Các trang đánh bài trên mạng (ảnh minh họa) - Ảnh: T.T.D.
Theo kết luận điều tra, ông "trùm" được chính cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát giới thiệu cho cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa để thành lập công ty bình phong.
Đổi lại, ông trùm này "lại quả" cho 2 cựu tướng công an hàng chục tỉ đồng.
Lập công ty bình phong, chia lợi nhuận
Từ giữa năm 2011, ông Vĩnh chỉ đạo ông Hóa lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong. Ông Hóa đã cho xây dựng "đề án thành lập công ty bình phong trực thuộc C50 phục vụ các hoạt động nghiệp vụ và công ích".
Ngày 15-9-2011, ông Hóa trình ông Vĩnh: "Đề nghị thành lập công ty bình phong theo mô hình TNHH, C50 góp 20% cổ phần và cử đại diện phần góp vốn tham gia vào công ty phụ trách công nghệ thông tin". Tờ trình đã được lãnh đạo có bút phê "đồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đã quy định".
Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để thành lập công ty. Ngày 30-9-2011, Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) và làm chủ tịch HĐTV.
Sau đó, các bên ký bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, lợi nhuận thu được sẽ chia: CNC 80% và C50 20%. Dương là người đại diện, thay mặt C50, được lập và ký tên các giấy tờ tài liệu. Trên thực tế C50 không góp vốn và không cử cán bộ tham gia.
Tháng 5-2012, Dương có văn bản gửi ông Vĩnh và Hóa báo cáo về hiện trạng cờ bạc trực tuyến tại VN, trong đó đề nghị tạo điều kiện để CNC làm việc với đối tác Tamtay phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet.
Tiếp đó, Dương có tờ trình xin sử dụng trụ sở tại số 10 Hồ Giám, Q.Đống Đa (Hà Nội). Ông Hóa ký văn bản gửi Cục Chính trị hậu cần đề xuất sử dụng tầng 4 tại trụ sở này và được ông Vĩnh đồng ý.
Ngày 27-11-2013, Dương báo cáo sơ kết 2 năm hoạt động của CNC gửi ông Hóa, trong đó đề nghị C50 hỗ trợ đưa các game bất hợp pháp sử dụng cổng Sspay của CNC là cổng duy nhất. Ông Hóa có bút phê và chuyển cho trưởng phòng tham mưu khi đó là ông Võ Tuấn Dũng.
Dũng thấy đề xuất của CNC là vi phạm pháp luật nên đã báo cáo lại ông Hóa nhưng ông Hóa không trả lời mà chỉ lưu hồ sơ.
Nhiều lần ngăn cản điều tra
Đầu năm 2015, biết CNC là công ty bình phong của C50, nên đã gặp và đề nghị hợp tác phát hành game bài Rik Vip và được đồng ý. Tiếp đó Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng ký hợp đồng với để khai thác game bài cờ bạc này.
Ngay ở thời điểm này, cán bộ của phòng 2, C50 phát hiện game bài có dấu hiệu tổ chức đánh bạc và đánh bạc nên báo cáo lãnh đạo phòng. Lãnh đạo phòng 2 đề xuất ông Hóa giao phòng 2 tổ chức xác minh, xử lý nhưng ông Hóa phớt lờ.
Đầu năm 2016, ông Hóa trao đổi với ông Vĩnh về ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho CNC thực hiện.
Để có điều kiện thực hiện, CNC cần tập trung xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để "thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm và có nguồn thu để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ".
Qua đó, Dương đề xuất để CNC xây dựng mô hình cổng các trò chơi trực tuyến, thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo và ví điện tử của CNC.
Sau đó ông Vĩnh có bút phê chuyển ông Hóa nghiên cứu và đề xuất. Nhưng khi ông Hóa báo cáo CNC vận hành 2 cổng game Rikvip.com và 23zdo.com không có phép, ông Vĩnh đã chỉ đạo làm văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Bộ TT-TT để hợp pháp hóa 2 cổng game này.
Theo kết luận điều tra, tháng 5-2016, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo về hoạt động của CNC và sự hợp tác của công ty này với VTC Online liên quan đến 2 game bài không phép và có dấu hiệu đánh bạc trá hình.
Sau khi nhận được công văn, ông Vĩnh biết CNC liên kết với VTC Online vận hành game bài RikVip là tổ chức đánh bạc nhưng không báo cáo lãnh đạo bộ theo yêu cầu, cũng không chỉ đạo điều tra để xử lý.
Thậm chí khi báo cáo ông Vĩnh cho rằng 2 game bài đã được cấp phép nhưng thực tế Bộ TT-TT chưa cấp phép.
Do ông Vĩnh và ông Hóa không báo cáo theo yêu cầu, lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục ký công văn yêu cầu báo cáo lần hai (cách thời điểm lần 1 là 50 ngày). Khi đó ông Hóa mới yêu cầu CNC chấm dứt hoạt động 2 game bài trá hình.
Tiếp đó ông Hóa có văn bản báo cáo ông Vĩnh việc 2 game bài có dấu hiệu đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đề xuất điều tra, xử lý.
Ông Vĩnh cũng có bút phê đồng ý báo cáo và đưa kế hoạch bóc dỡ này. Tuy nhiên trên thực tế Tổng cục Cảnh sát và C50 đều không xây dựng kế hoạch báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và không có một hoạt động điều tra xác minh nào đến hoạt động cờ bạc trá hình trên.
Tháng 9-2016, ông Dương và Phan Sào Nam thống nhất đổi tên game bài RikVip thành Tip.clup và tiếp tục tổ chức đánh bạc trực tuyến.
Thời điểm này, ông Hoàng Xuân Phóng - trưởng phòng 2, C50 - báo cáo ông Hóa về việc game bài này hoạt động cờ bạc nhưng ông Hóa tiếp tục im lặng.
Không những thế, ông Hóa còn có văn bản trình ông Vĩnh về việc báo cáo bộ trưởng tiếp tục cho 2 game bài này được hoạt động. Ông Vĩnh có bút phê chuyển lại cho ông Hóa ký và báo cáo. Sau đó ông Hóa ký ban hành văn bản nhưng lại không trình bộ trưởng.
Các nhà mạng hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng
Cơ quan điều tra cũng xác định các công ty Viettel, VinaPhone, MobiFone đã vi phạm quy định, sử dụng thẻ cào viễn thông nạp vào các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông của công ty, tạo điều kiện cho Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính với số tiền lớn.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý ở giai đoạn 2 nếu đủ căn cứ chứng minh phạm tội.
Tổng số tiền các nhà mạng được hưởng là hơn 1.232 tỉ đồng, trong đó Viettel là hơn 913 tỉ, VinaPhone hơn 147 tỉ, MobiFone là hơn 171 tỉ.
Đây là số tiền được hưởng từ hoạt động tội phạm tổ chức đánh bạc thông qua hợp đồng chấp nhận thanh toán cho game bài RikVip/Tip.Clup, vi phạm nghị định số 25 của Chính phủ.
Căn cứ vào các quy định liên quan và giải trình của các nhà mạng, Cơ quan ANĐT đề nghị tịch thu số tiền hưởng lợi của các nhà mạng viễn thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận