Cán bộ, giảng viên trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tập huấn coi thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngoài 3.700 cán bộ, giảng viên từ 13 trường ĐH, trên 4.000 cán bộ, giáo viên trường phổ thông còn có gần 1.400 nhân viên, an ninh phục vụ kỳ thi.
Sở GD-ĐT Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất ở các điểm thi, kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi và công tác in sao đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi.
Khi rà soát ngăn ngừa gian lận thi cử, Công an Hà Nội đã phát hiện 2 trang web rao bán thiết bị gian lận như camera, đồng hồ gắn camera tại quận Cầu Giấy và đã phối hợp với Sở GD-ĐT xử lý.
Để hỗ trợ thí sinh, Thành đoàn Hà Nội đã huy động và tập huấn cho 12.000 sinh viên tình nguyện từ 32 trường ĐH và tổ chức Đoàn các cấp. Các đội tình nguyện sẽ phát quạt, nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh, phân luồng giao thông, giữ xe miễn phí, chở thí sinh và người nhà thí sinh miễn phí khi có yêu cầu.
Theo Ban chỉ đạo thi Hà Nội, khâu kiểm soát, phát hiện gian lận thi, đặc biệt là các gian lận thi sử dụng công nghệ cao, tinh vi đã được tập huấn kỹ.
Phú Quốc: nắm số điện thoại từng thí sinh
Hơn 1.000 thí sinh của 3 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra sắp tới. Dự kiến trưa 23-6, hơn 100 cán bộ coi thi từ đất liền sẽ có mặt tại đảo Phú Quốc để chuẩn bị công tác coi thi.
Đến thời điểm này, địa chỉ, số điện thoại của từng thí sinh đã được niêm yết tại trường và ban giám hiệu cũng như Đoàn trường đều nắm rõ. Từ danh sách này, đội tiếp sức mùa thi do Đoàn trường phụ trách túc trực tại cổng trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh đến trễ để có phương án đưa đón kịp thời.
"Trường THPT An Thới có nhiều học sinh là con em ở xã đảo Thổ Châu, Hòn Thơm vào trọ học nên nhà trường nắm kỹ địa chỉ phòng trọ, số điện thoại của các em lẫn chủ nhà trọ để đề phòng các em học bài khuya ngủ quên sẽ gọi điện hoặc cử thầy cô tới đón cho kịp" - cô Trần Thị Thực, phó hiệu trưởng Trường THPT An Thới, cho biết.
Riêng điểm thi THPT Phú Quốc với lượng thí sinh lên đông của 3 trường với đa số học sinh ở các xã phía bắc đảo nên ban giám hiệu các trường cử cán bộ, giáo viên túc trực tại cổng trường trong mỗi buổi thi để kịp thời hỗ trợ thí sinh.
Thầy Trần Quang Hợp - phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Quốc - cho biết năm nay có hơn 10 thí sinh tự do từ nơi khác đến làm việc và sinh sống tại Phú Quốc. Đặc biệt có 6 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên là cán bộ của xã đảo Thổ Châu, cách trung tâm Phú Quốc 120km cũng đã có mặt tại điểm thi từ sáng 21-6.
"Đa số các anh chị này đều đã lớn tuổi, là cán bộ của xã đảo ở xa đất liền, điều kiện học tập rất khó khăn. Nếu anh chị khó khăn về chỗ ở trong thời gian thi, chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ" - thầy Hợp chia sẻ.
Theo ghi nhận từ một số địa phương, việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 được chăm chút kỹ lưỡng trên nhiều mặt để tạo thuận tiện tối đa cho thí sinh và đảm bảo an toàn cho kỳ thi.
Quảng Bình: ưu tiên hỗ trợ thí sinh dân tộc ít người
Điểm thi Trường THCS và THPT Hóa Tiến thuộc xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa là một trong những điểm thi xa nhất của tỉnh Quảng Bình. Điểm thi này sẽ có 91 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 22 em là con em các dân tộc ít người ở ba xã biên giới Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn.
Sáng 23-6, trường sẽ tập trung 22 học sinh này về tại trường. Nhà trường sẽ cử người phục vụ việc nấu ăn cho số học sinh này và cho ở lại tại khu nhà bán trú của trường từ đó cho đến hết kỳ thi.
Ông Đinh Quý Nhân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, cho biết kỳ thi này sở chủ trương yêu cầu hỗ trợ hết sức cho các điểm thi có thí sinh người dân tộc ít người tham gia thi. Thí sinh đang học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cũng sẽ được sở hỗ trợ phương tiện đi lại đến các điểm thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận