Đó là đánh giá của ông Nguyễn Đức Lợi - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, phó chủ tịch hội đồng Giải báo chí quốc gia, chủ tịch hội đồng sơ khảo - tại khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ 18 năm 2023, diễn ra chiều 16-4 tại Hà Nội.
"Chấm tác phẩm, không chấm cơ quan, tác giả báo chí"
Ông Nguyễn Đức Lợi cho biết hội đồng sơ khảo giải năm nay có cơ cấu giữ nguyên như năm ngoái; tuy nhiên các ủy viên hội đồng có sự điều chỉnh theo hướng đổi mới, kế thừa và đều là những người được hội đồng "chọn mặt gửi vàng".
"Tinh thần chấm giải là khách quan, vô tư, công khai, minh bạch; hội đồng chấm tác phẩm báo chí, không chấm cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí", ông nói.
Theo đánh giá sơ bộ, số lượng tác phẩm báo chí năm nay có thể dao động, có loại tăng rất nhiều so với năm ngoái, cũng có loại giảm hơi khó hiểu".
Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, số lượng tác phẩm tham dự chưa bao giờ nhiều đến thế. Theo ông Lợi, đó là điều đáng mừng.
Báo in đứng đầu số lượng tác phẩm dự giải
Cụ thể, theo bà Đỗ Thu Hằng - phó chủ tịch hội đồng sơ khảo giải, trưởng ban thư ký tổng hợp giải, tổng số tác phẩm gửi dự thi lần này là 1.905 (tăng 12 tác phẩm so với năm ngoái).
Trong đó, có 127 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Sau khi sơ loại 78 tác phẩm, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia vòng sơ khảo theo quy định.
Giải báo chí quốc gia năm nay có 11 nhóm giải.
Trong đó báo in có ba nhóm giải, gồm giải tin bài, bài phản ánh, phỏng vấn (có 296 tác phẩm); giải xã luận, bình luận, chuyên luận (105 tác phẩm); giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (218 tác phẩm).
Với tổng 619 tác phẩm, báo in tiếp tục đứng đầu về số lượng tác phẩm dự thi.
Giải ảnh báo chí có một nhóm giải, gồm giải ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh với tổng 101 tác phẩm tham gia.
Về giải phát thanh, có hai nhóm giải, gồm tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm chuyên đề, phát thanh tổng hợp (64 tác phẩm); giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (135 tác phẩm).
Trong khi đó, truyền hình có ba nhóm giải. Cụ thể: giải tin, phóng sự, ký sự (343 tác phẩm); giải bình luận, giao lưu, tọa đàm (28 tác phẩm); giải phim tài liệu truyền hình (94 tác phẩm).
Báo điện tử có tổng hai nhóm giải, gồm giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (265 tác phẩm); giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (178 tác phẩm).
Các loại hình báo phát thanh, truyền hình và báo điện tử tiếp tục chấm trực tiếp qua phần mềm chấm giải của Hội Nhà báo Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận