh đỗ đạt trong các kỳ thi quốc gia làm thước đo chất lượng dạy và học của trường đó.

Các kỳ thi quan trọng chuyển cho quốc gia tổ chức, địa phương hỗ trợ, tránh tình trạng địa phương tự tổ chức và chấm để lấy con số cao rồi so sánh giữa địa phương này với địa phương khác.

Không căn cứ vào các chỉ tiêu đạt được để xếp loại thi đua giáo viên, xếp loại trường. Đổi mới hình thức thi đua khen thưởng như hiện nay, chỉ căn cứ vào các chỉ tiêu được báo cáo mà không có sự kiểm tra, đánh giá chặt chẽ từ cấp trên.

Cuối cùng là một chế độ đãi ngộ xứng đáng để hút người tài giỏi vào ngành. Một lớp trẻ vừa nhiều năng lực lại dám nghĩ dám làm thay dần lớp người năng lực chuyên môn dở lại bảo thủ và không chịu đổi mới.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

SONG HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên