Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - dự, phát biểu chúc mừng và định hướng nhiệm vụ cho hội đồng những năm tới.
Ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và là chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương nhiệm kỳ đầu tiên, dự lễ.
20 năm tư vấn giúp Đảng, Nhà nước về công tác văn học, nghệ thuật
Trong diễn văn kỷ niệm 20 năm thành lập hội đồng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, đã ôn lại bối cảnh ra đời và tầm quan trọng, đóng góp của hội đồng trong 20 năm qua.
Theo đó, 20 năm trước, trong bối cảnh chính trị trong nước và thế giới có nhiều biến đổi, diễn biến phức tạp, để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ; đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành quyết định số 81-QĐ/TW ngày 10-9-2003 về việc thành lập Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương.
20 năm qua, hội đồng đã tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước xây dựng và lãnh đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chính sách ở tầm chiến lược, vĩ mô về văn hóa, văn nghệ; tư vấn và hỗ trợ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ.
Hội đồng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học; hoàn thành các đề án, đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp ban đảng, tổ chức các hội nghị tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ lĩnh vực tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông, nghiên cứu, giảng dạy về văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ.
Hằng năm, hội đồng tổ chức thẩm định và trao tặng thưởng các tác giả có tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc và hỗ trợ xuất bản cho các bản thảo sách có chất lượng cao.
Tính đến tháng 9-2023, có 248 tác phẩm đã được trao thưởng; có 147 bản thảo được hỗ trợ xuất bản thành sách chuyên khảo.
Nâng cao khả năng phát hiện, dự báo về văn học, nghệ thuật
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - ghi nhận và biểu dương nỗ lực, sáng tạo và thành tích mà Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương đã đạt được trong 20 năm qua.
Ông đánh giá hội đồng đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Ông yêu cầu hội đồng tiếp tục phát huy huy động tối đa kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết của các lãnh đạo và thành viên hội đồng qua các thời kỳ; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong cả nước.
Hội đồng cần bám sát và thấu hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn văn học, nghệ thuật đang vận động, phát triển đa dạng, phong phú; từ đó nâng cao khả năng phát hiện, dự báo, tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và có hệ thống đối với những vấn đề lớn đang đặt ra.
Đặc biệt, hội đồng cần kiên định phát huy vai trò nền tảng chủ đạo của mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; tổ chức nghiên cứu thấu đáo tư tưởng văn nghệ truyền thống của cha ông; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn học, nghệ thuật trên thế giới, để từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam.
Hội đồng phát huy tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ.
Nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình nói riêng và lực lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung cũng rất cần được lưu tâm.
Ông Nghĩa nhấn mạnh nhiệm vụ tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025); tổng kết 40 năm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận