Ông Khuất Việt Hùng, thiếu tướng Lê Xuân Đức và bà Phan Thị Thu Hiền - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Trình bày tại cuộc họp báo triển khai thực hiện chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và nghị định 100/2019/NĐ-CP, ông Đức cho biết:
Nghị định 100 có hiệu lực sau 2 ngày Thủ tướng ký ban hành, thể hiện tính cấp bách đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Sau 2 tuần triển khai thực hiện nghị định 100, cảnh sát giao thông tập trung xử phạt theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông được dư luận xã hội hết sức quan tâm, và tai nạn giao thông giảm sâu cả số vụ, số người bị chết, người bị thương.
Cụ thể, từ ngày 1 đến 15-1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng.
"Những ngày qua không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan rượu bia. Trong khi dịp này những năm trước thường xảy ra những vụ lái xe uống rượu tông chết nhiều người", tướng Đức nhận định.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết số liệu trên lấy từ báo cáo của 63 địa phương. "Chúng tôi tin rằng số liệu phản ánh đúng thực tế hiện nay. Chúng ta đi qua các quán rượu, bia, thấy lượng người uống cũng giảm. Rõ ràng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và nghị định 100 đã đi vào cuộc sống, được người dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật", ông Đức nhận định.
Theo ông Đức, trong dịp Tết và thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện nghiêm túc xử phạt vi phạm nồng độ cồn và các vi phạm khác, theo tinh thần không nể nang, không có vùng cấm mà chỉ thị 03 được Thủ tướng ban hành ngày 16-1 đã nêu.
Liên quan đến câu hỏi người uống rượu bia có thể xác định được sau khi uống bao lâu thì nồng độ cồn trong máu bằng 0 để lái xe, ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế - cho biết nồng độ cồn trong cơ thể phụ thuộc vào tửu lượng và số lượng, tần suất sử dụng, mức độ đào thải cồn, sức khỏe của từng người khác nhau, nên không có công thức chung. Hiện nay, trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định sau khi uống rượu bia bao nhiêu thời gian thì nồng độ trong máu bằng 0. Tốt nhất là không nên uống rượu bia trước khi lái xe.
Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tính 1 đơn vị cồn là khoảng 2/3 lon bia, sẽ đào thải hết trong 1-2 giờ đối với một người đàn ông bình thường, và 3-4 giờ với phụ nữ. Nếu uống 10 lon bia, mức độ đào thải sẽ lâu hơn.
"Trong chuyến tập huấn về nồng độ cồn ở Quảng Ninh mấy năm trước, tôi từng uống thử 15 đơn vị cồn, kết thúc lúc 21h30. Đến 8h sáng hôm sau, thổi kiểm tra không thấy nồng độ cồn. Lúc đó tôi đang khỏe, nhưng nếu uống 1 tuần liên tục như thế thì đến trưa hôm sau chưa chắc đã đào thải hết", ông Hùng cho biết thêm.
Liên quan đến nghi ngại mức phạt càng cao, khả năng chung chi giữa người vi phạm và người thực thi công vụ càng nhiều, thiếu tướng Lê Xuân Đức cho rằng nên đặt niềm tin vào người thi hành công vụ. Với các quy định pháp lý, sự giám sát của người dân bao trùm lên lực lượng thực thi công vụ. Ông nói: "Quan điểm của chúng tôi là ai vi phạm sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với người vi phạm và cả lực lượng thực thi pháp luật vi phạm. Hai tuần vừa qua chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào về tiêu cực của người thực thi công vụ trong đó có cảnh sát giao thông".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận