Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc làm việc nhằm đánh giá những gì đã làm được, chưa làm được, phân tích các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Với những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực quan trọng, Thủ tướng cho rằng đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong thành tích chung đó, theo Thủ tướng, có sự đóng góp quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty dưới sự điều hành, quản lý của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong bối cảnh năm 2024 nhiệm vụ lớn hơn và nặng nề hơn, nên ông yêu cầu từng bộ, ngành phải làm tốt hơn, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, là lực lượng quan trọng đang nắm giữ khối tài sản rất lớn khoảng hơn 4 triệu tỉ đồng.
19 tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số hơn 820 doanh nghiệp nhà nước nhưng lại nắm giữ số vốn lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn các tập đoàn, tổng công ty phải đầu tư nhiều hơn trong năm nay. Do đó, các ý kiến cần tập trung thảo luận, cho ý kiến, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, xác định các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đặc biệt là nhiệm vụ đầu tư phát triển.
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ thuộc 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 904.000 tỉ đồng, tổng tài sản ước đạt 1,616 triệu tỉ đồng.
Các doanh nghiệp đạt tổng doanh thu là 1,136 triệu tỉ đồng, bằng 105,15% so với kế hoạch và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỉ đồng (không tính EVN, tương đương 2,18 tỉ USD), bằng 166,09% so với kế hoạch và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022.
Nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỉ đồng, bằng 199,96% so với kế hoạch và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022. Số vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161.000 tỉ đồng trên tổng số 208.328 tỉ đồng, tương đương gần 80% kế hoạch năm.
Trong đó các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng có giá trị thực hiện đầu tư cao (hơn 130.000 tỉ đồng). Kịp thời triển khai các dự án khai thác năng lượng, nguồn điện, truyền tải điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Triển khai nhiều dự án trọng điểm
Nhiều dự án hạ tầng giao thông vận tải đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Bao gồm dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn (đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29-10-2023).
Đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xây dựng mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận