Trận sóng thần chết chóc
Ngày 26-12-2004, một trận động đất mạnh tới 9,1 độ Richter đã làm rung chuyển đáy biển ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia, kích hoạt cơn sóng thần được xem là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong thế kỷ 21.
Chỉ trong vài giờ, những con sóng cao hơn 30m đã ập vào các bờ biển quanh Ấn Độ Dương, bao gồm Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, và Maldives. Thảm họa thiên nhiên này đã cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người từ 17 quốc gia.
Hàng triệu người mất nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn ở nhiều khu vực ven biển. Tổng thiệt hại vật chất được ước tính sau trận sóng thần này lên tới một con số khủng khiếp: 13 tỉ USD.
Tâm chấn của thảm họa - thành phố Banda Aceh ở phía bắc đảo Sumatra, Indonesia - trở thành tâm điểm của nỗi đau, sự mất mát và cả những câu chuyện hồi sinh kỳ diệu.
20 năm sau, những "vết sẹo" ấy đã được xóa nhòa bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, cả từ bên trong lẫn bên ngoài, để tái thiết cuộc sống, bảo tồn ký ức và kỳ vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Một ngày không bao giờ quên
Abdul Rahem (47 tuổi) là một ngư dân sống tại làng Lam Awe, một ngôi làng ven biển yên bình ở Aceh.
Sáng ngày diễn ra sự kiện định mệnh ấy, ông đang dạo bước trên bãi biển gần nhà, tận hưởng làn gió mát buổi sớm. Khi mặt đất ngừng rung chuyển dữ dội, ông vội lùi vào cánh đồng lúa gần đó. Nhưng chỉ đến khi nghe tiếng hô hoán của hàng xóm, Rahem mới nhận ra thảm họa đang đến gần.
"Nước đang đến!", mọi người hét lên.
Cha ông khẩn thiết bảo ông hãy bỏ ông lại mà tự cứu lấy mình, nhưng Rahem từ chối.
"Tôi nói không bao giờ chuyện đó xảy ra. Nếu chết thì chúng ta hãy chết cùng nhau", ông thuật lại với báo Guardian.
Vào lúc đó, nước ập đến. Đầu tiên là một con sóng nhỏ tràn nhanh vào làng, sau đó là một cơn sóng cao hơn 30m. "Điều đầu tiên lóe lên trong đầu tôi là đây có phải là ngày tận thế không".
Nỗ lực cứu cha của Rahem không thành. Cả cha mẹ và ba anh chị em của ông đều thiệt mạng trong trận sóng thần lịch sử. Bản thân ông cũng bị cuốn đi trong dòng nước, nhưng ông may mắn ngoi lên được để thở.
Cuối cùng ông bị cuốn đến chân một ngọn đồi, nơi những người sống sót đang tập trung. Từ trên cao, Rahem chỉ thấy cảnh hoang tàn - cây cối bật gốc, mái tôn bị cuốn bay khỏi nhà cửa. Ngôi làng của ông đã hoàn toàn bị san phẳng.
Augus Salim, 49 tuổi, đang ở nhà cùng vợ mang thai và con gái 2 tuổi tại làng Deah Glumpang (Aceh) khi trận động đất xảy ra.
Sau khi động đất ngừng, ông vội vàng di chuyển lên điểm cao nhất trong làng để quan sát tình hình. Từ đây, ông nhìn ra biển và thấy nước đang rút nhanh, để lộ những dải cát rộng lớn bên dưới.
Nhờ từng làm việc cho một công ty vận tải biển nước ngoài, Salim là một trong số ít người ở địa phương hiểu được điều gì đang xảy ra.
"Tôi vẫn nhớ như in rằng mình đã hét lên với mọi người xung quanh nhưng họ vẫn bình tĩnh. Tôi vừa lái xe vừa hét, 'Nước biển sẽ dâng lên'", Salim kể lại. "Họ nhìn tôi như thể đang nghĩ: 'Anh ta bị làm sao vậy?'".
Vươn lên từ đống tro tàn
20 năm sau thảm họa sóng thần ngày 26-12-2004, các cộng đồng ven biển ở Indonesia đã vươn lên mạnh mẽ từ đống đổ nát.
Từ những ngôi làng như Deah Glumpang và Lam Awe, nơi mất mát và tàn phá vẫn còn in đậm trong ký ức người dân nơi đây, giờ đây đã từng bước tái thiết cuộc sống với những nỗ lực không ngừng để chuẩn bị cho tương lai.
"Chúng tôi phải dạy cho mọi người biết cách đối phó khi thiên tai xảy ra. Biết phải làm gì, đi đâu, và những khu vực thoát hiểm như thế nào", Salihin, cựu lãnh đạo cộng đồng ở Deah Glumpang, chia sẻ.
Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và chương trình phòng ngừa thiên tai, các cộng đồng này không chỉ xây dựng lại cơ sở vật chất, mà còn triển khai hệ thống cảnh báo sóng thần hiệu quả, giúp bảo vệ người dân khỏi những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.
"Chúng tôi đã xây dựng lại những bức tường chắn sóng, tạo ra các điểm trú ẩn, và cung cấp hệ thống cảnh báo sóng thần trên toàn bộ bờ biển", Salihin nói thêm.
Cùng với sự phục hồi về cơ sở hạ tầng, các kế hoạch ứng phó khẩn cấp và giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa đã được triển khai rộng rãi.
"Chúng tôi đã được dạy cách xử lý khi thảm họa xảy đến. Nếu có một trận sóng thần xảy ra trong tương lai, chúng tôi sẽ không bị bất ngờ nữa", một người dân ở Lam Awe khẳng định.
Hệ thống cảnh báo sóng thần tiên tiến cùng các kế hoạch đào tạo kỹ năng cho cộng đồng đã tạo nên một sức mạnh tập thể, giúp giảm thiểu thiệt hại và nâng cao ý thức của người dân về sự chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp.
"Bây giờ tôi không còn sợ, nhưng khi nhớ về gia đình tôi, cảm giác ấy vẫn nguyên vẹn như mới xảy ra chỉ hôm qua", Rahem trầm ngâm.
Trong khi những ký ức đau thương vẫn còn đọng lại trong lòng những người sống sót, họ đã chọn cách xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, không chỉ để tưởng nhớ những người đã khuất mà còn để đảm bảo rằng những mất mát đó sẽ không trở thành nỗi đau vô tận.
Mặc dù trận sóng thần đã cướp đi rất nhiều thứ nhưng "nó cũng mang lại cho tôi những điều tốt đẹp trong cuộc sống", anh Watana Sittirachot, nạn nhân sống sót trong trận sóng thần lịch sử, chia sẻ với Đài NBC News.
Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ cơn sóng thần tàn khốc đổ ập vào đất nước này, nhưng Indonesia đã chứng minh rằng sức mạnh con người có thể vượt qua mọi thử thách. Những mất mát không thể đong đếm được đã trở thành nguồn động lực để người dân Indonesia đứng dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Với mỗi bước tiến, từ những làng mạc nhỏ bé đến những thành phố lớn, Indonesia không chỉ phục hồi mà còn tái sinh với sự kiên cường, đoàn kết và khát khao xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận