Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự lễ khai mạc Đai hội Thi đua yêu nước lần thứ X - Ảnh: TTXVN
Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc trọng thể sáng 10-12 tại Trung tâm hội nghị quốc gia dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng trung ương.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và đọc diễn văn chào mừng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - Ảnh: TTXVN
Tham dự đại hội có 2.300 đại biểu gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ cùng các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ và các nhà khoa học
Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020, đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng trung ương và các đại biểu dự lễ khai mạc - Ảnh: TTXVN
Từ đó, đại hội khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng thời, đại hội phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
Trúc Nhi, Diệu Nhi xuất hiện ở Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc
Hàng nghìn bông hoa đẹp nhất, những người yêu nước nhất tụ hội trong một ngày hội vui của cả nước đã mang đến một niềm cảm hứng lớn cho tất cả người dân Việt Nam tiếp tục thi đua hăng say lao động, sáng tạo.
Đó là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, "anh hùng của đồng ruộng", cha đẻ của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới ST25. Trong suốt hơn 40 năm qua, ông đã đặt dấu chân mình trên biết bao cánh đồng để tìm ra những ưu việt của cây lúa dòng ST (Sóc Trăng) quê hương mình, rồi nghiên cứu ra những giống gạo mới vừa thơm ngon lại vừa thích ứng được với "biến đổi khí hậu"…
Là "kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô, người chưa học hết lớp 5 nhưng bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đi làm thuê ở các tiệm cơ khí, sự ham học hỏi, đặc biệt là nỗi trăn trở khi thấy người dân địa phương thiếu thốn phương tiện cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, ông đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương, được bà con tin dùng vì vừa đảm bảo năng suất vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Hay bông hoa giản dị - cô giáo 9x Hà Ánh Phượng đã từ bỏ công việc với mức lương cả nghìn đô la Mỹ ở thành phố để trở về quê hương, một huyện miền núi, dạy học, mở ra những lớp học tiếng Anh không biên giới cho các trẻ em miền núi.
Hàng nghìn bông hoa đẹp nhất tề tựu về đại hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Hay tấm gương xúc động của "chiến sĩ thi đua" Lê Văn Quyết (48 tuổi), Chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cùng cậu cháu ngoại mới 14 tuổi nhịn đói, bất chấp hiểm nguy rình rập, đã dầm mình trong nước lũ cuồn cuộn suốt 2 ngày để cứu hơn trăm người dân được an toàn, trong khi bản thân gia đình mình cũng đang gặp nạn.
Và đại tá Mai Hoàng hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sơn La, nơi luôn là điểm nóng về ma túy, phải đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy; em Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 10 đầu tiên đạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế… và hàng nghìn những bông hoa việc tốt khác trên cả nước cùng tụ hội về thủ đô hôm nay.
Trúc Nhi, Diệu Nhi xuất hiện tại đại hội - Ảnh chụp màn hình
Đặc biệt, câu chuyện về những bác sĩ thực hiện ca mổ tách rời cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi được mang tới đại hội đã gây nhiều xúc động cho người dự đại hội.
Cùng với câu chuyện này, Trúc Nhi, Diệu Nhi lẫm chẫm bước trên những bậc thềm trong hội trường trong cái nắm tay của cha mẹ khiến cả hội trường và cả những người xem trực tiếp trên truyền hình đều phải trao dâng niềm xúc động về một câu chuyện đẹp không chỉ về những thành tựu tuyệt vời của ngành y Việt Nam mà còn là vẻ đẹp của tình yêu thương mà cả nước đã dõi theo câu chuyện của hai em thời gian qua.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xem những hình ảnh trưng bày tại đại hội - Ảnh: TTXVN
Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả
Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm (2016 - 2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại hội cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trong cả nước với nội dung và hình thức ngày càng đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; thực hiện lời dạy của Bác "Càng khó khăn thì càng phải thi đua", hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.
Trong đó, phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", với nhiều mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả từ 1 đến 1 vài địa phương đã lan tỏa ra cả nước như: Mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018 - 2020; mô hình "Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu", "Vườn mẫu" tại tỉnh Hà Tĩnh...
Chương trình biểu diễn văn nghệ tại đại hội - Ảnh: TTXVN
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước và toàn xã hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỉ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 2 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.
Đó là 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, thành phố có 100% xã về đích nông thôn mới; một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu như dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình đã được triển khai ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%; so với đầu nhiệm kỳ có 32,5% xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 50% huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Phong trào "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển" được triển khai hiệu quả, khuyến khích khởi nghiệp, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trong 5 năm qua, có hơn 630.000 doanh nghiệp thành lập mới và ngày càng nhiều các doanh nghiệp đạt các danh hiệu "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nhận Thương hiệu quốc gia", "Doanh nghiệp vì người lao động"...
Phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến.
Trong 5 năm qua, đã khen tặng 343.727 huân, huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước (trong đó bao gồm cả Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân ưu tú, nhân dân); 28 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 308 Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và 380 Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Theo Phó Chủ tịch nước, thời gian qua, công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, hướng về cơ sở; quan tâm khen thưởng đối với tập thể nhỏ, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu...
Trong 5 năm qua, đã cơ bản hoàn thành khen thưởng kháng chiến; tổ chức phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với 20.334 bà mẹ; Huân chương độc lập cho 8.500 gia đình có nhiều hi sinh, cống hiến cho đất nước và phong tặng, truy tặng 267 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thời kỳ kháng chiến.
Trong khuôn khổ chương trình Đại hội đã diễn ra giao lưu, tôn vinh điển hình tiên tiến, đại diện Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - những gương mặt tiêu biểu trong số hơn 2.000 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020, những con người Việt Nam có thành tích nổi bật và đóng góp to lớn cho xã hội.
Đó là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, "anh hùng của đồng ruộng", "cha đẻ" của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới ST25.
Là "kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô, người chưa học hết lớp 5, nhưng đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Cô giáo Hà Ánh Phượng - top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, đã từ bỏ công việc đầy hấp dẫn ở thành phố với mức lương hậu hĩnh để trở về quê hương, một huyện miền núi, dạy học...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận