Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM tặng hoa cho cô giáo chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam. Năm nay, do dịch COVID-19, các hoạt động kỷ niệm ngày 20-11 sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG
Mấy ngày gần đây, khi đang bận rộn chuẩn bị cho dự án "Tiết học đồng cảm" - một hoạt động để phụ huynh học sinh "hóa thân" vào vai trò của giáo viên để thấu hiểu và chia sẻ hơn những vất vả của thầy cô - tôi bất ngờ nhận được một tin nhắn của học trò cũ: "Cô ơi! 20-11 năm nay, em và các bạn không có cách nào về thăm cô được, cô cho bọn em vài phút chào cô qua màn hình trực tuyến, cô nhé".
Tin nhắn khiến tôi rất xúc động và chợt nhận ra bất kể cản ngăn nào trong đời, 20-11 vẫn là một dịp đặc biệt để mỗi người bày tỏ lòng tri ân và biết ơn sâu sắc đến thầy cô, những người "chèo đò" thầm lặng đưa chúng ta cập bến tri thức năm nào.
Cá nhân tôi và các anh chị đồng nghiệp trong ngành giáo dục năm học này hẳn cũng sẽ có một buổi lễ 20-11 đặc biệt nhất trong đời, khi chỉ cần chào nhau qua màn hình trực tuyến cũng đủ cảm nhận được biết bao sự đồng cảm và thấu hiểu. Đó cũng là dịp để mỗi nhà giáo chúng ta nhận thức hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân trong sự nghiệp "trồng người".
Bất chấp những biến đổi và thử thách của thời đại, tôi luôn tin tưởng rằng những "chuyến đò tri thức" của ngành giáo dục sẽ không ngừng cập bến, mang theo biết bao tin tưởng và hoài vọng của cả thầy và trò.
Hơn bất kỳ ai, tôi rất thấu hiểu và đồng cảm với những nỗi lo lắng và bất an của học trò và cả quý anh chị phụ huynh trong giai đoạn gian nan này. Chính vì thế, dù chẳng ai bảo với ai, nhưng mỗi thầy cô trong ngành giáo dục đều cố gắng hết sức để giúp đỡ, động viên và giúp đỡ các em hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.
Cũng bởi, chúng tôi hiểu rằng khoảng thời gian học tập trực tuyến này thật sự là một gian nan với các em học sinh, khi phải tập tành làm quen với công nghệ, tự lập trong mỗi giờ học, không thể nhanh chóng được sự tư vấn của thầy cô và bè bạn như giai đoạn còn tham gia học tập trực tiếp tại lớp.
Bên cạnh đó, áp lực của việc học online và những căng thẳng sau khoảng thời gian giãn cách do dịch bệnh đã khiến tinh thần một số em học sinh "xuống dốc", thường xuyên mỏi mệt, trầm cảm. Ở độ tuổi đang hình thành và phát triển tâm sinh lý, các em học sinh rất cần chỗ dựa là sự kết nối và san sẻ yêu thương với thầy cô, gia đình và bạn bè.
"Tiết học đồng cảm" năm nay sẽ giúp phụ huynh, học sinh gắn kết và thấu hiểu hơn những khó khăn và áp lực mà mỗi giáo viên phải trải qua trong những giờ đứng lớp. Đó cũng là cơ sở để tạo nên thiện cảm và những sẻ chia từ phụ huynh, học sinh đến giáo viên, góp phần tạo nên môi trường học đường thấu hiểu, yêu thương.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhiều anh chị phụ huynh và các em học sinh thường xuyên nhắn tin cho thầy cô để bày tỏ nỗi lòng như "Thầy cô vất vả quá, thật đồng cảm với giáo viên" hay "Em mơ ước được làm giáo viên như thầy ạ"...
Cá nhân tôi xem đây là một nguồn động lực rất lớn, cổ vũ tinh thần cho mỗi thầy cô trên bục giảng. 20-11 hay bất kỳ một thời điểm nào trong đời, nếu vẫn còn một trái tim đầy ắp yêu thương và nhiệt tình giảng dạy, đều có thể trở thành ngày lễ đặc biệt với mỗi người cầm phấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận