Ngày 28-4-1998, Hoàn Châu công chúa được phát sóng lần đầu tiên, tính đến nay đã bầu bạn với 2 thế hệ khán giả cuối đời 8x và 9x qua biết bao nhiêu kỳ nghỉ hè.
Nhiều khán giả có nhận xét chung, lúc nhỏ xem Hoàn Châu công chúa chỉ là vì mục đích giải trí, sau khi trưởng thành xem lại bộ phim đã làm thay đổi cái nhìn về các nhân vật trong phim và bất chợt nhận ra những chân lý của cuộc sống.
Hoàn Châu Công chúa 1998
Lúc nhỏ, mỗi lần xem Hoàn Châu công chúa đều căm ghét nhân vật Dung Ma Ma tàn nhẫn độc ác, bây giờ xem lại, khoan nói đến mặt tàn ác nhẫn tâm của bà ta, thì ra Dung Ma Ma vừa tài giỏi vừa trung thành, có tài quan sát và phân tích.
Điển hình như khi Tiểu Yến Tử và Tử Vy giúp Hương Phi bỏ trốn, hai nàng công chúa ra vẻ nghiêm túc nói lý lẽ vòng vo tam quốc, cả Hoàng A Mã (hoàng thượng), Thái hậu và mọi người đều tin là thật, nhưng vẫn bị Dung Ma Ma vạch trần.
Lúc nhỏ xem Hoàn Châu công chúa chỉ là vì mục đích giải trí, sau khi trưởng thành xem lại bộ phim đã làm thay đổi cái nhìn về các nhân vật trong phim, chẳng hạn như vai phản diện Dung Ma Ma - Ảnh: Sina
Dung Ma Ma còn là người đáng tin cậy nhất bên cạnh Hoàng hậu, lúc Tiểu Yến Tử lén bỏ những cánh hoa dùng để tắm vào trong nón của Hoàng hậu và Dung Ma Ma, nhưng Dung Ma Ma đã không bỏ trốn mà ngược lại chỉ lo giúp Hoàng hậu đuổi ong.
Tương tự như Dung Ma Ma, các nhân vật Lệnh Phi, Hoàng A Mã… đều khiến tầng lớp khán giả năm xưa thay đổi cách nhìn, đó chính là cốt lõi khiến bộ phim sống mãi với thời gian, gắn bó với quá trình trưởng thành của thế hệ khán giả cuối đời 8x và 9x.
Ca khúc trong Hoàn Châu công chúa 2011
Trong thời đại các sản phẩm nghe nhìn ngày càng trở nên phong phú như hiện nay, thì bộ phim Hoàn Châu công chúa vẫn trụ vững rating, nhất định là đã thỏa mãn nhu cầu của khán giả.
So với bộ phim kinh điển Tây du ký, có lẽ Hoàn Châu công chúa chưa thể đạt đến ngưỡng nghệ thuật nhưng cùng là bộ phim truyền hình được phát sóng lại nhiều lần suốt mấy chục năm nay, đương nhiên 2 tác phẩm đều có những điểm đáng xem mà các phim hiện nay không thể đáp ứng.
Hoàn Châu công chúa có thể sống mãi trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc như vậy, đã ít nhiều khiến các bộ phim ở thời đại trực tuyến cảm thấy hổ thẹn, bởi nếu khán giả có nhiều bộ phim hay để xem thì đài truyền hình cần gì phải phát sóng lại những bộ phim cũ nữa?
Hai nàng công chúa Tiểu Yến Tử và Tử Vy có tính cách đối lập, đã gắn bó với 2 thế hệ khán giả cuối đời 8x và 9x qua biết bao nhiêu kỳ nghỉ hè - Ảnh: Sina
Chuyện bây giờ mới kể
Do tuổi cao sức yếu nên trong thời gian quay phim Hoàn Châu công chúa, Quỳnh Dao chưa một lần sang Trung Quốc thăm hỏi cũng như giám sát đoàn làm phim.
Nhưng, điều này không có nghĩa Quỳnh Dao để mặc Hoàn Châu công chúa, theo nữ diễn viên Đới Xuân Vinh (vai hoàng hậu), thời điểm đó mỗi ngày đạo diễn Tôn Thụ Bồi đều gửi những đoạn phim đã quay trong ngày sang Đài Loan cho Quỳnh Dao xem, nếu bà không duyệt thì ngày hôm sau phải quay lại.
Là nhà biên kịch kiêm tác giả tiểu thuyết, Quỳnh Dao có quyền lực cao nhất trong đoàn phim, càng có quyền chi phối vận mệnh của các diễn viên, việc thay đổi diễn viên chính xảy ra như cơm bữa.
Ban đầu, vai Tiểu Yến Tử được giao cho nữ diễn viên Đài Loan Lý Đình Nghi, còn được chỉ định thủ vai Tử Vy, trong khi đó Lâm Tâm Như trực thuộc quản lý của công ty Quỳnh Dao thì được giao đóng vai phụ Trại Á.
Tiểu Yến Tử lí lắc năm nào, nay đã trở thành diễn viên kiêm đạo diễn, ngoài ra cô còn được biết đến là một doanh nhân thành đạt trên sàn chứng khoán - Ảnh: Ifeng
Tuy nhiên, sau đó Lý Đình Nghi xin rút tên khỏi danh sách "Gia tộc Hoàn Châu", Triệu Vy tự tiến cử đảm nhận vai Tiểu Yến Tử, Lâm Tâm Như mới trở thành Tử Vy, cuối cùng vai Trại Á rơi vào tay Trương Hằng.
Tương tự, ba thành viên của nhóm nhạc Những Chú Tiểu Hổ (gồm: Tô Hữu Bằng, Ngô Kỳ Long và Trần Chí Bằng) cũng suýt được quy tụ trong bộ phim.
Khi Tô Hữu Bằng nhận vai Ngũ A Ca, Trần Chí Bằng được giao vai Phú Nhĩ Thái, còn vai Nhĩ Khang vốn thuộc về Ngô Kỳ Long, nhưng vì anh phải nhập ngũ nên đành bỏ lỡ bộ phim, cuối cùng Châu Kiệt "nhặt vai" Nhĩ Khang.
Khi bộ phim quay được một nửa, Lâm Tâm Như đã suýt bị mất vai Tử Vy, nguyên nhân là thời điểm đó ở Đài Loan đang phát sóng một bộ phim khác của cô, biểu hiện của Lâm Tâm Như trong phim đó đã khiến lãnh đạo đài truyền hình Đài Loan nghi ngờ liệu cô có thể diễn tốt vai Tử Vy hay không?
Nàng Tử Vy - Lâm Tâm Như dịu dàng, nay đã trở thành nhà sản xuất phim có địa vị nhất định ở thị trường Trung Quốc - Ảnh: Sina
Sau cùng, nhờ có Quỳnh Dao và nhà điều hành sản xuất Hà Tú Quỳnh ra sức bảo vệ Lâm Tâm Như mới có thể tiếp tục ở lại với đoàn làm phim.
Còn cặp đôi Tiêu Kiếm và Tình Nhi ở phần 2 trước vẫn luôn trong giai đoạn "thần giao cách cảm", mãi đến phần 3 tình cảm của hai người mới bắt đầu tiến triển, chỉ là diễn viên đóng vai Tiêu Kiếm từ Chu Hoành Gia đổi sang Huỳnh Hiểu Minh.
Vương Diễm và Huỳnh Hiểu Minh là đồng hương ở Thanh Đảo, bình thường hai người xưng hô với nhau "chị chị em em", vậy mà cảnh diễn chung đầu tiên của hai người lại là cảnh "khóa môi" say đắm, khiến hai người liên tục bị quay lại nhiều lần.
Đến nay mỗi lần nhắc lại cảnh phim này, Vương Diễm vẫn chưa hết ngượng ngùng: "Tôi cũng không biết lúc đó mình dùng cách nào để hoàn thành cảnh quay đó, đến nay tôi vẫn không dám xem lại, quá ngượng ngùng".
Trương Thiết Lâm gắn liền tên tuổi với vai Hoàng A Mã, và nay đã trở thành hình tượng kinh điển - Ảnh: Sina
Riêng Hoàng A Mã - Trương Thiết Lâm, việc ông "kết duyên" với Hoàn Châu công chúa càng ly kỳ hơn.
Chuyện là có một hôm Trương Thiết Lâm đang mua giỏ tre ở Tam Lý Đồn, đúng lúc nhìn thấy hai người phụ nữ ngồi trên chiếc giỏ tre của ông, ông liền lên tiếng bảo họ đừng làm hư chiếc giỏ tre, không ngờ một trong hai người phụ nữ đó chính là con dâu của Quỳnh Dao - Hà Tú Quỳnh, nhà điều hành sản xuất bộ phim Hoàn Châu công chúa.
Điều trùng hợp là Hà Tú Quỳnh cũng đang tìm Trương Thiết Lâm để mời ông thử vai, hai người gặp nhau vì chiếc giỏ trẻ, thế là cùng nhau ngồi xuống trò chuyện, chỉ trong thời gian uống tách cà phê, vai Càn Long kinh điển phiên bản Trương Thiết Lâm đã được định đoạt.
Trong vòng 20 năm, Hoàn Châu công chúa được phát sóng lại 16 lần, trở thành bộ phim chiếu hè kinh điển - Ảnh: Sina
Gia tộc Hoàn Châu, ngày ấy và bây giờ
20 năm đã trôi qua, dàn diễn viên chính trong phim Hoàn Châu công chúa đều đã trở thành các ngôi sao nổi tiếng.
Tiểu Yến Tử - Triệu Vy lí lắc năm nào, nay đã trở thành diễn viên kiêm đạo diễn, ngoài ra cô còn được biết đến là một doanh nhân thành đạt trên sàn chứng khoán.
Điển hình là tháng 3-2018, Triệu Vy lọt vào top Nữ tỷ phú tự thân toàn cầu 2018 (Hurun Global Self-Made Women Billionaires List 2018), đây là lần đầu tiên cô có tên trong danh sách bình chọn với thứ tự xếp hạng 100 trong tổng số 102 nhân vật nữ tỷ phú.
Còn nàng Tử Vy - Lâm Tâm Như dịu dàng, hiền thục trong lòng khán giả, nay đã trở thành nhà sản xuất phim có địa vị nhất định ở thị trường Trung Quốc.
Sau khi kết hôn với tài tử Hoắc Kiến Hoa và sinh con gái, Lâm Tâm Như còn có thêm nghề tay trái, thiết kế thời trang với dòng sản phẩm dành cho mẹ và bé, mang thương hiệu StayReal.
Sau thời gian làm diễn viên và tấn công màn ảnh rộng, năm 2014 Tô Hữu Bằng bắt đầu thử sức làm đạo diễn với bộ phim Tai trái, tác phẩm này không chỉ gặt hái doanh thu phòng vé 500 triệu đài tệ, mà còn giúp Tô Hữu Bằng lọt vào danh sách đề cử Đạo diễn triển vọng giải thưởng Kim Mã Đài Loan.
Từ phim Hoàn Châu công chúa, Triệu Vy và Tô Hữu Bằng đã trở thành đôi tình nhân màn bạc - Ảnh: Ifeng
Năm 2016, Tô Hữu Bằng tiếp tục làm đạo diễn kiêm biên kịch bộ phim Hiến thân của kẻ hiềm nghi X, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Higashino Keigo, do Lâm Tâm Như và Vương Khải đóng chính.
Sau phim Hoàn Châu công chúa, Châu Kiệt nghiễm nhiên trở thành tên tuổi bảo chứng tỷ suất bạn xem đài với các phim Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên, Vụ án hoa mai, Anh hùng xạ điêu (vai Dương Khang)…
Châu Kiệt và Lâm Tâm Như được công nhân là cặp đẹp đôi trên màn ảnh - Ảnh: Sina
Khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp thì năm 2009, Châu Kiệt gây tai nạn giao thông trong lúc say rượu, vụ va chạm làm bị thương 3 người, điều đáng nói là anh đã bỏ trốn khi gây tai nạn, khiến Châu Kiệt đánh mất hình tượng công chúng, sự nghiệp tuột dốc không phanh.
Từ bỏ nghề diễn, Châu Kiệt chuyển sang làm nông, nay trở thành ông chủ của thương hiệu gạo Châu Tiên Sinh - Ảnh: Sina
Sự nghiệp diễn xuất rơi xuống vực thẳm, Châu Kiệt đã chuyển sang làm nông, anh đến vùng Đông Bắc ở Đại Lý mua hàng ngàn mẫu ruộng trồng lúa, thành lập thương hiệu gạo Châu Tiên Sinh, hiện đã trở thành ông chủ nông sản.
Khi quay phim Hoàn Châu công chúa, Phạm Băng Băng chỉ mới 15 tuổi, bên cạnh cô luôn có một người đàn ông trung niên theo sát, hóa ra cha cô vì lo lắng con gái còn nhỏ tuổi nên đã đồng hành trong suốt quá trình làm phim.
20 năm đã trôi qua, dàn diễn viên chính trong phim Hoàn Châu công chúa đều đã trở thành các ngôi sao nổi tiếng - Ảnh: Ifeng
Năm 2002, sau 3 năm ra mắt Hoàn Châu công chúa 2, Phạm Băng Băng đã thành lập Trường đào tạo diễn xuất Phạm Băng Băng ở Bắc Kinh.
Năm 2009, Phạm Băng Băng thành lập công ty sản xuất phim, đã điều hành sản xuất kiêm nữ chính các phim Kim Đại Bang, Võ Tắc Thiên truyền kỳ và Thắng thiên hạ (2018).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận