Báo cáo mới đây gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức trong đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính.
Trong đó, giá các loại nhiên liệu có giảm so với năm 2022, song vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2020-2021.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nước về các hồ thủy điện rất thấp, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài... tác động đến việc đảm bảo cung ứng điện.
Tăng giá điện vẫn không cân bằng được tài chính
Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng...
Kết quả là điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 271,04 tỉ kWh, tăng 3,43% so với năm 2022; điện thương phẩm ước đạt 252,6 tỉ kWh, tăng 4,08% so với cùng kỳ 2022.
Sau hai lần điều chỉnh tăng giá điện thêm 3% và 4,5% trong năm nay, giá bán điện bình quân năm 2023 toàn tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 68,48 đồng/kWh so với năm 2022.
Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỉ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022.
Dù tăng giá điện, song EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính là 17.000 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỉ đồng.
Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 622.000 tỉ đồng (bằng 93,4% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 206.000 tỉ đồng (bằng 91,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tập đoàn này nộp ngân sách 21.000 tỉ đồng.
Theo tập đoàn này, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.
Nhiều khó khăn trong triển khai các dự án
Với các công trình, dự án nguồn điện lớn được EVN triển khai như: Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng, thủy điện Hòa Bình mở rộng và nhiệt điện Quảng Trạch I.
Các dự án thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái, nhiệt điện khí LNG Quảng Trạch II... được xúc tiến đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn.
Ngoài ra, EVN cũng hoàn thành nhiều dự án lưới điện quan trọng để tăng nhập khẩu điện từ Lào; giảm tải công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại miền Trung, miền Nam và nguồn thủy điện nhỏ miền khu vực phía Bắc…
Đồng thời tập trung mọi nguồn lực để triển khai đầu tư các dự án lưới điện cấp bách như đường dây 500kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối, đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ…
Nhìn nhận các hạn chế trong năm 2023, EVN nhắc lại việc để xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình vận hành hệ thống điện thay đổi nhanh chóng khi phụ tải tăng cao; lưu lượng nước về các hồ giảm thấp đột ngột.
Các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố nhiều, một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than.
Cộng thêm việc sụt giảm mực nước các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã gây thiếu hụt nguồn cung, phải thực hiện tiết giảm phụ tải.
Những khó khăn được EVN nêu ra, đó là việc thu xếp vốn vay cho các dự án gặp vướng mắc, công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án.
Với một số dự án lưới điện, có khó khăn trong thỏa thuận hướng tuyến, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng...
EVN cho hay năm 2024 sẽ bám sát nhu cầu phụ tải, duy trì vận hành an toàn, ổn định hệ thống, đảm bảo cung ứng điện, đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng.
Tập đoàn này kiến nghị sớm phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN, thực hiện tách A0, giải quyết vướng mắc triển khai các dự án để đẩy nhanh tiến độ công trình, các đơn vị liên quan đảm bảo cấp than cho điện...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận