TTCT- Khi kinh tế tăng trưởng tương đối cao trong nhiều năm qua, có một thực tế tưởng là nghịch lý: năng suất ngày càng đi xuống. 20 năm sau, để đạt được mức thu nhập trung bình cao thế giới, Việt Nam vẫn cần phải tăng năng suất lao động. Để giải bài toán này, có thể trông chờ vào doanh nghiệp tư nhân? Khối doanh nghiệp tư nhân còn chặng đường dài phía trước. Trong ảnh: xưởng sản xuất gốm sứ Minh Long I-Lê Sơn Năng suất: chân tường của Đổi mới lần 2? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận ba thập niên tăng trưởng kể từ thời đổi mới đến nay, phần lớn chỉ dựa vào vốn và lao động. Tỉ trọng của vốn, theo bà Lan, một trong những nhà nghiên cứu chính của Báo cáo Việt Nam 2035, chiếm tỉ trọng lên đến 35-40% trong thời gian qua. Bà Lan nhìn nhận dư địa cho tăng trưởng vốn trong thời gian tới sẽ chậm lại khi các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) giảm đi. Trong 20 năm tới, theo bà Lan, yếu tố vốn đóng góp khoảng 30% trong tăng trưởng. Trong khi đó, lao động, một nhân tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, theo ghi nhận của giáo sư Trần Văn Thọ, cũng không còn nhiều khi mà “dân số Việt Nam đang già đi trong 20 năm tới”. Thời kỳ dân số vàng đã không được tận dụng. Vốn và lao động là hai trong ba yếu tố trong năng suất tổng hợp (TFP) đang khựng lại và suy giảm. Yếu tố cuối vẫn còn dư địa rất lớn là tăng năng suất bằng nhân tố vô hình từ đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao quy trình, nâng cao trình độ sản xuất của người lao động... Các nhà nghiên cứu trong Báo cáo Việt Nam 2035 nhận thấy một nghịch lý xuyên suốt mấy thập kỷ qua: kinh tế càng tăng trưởng thì năng suất càng giảm sút. Các con số đã đến báo động: năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 với Singapore, 1/5 với người Malaysia... “Điều đó đang đẩy kinh tế Việt Nam đi vào bẫy thu nhập trung bình” - bà Lan nói. “Chiếc bẫy thu nhập trung bình do chính chiếc bẫy năng suất lao động thấp gây ra” - ông Gatot Putra, chuyên gia kinh tế người Indonesia, nói trong một hội thảo về chủ đề này vào tuần trước. Làm thế nào để thoát được chiếc bẫy đó? Theo bà Phạm Chi Lan, thông điệp của báo cáo là rất rõ: tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới không có cách gì đạt được nếu không tăng năng suất lao động. “Nhiều người trong giới nghiên cứu cho rằng muốn có đổi mới lần thứ hai, Việt Nam phải một lần nữa bị dồn vào chân tường, như hồi năm 1986. Lần này, báo cáo này muốn chứng minh rằng chân tường đó chính là năng suất, rằng chúng ta đã hết chỗ rồi, không còn đường lùi nữa. Năng suất đang thấp hơn và tụt hậu so với các nước khác. Cộng thêm với bối cảnh hội nhập, với cuộc cạnh tranh mới thì đúng là không còn đường lùi. Nếu có một cái gì đó có thể làm nảy bật lại, đó chỉ có thể bằng năng suất. Và năng suất đó phải là ở khối doanh nghiệp tư nhân” - bà Lan nhận định. Điều gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia chính là việc nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chứng minh được rằng các doanh nghiệp nhà nước thường đầu tư vào các lĩnh vực năng suất thấp nhất. Báo cáo nhìn nhận: “Đây là khối doanh nghiệp theo đuổi nhiều mục tiêu và lợi nhuận không phải là điều được ưu tiên, nên hoạt động không hiệu quả, dù nhận được nhiều ưu đãi, năng suất ngày càng đi xuống”. Những năm gần đây, năng suất của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện dưới sức ép của cổ phần hóa và tái cơ cấu, tuy nhiên cũng chỉ “duy trì năng suất lao động để không đi xuống hơn nữa”. Còn các “doanh nghiệp tư nhân thân hữu” lớn cũng dồn nguồn lực của họ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng - vốn được đánh giá có năng suất thấp. Các chuyên gia quốc tế đã chứng minh rằng trong bất động sản cho dù “giá cả cao, lợi nhuận lớn” nhưng “chỉ rơi vào túi một vài người”, còn năng suất chung của cả ngành lại là một chuyện khác. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo ghi nhận của báo cáo, có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế trong suốt 30 năm đổi mới, nhưng “họ không chuyển giao công nghệ, không lan tỏa năng suất, thậm chí góp phần cho năng suất khu vực tư nhân Việt Nam thấp đi, vì lấy đi nhiều nguồn lực, ưu đãi”. Chính vì những lý do đó, lần này, hi vọng nằm ở khối doanh nghiệp tư nhân. “Hóa rồng” được không? Nhưng để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực chính của nền kinh tế trong 20 năm tới, vẫn còn nhiều việc phải làm. Từ câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc với tốc độ tăng trưởng 9%/năm cho 20 năm tới, Việt Nam liệu có “hóa rồng”, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, sau mấy tháng nghiên cứu, “chạy đủ các mô hình”, đã đưa ra kết luận: bất khả thi! Thay vào đó, tốc độ tăng trưởng dừng lại ở con số thấp hơn 6-6,5%/năm. Và với tốc độ đó Việt Nam chỉ có thể đạt được mức thu nhập trung bình cao trong 20 năm tới. Sau đó, nếu tiếp tục nỗ lực cao độ, đạt đến kịch trần của mức thu nhập trung bình cao cho 10-15 năm tiếp theo. Đấy cũng là tốc độ tăng trưởng của nhiều năm qua, khi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào vốn và nhân lực. “20 năm tới là thập kỷ của năng suất. Khu vực tư nhân phải đóng góp chính và là động lực chính của tăng trưởng, và tư nhân đó chính là lực lượng trong nước” - bà Lan nói. Bà Lan kể rằng để ghi được cụm từ “tư nhân trong nước” trong báo cáo cũng là “một dũng khí” của các nhà nghiên cứu, nhằm “tránh gây tổn thương và hiểu lầm” đến khối FDI, vốn cũng là “tư nhân”. Lý do, theo bà Lan, không một nền kinh tế nào có thể phát triển mà không dựa vào tư nhân trong nước và bên cạnh nhóm FDI đang nổi lên, “cần phải để tư nhân trong nước là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng”. Nói ra được điều này cũng là một thắng lợi của báo cáo, bà Lan nói vì “thống nhất phải nói thẳng nói thật thì sau này mới có thể khắc phục được”. Chính từ những điều đó, các nhà nghiên cứu đều khuyến nghị gỡ khó cho khối doanh nghiệp tư nhân trên các lĩnh vực về quyền tài sản, môi trường cạnh tranh bình đẳng và quyền tiếp cận các nguồn lực. “Đó là ba chốt cốt lõi, nếu giải đáp được ba điều này thì giúp cho doanh nghiệp tư nhân đáng kể” - bà Lan nhấn mạnh. Nhưng khối doanh nghiệp tư nhân trong nước lại cũng được chia thành hai nhóm. Báo cáo Việt Nam 2035 nhận định: “Một số ít ỏi đang ngày càng hùng mạnh và phát triển là những doanh nghiệp có quan hệ thân hữu tốt với chính quyền. Khối này, cùng với các doanh nghiệp nhà nước và phần lớn doanh nghiệp FDI, đang nhận được nhiều ưu đãi và điều kiện thuận lợi trong kinh doanh khiến cho môi trường cạnh tranh bị méo mó. Đa số còn lại là các doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Và gánh nặng đang đổ dồn vào khối này về động lực tăng trưởng cho hai thập niên tới”. Từng là một trong những người tham gia soạn thảo Luật doanh nghiệp đầu tiên (1999), bà Phạm Chi Lan cho rằng đây là đạo luật toát lên tinh thần bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp với nhau hay tư tưởng doanh nghiệp được quyền làm những gì Nhà nước không cấm. Những lần sửa đổi sau đó (2005 và 2014), luật cũng thay đổi theo hướng bổ sung thêm quyền cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Lan, khoảng cách giữa văn bản giấy tờ với thái độ thực tế của Nhà nước đối với khối doanh nghiệp này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Các số liệu cho thấy trong 30 năm qua, khối doanh nghiệp này giúp giải quyết đến 50% việc làm, nhưng phần đóng góp vào GDP lại quá nhỏ bé, chỉ xấp xỉ 9-10%. Báo cáo kỳ vọng đến năm 2035, doanh nghiệp tư nhân đóng góp “tối thiểu đến 80% trong tăng trưởng kinh tế”, điều này phụ thuộc vào cải cách thể chế của Nhà nước. “Đó chính là thông điệp quan trọng nhất, và là câu chuyện trung tâm của 20 năm tới” - bà Lan nhấn mạnh. ■ Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước là một tư duy đúng đắn, điều quan trọng cho tương lai của Việt Nam. Chỉ vì chính sách không theo kịp thực tế mà chúng ta đã bỏ lỡ khá nhiều thời cơ phát triển cho khối doanh nghiệp tư nhân, nhất là giai đoạn Việt Nam gia nhập WTO, để rồi bây giờ nhìn qua ngoảnh lại, các nhà công nghiệp trong nước chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đó là điều đáng buồn. Một chính sách đúng và những người làm chính sách có tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân, chính là khích lệ và nuôi hi vọng cho họ. Là một doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần phải có chính sách công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với FDI để có thể phát triển, cạnh tranh với nước ngoài. Ông Đỗ Duy Thái (tổng giám đốc Công ty Thép Việt) Tags: Doanh nghiệp tư nhân
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Tin tức sáng 26-12: TP.HCM thông báo lịch nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 cho người lao động TUỔI TRẺ ONLINE 26/12/2024 Tin tức đáng chú ý: TP.HCM thông báo lịch nghỉ Tết Ất Tỵ 2025; Cùng một ngày, hai công ty chứng khoán lỗi kết nối với HoSE; Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ từ 1-1-2025.
Lái tàu nhảy khỏi cabin tự tử, đường sắt Pháp tê liệt NGỌC ĐỨC 25/12/2024 Một nhân viên lái tàu hỏa ở Pháp nhảy từ cabin tàu xuống đất tự tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường sắt nước này.
Bắt tài xế gây tai nạn làm chết 2 người trên xe chở công nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu ĐÔNG HÀ 25/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt tài xế Nguyễn Ngọc Hoài. Bị can này là người điều khiển xe tải gây tai nạn với xe chở công nhân loại 16 chỗ, làm chết 2 người.
Thời tiết hôm nay 26-12: Miền Trung mưa to dù bão tan LÊ PHAN 26/12/2024 Hôm nay 26-12, thời tiết Bắc Bộ đón đợt không khí lạnh tăng cường. Trung Bộ mưa to do các nhiễu động suy yếu từ bão, Nam Bộ ngày nắng.