21/09/2017 10:00 GMT+7

2 vợ chồng cùng “hái vàng” ASEAN Para Games

T.PHÚC
T.PHÚC

TT - Xa hai con nhỏ và gác lại công việc làm ăn, vợ chồng Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải dồn mọi quyết tâm giành nhiều huy chương tại ASEAN Para Games 2017 ở Malaysia.

Chị Hải chăm sóc cho anh Hùng trên sân tập. Ảnh: T.P

Họ là cặp đôi vàng của điền kinh người khuyết tật VN. Nói vậy bởi Hải từng đoạt hơn 10 HCV ở các kỳ ASEAN Para Games kể từ năm 2005. Nhưng bộ sưu tập của Hùng còn ấn tượng hơn khi trong đó có cả chiếc HCĐ tại Paralympic Rio 2016.

Trên sân Bukit Jalil ngày 20-9, Hải thu hút mọi sự chú ý với cú ném lao xé gió và rơi cách chị 22,05m. Chỉ một cú ném này đủ giúp Hải đánh bại mọi đối thủ và giành HCV ném lao nữ hạng thương tật F56/57. Đây là chiếc HCV thứ hai của Hải tại giải đấu này. Hùng cũng không kém vợ khi đã giành được 1 HCV ném lao và 1 HCB ném đĩa nam hạng thương tật F57.

Dù đôi chân teo tóp nhưng Hùng rất năng động trong cuộc sống. Công việc trước đây của anh là bán quán phở và bán hàng qua mạng. Hải cũng là cô gái đầy nghị lực. 18 tuổi, cô rời gia đình ở Nghệ An xin vào mái ấm TP.HCM để học việc và có được tấm bằng trung cấp dược để bán thuốc tây. Cuộc sống của họ là rất ổn định so với những người khuyết tật khác.

Đôi vợ chồng vàng của điền kinh khuyết tật VN. Ảnh: T.P

Nhưng vì đam mê thể thao, hai vợ chồng gác mọi công việc để tập luyện. Nhà trống có thể nhờ người trông hộ nhưng khó nghĩ nhất là hai đứa con nhỏ (cháu lớn mới lên 3, còn cháu nhỏ chỉ hơn 1 tuổi).

Mất nhiều tháng đắn đo, cả hai vợ chồng mới đi đến quyết định gửi con về quê ngoại ở Nghệ An để đi thi đấu. “Con còn nhỏ nên vợ chồng tôi vừa nhớ lại vừa lo. Tôi cũng không dám điện thoại về nhiều, mỗi ngày chỉ hỏi thăm với ngoại của chúng là chính. Cứ nghĩ đến hai con khóc đòi mẹ là tôi muốn rơi nước mắt” - Hải chia sẻ.

Biến nỗi buồn thành sức mạnh, hai vợ chồng luôn giúp nhau trên sân tập. Chúng tôi từng theo chân họ trong một buổi tập trước ngày lên đường tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM. Vì mỗi lần ngồi lên ghế đấu phải ràng buộc rất vất vả nên mỗi khi Hùng ngồi ném thì Hải đi lượm dụng cụ, giúp chồng lau mồ hôi, uống nước. Và Hùng cũng làm điều ngược lại khi Hải ngồi ném.

Nguyễn Thị Hải giành HCV ném lao nữ F56/57. Ảnh: T.P

“Ngày xưa đi tập luyện hay thi đấu chỉ lo cho mình là chính, buồn vui cũng khó chia sẻ hết với ai. Bây giờ hai vợ chồng cùng thi đấu có thể giúp nhau nhiều, nhất là chúng tôi cùng thương tật, cùng nội dung nên anh Hùng có thể chỉ thêm cho tôi rất nhiều. Tôi cảm thấy vui vì điều này” - Hải nói.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đang mạo hiểm với chính “chén cơm” của gia đình mình vì chỉ có giành được huy chương mới có tiền thưởng. Điều này xuất phát từ việc cả hai không được hưởng lương như VĐV bình thường mà chỉ có chế độ ăn, tập trước ngày thi đấu.

Từ đây, Hùng nói: “Hết ASEAN Para Games, chúng tôi cũng không còn thu nhập gì. Hai vợ chồng tôi phải lao vào cuộc mưu sinh, tìm cái ăn cho gia đình. Nếu giành nhiều huy chương, có thể tôi sẽ mở tiệm tóc để hai vợ chồng cùng làm, bắt đầu ổn định cuộc sống lo cho tương lai hai con”.

Kình ngư Trịnh Thị Bích Như đã phá kỷ lục ASEAN Para Games

Ngày 20-9, các VĐV VN đã giành được thêm 7 HCV ở các môn bơi lội (3 HCV), điền kinh (3 HCV) và cờ vua (1 HCV). Ấn tượng nhất là kình ngư Trịnh Thị Bích Như đã phá kỷ lục ASEAN Para Games ở nội dung 100m ếch nữ hạng thương tật SB5.

Với kết quả này, VN tạm xếp thứ tư toàn đoàn với 25 HCV, lần lượt xếp sau Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Indonesia tiếp tục bứt phá trên ngôi nhất bảng, bỏ xa các đoàn phía sau với 65 HCV.

T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên