23/11/2019 10:40 GMT+7

2 tuần dông bão của ông Trump

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Phiên điều trần công khai trước Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ ngày 21-11 (giờ Mỹ) đánh dấu kết thúc 2 tuần dông bão gồm 7 phiên điều trần công khai trong tiến trình luận tội Tổng thống Donald Trump.

2 tuần dông bão của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Trump luôn khẳng định ông không làm gì sai và tuyên bố sẵn sàng làm chứng trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản - Ảnh: AFP

Phe Dân chủ tin rằng đã nắm trong tay đủ bằng chứng buộc tội Tổng thống Trump hành xử không đúng mực khi yêu cầu Ukraine điều tra cha con cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ chính trị của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. 

Tuy nhiên, phe ông Trump tự tin tuyên bố mong tiến trình được đẩy lên Thượng viện, bởi vì nơi duy nhất có quyền bãi nhiệm ông lại đang nằm trong tay Đảng Cộng hòa.

Chúng ta phải luận tội ông Trump nhưng chúng ta bãi nhiệm ông ta như thế nào lại là vấn đề khác.

Nhan đề của một bài bình luận trên Washington Post trước khi bắt đầu các cuộc điều trần công khai như dự đoán trước kết cục của cuộc luận tội thứ tư trong lịch sử Mỹ.

Thiếu một mảnh ghép quan trọng

Hàng chục giờ điều trần với hơn một chục nhân chứng, nhiều đoạn email và tin nhắn được trưng ra trong 2 tuần qua cho thấy ông Trump rõ ràng có ra lệnh cho các quan chức cấp dưới làm việc trực tiếp với luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani về các vấn đề liên quan đến Ukraine, một quốc gia phụ thuộc sâu sắc vào sự giúp đỡ của Washington.

Đoạn rã băng cuộc điện đàm ngày 25-7 giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho thấy tổng thống Mỹ đã gợi ý Kiev mở một cuộc điều tra nhắm vào đối thủ chính trị của ông. 

Và thêm một điều nữa, các quan chức Mỹ lẫn Ukraine đều có cùng một nỗi sợ rằng ông Trump sẽ đóng băng khoản viện trợ gần 400 triệu USD nếu Kiev không công khai tuyên bố đang điều tra cha con ông Joe Biden.

Tất cả những mảnh ghép này vẽ ra gần như hoàn chỉnh chân dung một ông Trump sẵn sàng tận dụng quyền lực tổng thống để tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài nhằm triệt hạ đối thủ chính trị trong nước. Nhưng, bức tranh này vẫn còn thiếu một mảnh ghép vô cùng quan trọng.

Không một ai trong số những người ra làm chứng đưa ra được bằng chứng cho thấy ông Trump đã trực tiếp ra lệnh hoãn viện trợ cho Ukraine để đổi lấy một cuộc điều tra của Kiev nhắm vào ông Biden. 

Nói một cách khác, không ai chứng minh được có sự "đổi chác" giữa ông Trump và chính phủ mới ở Ukraine. Xuyên suốt các cuộc điều trần công khai, phe Dân chủ đã cố gắng làm rõ điều này, nhưng mọi thứ đều mơ hồ, kể cả khi đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland thừa nhận đã "làm theo chỉ đạo của ông Trump", ông không đưa ra được bằng chứng trực tiếp cho lời khẳng định "có sự đổi chác".

Đây là mấu chốt của vấn đề, bởi nếu thiếu đi điều này, phe Dân chủ sẽ không thể chứng minh được ông Trump đang sử dụng tiền bạc và ảnh hưởng của nước Mỹ để tìm kiếm lợi ích cá nhân từ nước khác.

Phe Trump họp bàn chiến thuật

"Chuyện ông ta làm còn tệ hơn những gì Richard Nixon đã từng làm" - Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff nêu quan điểm sau phiên điều trần công khai cuối cùng ngày 21-11. Cựu tổng thống Cộng hòa Nixon đã từ chức vào năm 1974 trước nguy cơ bị bãi nhiệm vì bê bối Watergate. Năm đó, Đảng Dân chủ nắm cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Quay trở lại hiện tại, sẽ không khó khăn để những người Dân chủ đẩy tiến trình luận tội ông Trump lên Thượng viện vì Hạ viện đang do họ kiểm soát. Theo nhận định của giới quan sát, phe Dân chủ chắc chắn có thể luận tội ông Trump ít nhất 3 điểm: lạm dụng quyền lực tổng thống để tư lợi, hối lộ và cản trở công lý.

Nhưng bãi nhiệm Tổng thống Trump lại là câu chuyện khác vì đây là đặc quyền của Thượng viện và cơ quan này lại đang nằm trong tay của phe Cộng hòa liên tục bảo vệ ông Trump.

"Tổng thống Trump muốn có một phiên tòa tại Thượng viện vì nó rõ ràng là nơi duy nhất mà ông có thể mong đợi sự công bằng và nhận được thủ tục tố tụng theo đúng hiến pháp" - người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley nhấn mạnh trong một tuyên bố tối 21-11 (giờ Mỹ).

Phe Cộng hòa và ông Trump dường như đã chuẩn bị sẵn tư thế rằng cuộc luận tội sẽ được đẩy lên Thượng viện. Các nguồn thạo tin của Washington Post tiết lộ một nhóm các thượng nghị sĩ Cộng hòa và quan chức cấp cao Nhà Trắng đã bí mật gặp nhau trong cùng ngày 21-11 để bàn về chiến thuật tiếp theo.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống 2020 đang đến gần, Đảng Cộng hòa không muốn mất quá nhiều thời gian vào cuộc luận tội. 

"Thượng viện sẽ bắt đầu tiến trình quyết định có bãi nhiệm hay tha bổng ông Trump sớm nhất vào đầu tháng 1 năm sau nếu Hạ viện bỏ phiếu trong tháng 12 và toàn bộ quá trình này dự kiến sẽ chỉ kéo dài 2 tuần" - nguồn tin của Washington Post khẳng định.

Kịch bản không tưởng

Theo Hãng thông tấn AP, vẫn chưa rõ phe Dân chủ có tổ chức các cuộc điều trần kín bổ sung để thu thập thêm bằng chứng hay không. Quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là những người kề cạnh ông Trump nên được cho là có đủ khả năng bổ sung những chỗ thiếu. Nhưng cả hai đã nói không với việc ra làm chứng.

Chưa có một tổng thống nào rời khỏi Nhà Trắng vì kết quả trực tiếp của tiến trình luận tội. Để bãi nhiệm được ông Trump, cần ít nhất 67 phiếu thuận tại Thượng viện.

Đảng Cộng hòa hiện đang chiếm 53 ghế trong khi Đảng Dân chủ có 45 ghế nhưng thường nhận được sự hỗ trợ từ 2 thượng nghị sĩ độc lập nên có thể xem là đang giữ 47/100 ghế.

Như vậy, để cho ông Trump "về vườn", ít nhất 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ phải đứng về phe Dân chủ. Đây rõ ràng là một kịch bản không tưởng.

Vụ luận tội ông Trump: Tổng thống Ukraine nói "quá mệt mỏi" Vụ luận tội ông Trump: Tổng thống Ukraine nói 'quá mệt mỏi'

TTO - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng đất nước của ông ‘quá mệt mỏi’ với những câu hỏi liên quan tới cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Trump, giữa bối cảnh chính trường Mỹ tiếp tục nóng lên với các phiên điều trần công khai.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên