20/01/2019 10:17 GMT+7

20 năm Thư viện Hướng Dương

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Hôm nay, Thư viện sách nói kỷ niệm 20 năm hoạt động (từ 1998). Cũng hôm nay, thư viện chính thức đổi tên: Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù.

20 năm Thư viện Hướng Dương - Ảnh 1.

Hướng Dương (thứ hai từ phải sang) trong lễ khánh thành trụ sở Thư viện sách nói vào ngày 25-11-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tên gọi mới là niềm nhớ thương, là lời cam kết: tinh thần hướng về phía Mặt trời sẽ mãi là tôn chỉ mục đích của Thư viện sách nói, như 20 năm qua thư viện có Hướng Dương.

Những con số thống kê...

Thống kê được là 19 năm "lang thang" với trụ sở, phòng thu đi mượn, đi thuê, tám lần dời đổi cho đến cơ ngơi thư viện hôm nay, ổn định và được xây mới vừa tròn một năm.

Thống kê được là con số hàng ngàn đầu sách đủ loại từ truyện, thơ, tiểu thuyết trong - ngoài nước đến sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo, tài liệu các môn từ phổ thông tới đại học, cao học đã được các tình nguyện viên thu âm, cẩn trọng đến từng từ. 

Hàng triệu băng đĩa cassette, CD đã được thư viện in sang, đóng gói, gửi tới 104 đơn vị trường mù và mái ấm nuôi dạy trẻ em mù, hội người mù các tỉnh, quận huyện hoàn toàn miễn phí.

Thống kê được là học bổng Hướng Dương dành cho sinh viên mù đã bắt đầu từ năm 2000, chỉ sau hai năm thư viện thành lập, đến nay là 19 mùa, đã cấp được 739 suất học bổng, tặng 176 laptop cho sinh viên. Học bổng Hướng Dương thật sự là niềm khích lệ để các học sinh mù có thêm động lực vươn tới tri thức. 

Bên cạnh đó, học bổng Ánh Sen dành cho các học sinh mù có hoàn cảnh khó khăn đã vận động được 2.781 suất học bổng từ năm 2001 đến nay. Số học bổng và lượng ân nhân đóng góp đều tăng dần mỗi năm.

Thống kê được là với chương trình Thắp sáng niềm tin, đã 15 năm thư viện phối hợp với Saigontourist tổ chức đưa các em học sinh, sinh viên mù đi du lịch biển.

Thống kê được là Giải cờ vua dành cho người mù đã bắt đầu từ năm 2011. Trụ sở thư viện đã dành hẳn một phòng dành cho cờ vua với những bàn cờ được thiết kế đặc biệt và bộ giáo trình riêng dành cho người mù. Số huy chương vàng - bạc - đồng mà các kỳ thủ mù mang về trong các kỳ Para Games quốc gia, quốc tế đã lên đến hàng trăm.

Là chương trình Dạy tin học cho người mù đã mở được 14 lớp với 140 học viên. Không chỉ có giáo trình được viết riêng bởi chính giảng viên công nghệ thông tin khiếm thị để đi thật sát với nhu cầu dùng máy vi tính, mở ra thế giới của người mù, mà với chương trình này học viên còn được tặng thêm laptop không màn hình được thiết kế riêng cho mình.

Là chương trình Sưởi ấm niềm tin bắt đầu từ năm 2013 tổ chức khám bệnh và phát thuốc cho học sinh - sinh viên mù. Là chương trình Cây gậy dò đường bắt đầu từ năm 2017, đã tặng 1.500 gậy dò đường cho người mù. Là hàng trăm chương trình giao lưu, văn nghệ, các cuộc thi viết, sáng tác được tổ chức cho học sinh mù...

20 năm Thư viện Hướng Dương - Ảnh 2.

Học viên tốt nghiệp lớp Tin học cho người mù nhận gậy dò đường tại Thư viện sách nói năm 2018 - Ảnh: TỰ TRUNG

... và những điều không thể thống kê

Không thể thống kê được là mồ hôi, tâm sức và tình thương yêu của Hướng Dương đã vắt kiệt cho Thư viện sách nói. Chị đã truyền tình yêu vô hạn, tinh thần phụng sự vô điều kiện ấy sang những người xung quanh, đốt nóng họ, thuyết phục họ.

Thế rồi thư viện có cô Hoàng Lê Tuyết Ngọc, chú Nguyễn Hữu Phước, người mẹ người cha cả đời sống vì con nên cũng lặng lẽ phía sau, làm tất cả những gì có thể. Thư viện có ông Lê Quốc Ân, người chủ tịch quỹ từ thiện Sách nói dành cho người mù, đã tài giỏi lại tài hoa, đã thiện tâm lại bền chí. Thư viện có ông Phạm Đức Trung Kiên, nhà hảo tâm đồng hành suốt 19 năm, sáng lập học bổng Hướng Dương, trở thành anh cả của học sinh - sinh viên mù.

Thư viện có đội ngũ tình nguyện viên đọc sách chuyên nghiệp và nhiệt tâm đến từ đài phát thanh, đài truyền hình, cả các MC, các thầy cô giáo. Thư viện có danh sách hàng trăm ân nhân đóng góp hiện vật, tài chính cho các hoạt động thường xuyên với tất cả tình thương yêu, tin tưởng, có một hội đồng quản lý quỹ đầy nhiệt tâm, minh bạch, vô vụ lợi. 

Thư viện có những cộng sự sẵn sàng phối kết hợp trong mọi hoạt động chỉ với một tấm lòng: đồng hành cùng những người mù trên hành trình vượt qua bóng tối...

Hôm nay, thư viện chỉ thiếu Hướng Dương.

Hôm nay, theo nguyện vọng của những người cộng sự và các sinh viên mù, một góc nhỏ trong thư viện được dành để tưởng niệm Hướng Dương, tên của Hướng Dương được lồng vào tên Thư viện sách nói. Chị vẫn còn đây và những việc chị đã làm vẫn đang tiếp tục, những điều chị mong ước vẫn đang từng bước thành hiện thực.

Hai mươi năm, lần đầu một sự kiện của thư viện vắng bóng Hướng Dương, nhưng tinh thần Hướng Dương vẫn thấm đẫm mỗi ngày, trong phòng thu, trong từng chiếc đĩa sách nói, từng suất học bổng cho học sinh, sinh viên mù, trong chuỗi hoạt động dành cho người mù.

Ngày Hướng Dương ra đi, tất cả những người yêu quý Hướng Dương và từng đồng hành cùng chị, cùng thư viện cả hành trình hay một đoạn đường đều đã cam kết: “Hãy yên lòng, chúng tôi sẽ tiếp tục”.

Bước về phía ánh sáng

LTS: Cảm xúc từ cuộc thi viết "Hành trình vượt qua bóng tối" - kỷ niệm 20 năm Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù, giám khảo của cuộc thi - nhà báo Hàng Chức Nguyên - gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này.

"Có một thời như thế, người ta gọi tôi là mù..." - Nguyễn Thảo Đan, cô gái 18 tuổi, sinh viên khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia VN, viết.

"Người ta gọi tôi là mù", điều ấy, nói cho cùng, là vô nghĩa vì Thảo Đan lại tâm niệm: "Âm nhạc đã làm đẹp tâm hồn tôi. Tôi còn may mắn hơn bao nhiêu người khác. Tôi có tiếng nói để chia sẻ buồn vui, có đôi bàn tay để làm mọi việc, có đôi chân để đến nơi mình thích, có đam mê và có một gia đình...".

Thảo Đan có cuộc sống đầy ý nghĩa: làm phiên dịch cho hội người mù, kết nối các bạn trong lớp tiếng Anh, tham gia chương trình thiện nguyện...

Hàng trăm bài viết gửi về tham dự cuộc thi là hàng trăm cảnh đời bị số phận đẩy vào bóng tối, ngụp trong nỗi đau cùng cực, chìm trong sự mịt mùng của tuyệt vọng. Như Nguyễn Tiến Hoàng (Hà Tĩnh), chàng trai lớn lên từ một làng chài nghèo.

"Tôi yêu nơi tôi sinh ra. Tôi yêu vẽ, yêu tất cả mọi thứ tôi nhìn thấy. Tôi nuôi ước vọng trở thành một họa sĩ". Ước vọng tưởng đã trở thành hiện thực khi Hoàng bước vào năm thứ hai trường mỹ thuật.

Nhưng "một vụ tai nạn đã lấy của tôi đôi mắt để rồi khi tỉnh dậy sau một tháng hôn mê, trước mắt tôi là một màu đen vô tận". Nhiều lần Hoàng muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống.

Nhưng không. Bằng những cách khác nhau, họ đều bước về tương lai, một tương lai ngập tràn ánh mặt trời. "Mặt trời luôn mọc đằng đông và lặn đằng tây. Nhưng với tôi, mặt trời luôn theo bước chân tôi, luôn ở cạnh tôi và đặc biệt luôn xuất hiện mỗi khi tôi cần..." (Mặt trời diệu kỳ - Phạm Văn Trung, Đại học Văn Hiến).

Trên hành trình đó, tất cả đều say sưa nói về một phương tiện, như một vị cứu tinh: sách nói. Sách nói mang đến ánh sáng: "Từ những trang sách nói, tôi như được nhìn thấy màu xanh của cây cỏ, màu vàng của nắng, màu tím của hoàng hôn. Cánh cửa tâm hồn tôi bị khép lại, nhưng giờ đây lại được mở toang ra" (Nguyễn Tiến Hoàng, Hà Tĩnh).

Sách nói đem lại sự tự hào, niềm kiêu hãnh: "Đến một ngày khi con bắt đầu nhận ra sự khác biệt của cha mình và cha của những bạn khác, con sẽ biết ơn những trang sách nói bởi nhờ có những trang sách đó, con trai không phải mặc cảm vì có một người cha mù lòa.

Con sẽ tự hào nói với các bạn rằng: "Mắt ba tôi mù nhưng tâm trí ba tôi không mù. Ba tôi là một thầy giáo" (Hoài niệm về thiên sứ mặt trời - Nguyễn Văn Long, Bình Tân, TP.HCM)...

Hàng trăm bài viết từ khắp các tỉnh thành tham gia cuộc thi viết dành cho người mù lại chính là hàng trăm bài học về cách sống, về tinh thần, ý chí vượt qua nghịch cảnh, nghị lực vươn lên.

"Mọi thứ đều có thể mất đi, chỉ có thứ ánh sáng được thắp lên bằng lòng nhiệt huyết kết tinh từ trái tim nhân ái là sẽ mãi mãi bất diệt" (Nguyễn Văn Long).

Cứ mỗi chiều, từ căn nhà nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội lại vọng ra tiếng hát Thảo Đan: "Tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời...".

Xin cảm ơn một cuộc thi và những bài học để lại trong đời...

HÀNG CHỨC NGUYÊN

Phó chủ tịch TP.HCM hứa

TTO - Xúc động trước những nhọc nhằn trong hành trình phát triển của Thư viện sách nói dành cho người mù, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TP.HCM, hứa "sẽ đồng hành với thư viện từ hôm nay".

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên