Đất hiếm - "linh hồn" của các con chip, thứ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại - đang được cả thế giới, từ quốc gia, nhà chính trị đến doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm, nhưng tại Việt Nam, nó lại đang bị đào trộm, đúng hơn là quản lý lỏng lẻo, lãng phí như điều tra "Buôn bán ngầm đất hiếm" của Tuổi Trẻ (từ ngày 28-6). Thật lạ, khoáng sản - tài nguyên quốc gia phải được quản lý chặt, với đất hiếm - từ vị thế chiến lược của nó - càng phải quản chặt hơn, vậy mà...
Trả lời Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty đất hiếm tỏ ra tiếc nuối vì trên thế giới đất hiếm được sử dụng trong công nghiệp mang lại giá trị cả ngàn tỉ USD, trong khi Việt Nam lại đứng ngoài cuộc. Ngay cả mỏ đất hiếm được cấp phép khai thác từ chín năm trước đến nay vẫn "lạnh tanh".
Nhưng nói "đứng ngoài" hay "lạnh tanh" chỉ là phần nổi, còn phần chìm, thị trường ngầm thì rầm rộ. Thật xót xa khi từ năm 2014 đến nay một khối lượng đất hiếm ở mỏ Đông Pao (Lai Châu) - mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam - đã bị đào trộm. Như vậy, Việt Nam đã chịu hai cái mất. Một là tài nguyên bị đào trộm, Nhà nước thất thu.
Cái mất thứ hai lớn hơn, đó là đất hiếm được bán dưới dạng nguyên liệu thô cho nước ngoài tinh chế và làm giàu. Có ai xót xa cho cái cảnh chảy máu hai lần này? Mà vụ việc đâu phải mới diễn ra, nó kéo dài nhiều năm. Đã có bao nhiêu đất hiếm bị đào trộm, xuất lậu? Chẳng ai rõ.
Con số Việt Nam có khoảng 20 triệu tấn, chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, liệu có ý nghĩa gì khi nạn chảy máu đất hiếm hai lần này vẫn tiếp diễn và kéo dài?
Từ thực tế đau xót này, có hai câu hỏi cần nêu ra mà các cơ quan phải trả lời. Thứ nhất là khi nào mới chấm dứt nạn "chảy máu" đất hiếm và phải làm gì trước "phong trào" đào trộm đất hiếm đang lan rộng?
Bởi vì nếu không chấn chỉnh, khi đất hiếm càng có giá dễ "kích động" phong trào đào trộm trở thành "cơn lốc" săn lùng đất hiếm. Nếu điều đó xảy ra sẽ là tai họa. Câu hỏi thứ hai là chiến lược khai thác đất hiếm của Việt Nam ra sao, khi nào và bao giờ?
Chẳng lẽ chỉ vì lúng túng trong công nghệ chế biến mà chúng ta lại buông lỏng quản lý để đất hiếm bị đào trộm và chấp nhận đứng ngoài cuộc đua đưa đất hiếm trở thành chiến lược phát triển trong tương lai? Cả hai câu hỏi này cần được trả lời sớm, làm ngay, không thể chậm trễ.
Còn trước mắt, để bịt lỗ hổng chảy máu tài nguyên, khai thác có hiệu quả đất hiếm, cần bảo vệ nghiêm ngặt loại khoáng sản chiến lược này. Đặc biệt là xử lý nghiêm các đường dây buôn bán ngầm đất hiếm.
Với những mỏ đã được cấp phép nhưng hoạt động không có hiệu quả, cần thu hồi ngay. Những mỏ đã thăm dò đánh giá trữ lượng cần thu hút doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về chế biến cùng đầu tư liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước để phát triển công nghiệp đất hiếm theo hướng đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Chúng ta đang lãng phí tài nguyên, lãng phí cơ hội chiến lược với đất hiếm. Không thể để đất hiếm trở thành cơ hội làm giàu cho một nhóm người, tài nguyên quốc gia tiếp tục bị đánh cắp.
Phải suy nghĩ và thấu hiểu đất hiếm là "linh hồn" của những con chip để trả lời hai câu hỏi như đã nêu trên cũng như chấm dứt nạn hoang phí tài nguyên quốc gia với đất hiếm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận