19/12/2017 09:37 GMT+7

2 lý do khiến người Việt ngày càng 'xấu xí'

TÙNG LÂM
TÙNG LÂM

TTO - Theo bạn đọc Tùng Lâm, tâm lý nể nang, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh khiến nhiều người Việt trong mắt du khách nước ngoài.

2 lý do khiến người Việt ngày càng xấu xí - Ảnh 1.

Đọc bài viết "Nhiều người Việt giành cái lợi về mình,không nghĩ đến ai!" và rất nhiều bình luận của bạn đọc, tôi cứ suy nghĩ hoài. Vì sao nhiều người Việt chúng ta lại xấu xí đến vậy? Nguyên nhân là do đâu? 

Để nhiều người Việt không thể bất chấp tất cả, giành bằng được cái lợi về mình thì phải giải quyết được cả hai nguyên nhân dưới đây mà quan trọng nhất là phải thực thi luật pháp một cách nghiêm minh".

Tùng Lâm

Theo tôi, nhiều người Việt có thể giành được cái lợi về mình như: giành được quyền đi trước nhờ bóp còi inh ỏi, mở được nhạc ồn ào tra tấn lỗ tai người khác, mở được tiệc giữa lối đi chung, chen ngang được để tính tiền ở siêu thị trước những người đã kiên nhẫn xếp hàng… chủ yếu là do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất: tâm lý nể nang, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý của người Việt nói chung

Thực tế thì đây đã là một nét tính cách khó sửa của nhiều người Việt Nam chúng ta. Chính tôi cũng vậy. Tôi đang ở trong một khu dân cư văn hóa của thành phố chứ không phải vùng quê hẻo lánh nào. Hàng xóm của tôi trung bình cứ đều đặn một tuần 2 lần "chiêu đãi" cả xóm bằng đại tiệc Karaoke từ 20 giờ đến 23 giờ, có khi còn tới 24 giờ. 

Tôi và nhiều người thấy khó chịu lắm nhưng chưa một lần sang nhắc nhở vì ngại va chạm, sợ mất tình cảm xóm giềng. Nhiều lần, tôi cố đóng kín hết các cửa, cố dỗ dành mình thôi ngủ đi hay cùng lắm là đi lánh nạn. 

Khó chịu lắm chứ nhưng nói ra biết đâu người ta giận mình mà cái giống đã không ưa nhau thì rồi sau này sinh ra nhiều chuyện khó chịu khác nữa. Thôi thì cố chịu cho xóm giềng bình an.

Hay có lúc bị ai đó chen ngang tính tiền ở siêu thị, tôi và nhiều người khác dù không hài lòng nhưng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, gặp người bình thường còn biện hộ lý do nọ kia xin được tính trước chứ gặp người mặt dày dù có nhắc nhưng xem như điếc, quyết chen ngang bằng được thì rồi cũng thôi. Có ai nắm tay kéo kẻ chen ngang xuống cuối hàng đâu.

Thứ hai: luật pháp đã có nhưng thực thi chưa nghiêm minh.

Chính phủ đã ban hành quy định về việc xử lý các đối tượng gây ô nhiễm âm thanh theo các mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đối với việc mở nhạc to sau 22 giờ đêm cho tới cao nhất là phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA. 

Thẩm quyền xử phạt là UBND cấp xã (phường) nơi cư trú. Nhưng thực tế thì sao?

Phàn nàn với ông tổ trưởng tổ dân phố, ông tổ trưởng khuyên: hàng xóm nên nhắc nhở thôi, đừng làm lớn chuyện làm gì, có khi ông tổ trưởng còn nghe xong để đó, chẳng thèm nhắc nhở người gây ồn ào. Ủy ban phường xã thì kêu khó vì không có thiết bị đo mức độ tiếng ồn. 

Cuối cùng là huề cả làng. Ai mở nhạc to, trổ tài ca hát cứ hát, ai không muốn nghe cũng cứ phải nghe.

Chính bởi vì luật pháp không được thực thi nghiêm minh nên mới dẫn đến những hậu quả đau lòng. Người bị tiếng ồn tra tấn lâu ngày bức xúc, chính quyền không xử thì tui xử, vác gậy ra đập loa và thế là xô xát. 

Người gây ra tiếng ồn thì thách thức công an còn không hỏi thăm tôi, hàng xóm lấy quyền gì mà ngăn cản tôi, thậm chí là đánh lại kẻ nào dám ý kiến. Lâu dần rồi làm cho ai muốn góp ý tự thấy sợ.

Ra đường cũng vậy, gặp đứa bóp còi inh ỏi, nẹt pô xịt khói vào mặt, chen lấn thiếu ý thức nhưng thừa sự hung hãn nào đó liệu mọi người có dám góp ý không? 

Nếu công an xử nghiêm những kẻ đó thì người khác đâu phải khó xử đứng trước hai lựa chọn sinh tử: góp ý sẽ bị đánh còn không nói thì ấm ức trong lòng.

Vậy nên, để nhiều người Việt không thể bất chấp tất cả, giành bằng được cái lợi về mình thì phải giải quyết được cả hai nguyên nhân nói trên mà quan trọng nhất là phải thực thi luật pháp một cách nghiêm minh. 

Nếu chỉ đợi sự tự giác, tự ý thức của mỗi người mà không sử dụng đến công cụ là luật pháp e rằng sẽ còn tiếp diễn tình trạng đổ máu vì tiếng ồn, giết người vì nẹt pô xe máy!

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Theo bạn, ngoài 2 lý do nêu trên, còn nguyên nhân nào khác? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

TÙNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên