Chiều 26-10 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức tọa đàm Hành trình 20 năm giải thưởng khoa học công nghệ "Quả cầu vàng".
Tọa đàm quy tụ 60 chủ nhân Quả cầu vàng các thời kỳ và 20 nữ sinh đoạt giải thưởng "Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam" năm 2023.
Nguồn nhân lực khoa học công nghệ quan trọng
Anh Nguyễn Minh Triết - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam - cho biết 20 năm qua, giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng đã tôn vinh những tài năng trẻ xuất sắc nhất trong cộng đồng khoa học công nghệ trẻ Việt Nam.
Trải qua 20 năm, nhiều thế hệ Quả cầu vàng đã đảm nhận các vị trí quan trọng tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp như: PGS.TS Bùi Thế Duy - thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS Nguyễn Huy Dũng - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS.TS Phạm Bảo Sơn - phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội…
Không dừng lại ở hoạt động kỷ niệm, anh Triết mong muốn các thế hệ tài năng trẻ Quả cầu vàng kết nối, hình thành và phát triển mạng lưới.
Từ đó, tạo cộng đồng các thế hệ trẻ tài năng Việt Nam nối tiếp nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, hỗ trợ, hợp tác phát triển và truyền cảm hứng trong thanh thiếu nhi.
Ươm mầm trở thành nhà khoa học đầu đàn
Góp ý kiến tại tọa đàm, TS Trần Quang Tuấn - phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ (Quả cầu vàng năm 2008) - đề xuất cần có cơ chế, chính sách toàn diện, đầy đủ hơn và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ, có hỗ trợ kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Cùng đó, nghiên cứu để tham mưu chính sách đối với nhà khoa học tài năng dưới 35 tuổi, ươm mầm để các cá nhân này có thể trở thành nhà khoa học đầu đàn.
Quả cầu vàng năm 2012 - TS.BS Đỗ Xuân Hai - chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật thực hành, thực nghiệm, phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng y khoa - Học viện Quân y - góp ý để nâng cao chất lượng cho giải thưởng cần tạo ra sân chơi "công bằng, đủ đức, đủ tài", chiếm lĩnh vị trí hàng đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo từng chuyên ngành.
Còn PGS.TS.BS Đào Việt Hằng - phó giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - mong muốn tạo ra một mạng lưới kết nối chặt chẽ các thế hệ Quả cầu vàng. Chị gợi mở bên cạnh mạng lưới chung, có thế kết nối Quả cầu vàng thành các nhánh dọc - nhánh sâu với 5 lĩnh vực được tôn vinh để tạo sự kết nối, giao lưu tốt hơn.
Tại tọa đàm, một số nhà khoa học trẻ cũng đề xuất việc thành lập hội đồng hiến kế Quả cầu vàng để đóng góp ý kiến vào các vấn đề đặt ra của quốc gia, thế giới và có kinh phí hoạt động, nhận thù lao tương xứng; thương mại hóa các công trình khoa học đoạt giải…
Năm 2003, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng đề án giải thưởng công nghệ thông tin thanh niên mang tên "Quả cầu vàng" (nay là giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng).
Giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học trẻ trên 5 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường; Công nghệ vật liệu mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận