Một bộ phận máy bay được trục vớt - Ảnh: H.V.S |
“Rất đau buồn, nhưng chúng tôi đánh giá hai phi công là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú gần như không còn khả năng sống sót. Khả năng rất cao là hai máy bay đã nổ trước khi rơi xuống biển. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tập trung lực lượng, với khả năng cao nhất để cố gắng tìm được hai phi công và các mảnh vỡ của máy bay” - trung tướng Võ Văn Tuấn nói.
* Trong ngày thứ năm tìm kiếm, có thêm những kết quả nào thưa ông?
- Các lực lượng đã vớt thêm được một số mảnh vỡ máy bay, ống dẫn khí, đặc biệt là vớt được ghế dù của phi công và xác định được vị trí của một mảnh vỡ khá lớn nhưng chưa xác định được là bộ phận nào. Kết quả cần nhất là việc xác định vị trí hai phi công thì đến lúc này vẫn chưa xác định được.
* Có khả năng phi công rơi ra khỏi máy bay không, thưa ông?
- Hiện nay chưa có đầy đủ chứng cớ và chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm.
* Hai máy bay chiến đấu cùng rơi một lúc trong khi cùng nhau diễn tập, ông có đánh giá gì về điều này?
- Hai máy bay có thể đã va chạm với nhau trước khi rơi. Đây là khả năng cao nhất.
* Thưa ông, trong vòng chưa đầy một năm, đã có bốn vụ máy bay quân sự rơi khi đang huấn luyện (máy bay MI 171 rơi ở Hà Nội làm 18 người chết, tháng 8-2014; máy bay UH1 rơi ở TP.HCM làm bốn người chết, tháng 1-2015; máy bay MI 8 rơi làm ba người bị thương vào tháng 3-2015 và hai máy bay SU-22 rơi làm hai phi công mất tích vào tháng 4-2015, cùng ở khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận - PV). Có bài học nào cần rút ra sau những vụ tai nạn này?
- Đây cũng là điều mà bộ trưởng Bộ Quốc phòng có văn bản chỉ đạo, giao Bộ Tổng tham mưu chủ trì, rà soát kiểm tra và sau những tai nạn này buộc phải đánh giá lại toàn bộ tình hình liên quan đến tất cả các mặt.
Từ con người trực tiếp công tác chỉ huy, công tác bảo đảm, chất lượng của phi công cũng như các công tác phối hợp điều hành, đảm bảo an toàn theo đúng quy định của điều lệ bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận