17/06/2019 13:54 GMT+7

18 tuổi, không bị tâm thần có thể lập doanh nghiệp và tư vấn pháp luật?

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Giới luật sư đang xôn xao vì Bộ Kế hoạch và đầu tư cho phép cá nhân thành lập doanh nghiệp được đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn pháp luật, đặc biệt, trong đó có thể làm đại diện tội phạm trong vụ án hình sự.

"Chăn bò cũng có thể mở văn phòng luật"

Đó là câu cảm thán của một số luật sư trên mạng xã hội sau khi xem công văn báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho văn phòng Chính phủ và UBND TP.HCM liên quan việc cấp giấy phép bổ sung ngành nghề kinh doanh là "tư vấn pháp luật" cho một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. 

Theo văn bản này, do doanh nghiệp đã cung cấp công văn số 1736 của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn về việc đăng ký thêm mã ngành nghề trên không cần tuân theo luật Luật sư. 

Một luật sư hiện đang hành nghề tại TP.HCM lên tiếng: "Chỉ cần đủ 18 tuổi, không bị tâm thần và nộp phí 200.000 đồng là có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp và tư vấn pháp luật. 

Như vậy, không cần học luật, không cần phải học luật sư, không cần tập sự, không cần điều kiện hành nghề là có thể thành lập doanh nghiệp tư vấn pháp luật. Căn cứ vào điều kiện như trên, người chăn bò cũng có thể thành lập doanh nghiệp tư vấn pháp luật. Và đương nhiên, thẻ luật sư nên vứt đi".

18 tuổi, không bị tâm thần có thể lập doanh nghiệp và tư vấn pháp luật? - Ảnh 1.

Công văn 1736. Ảnh: H.Đ

18 tuổi, không bị tâm thần có thể lập doanh nghiệp và tư vấn pháp luật? - Ảnh 2.

Dù không nói theo hướng tiêu cực như luật sư đồng nghiệp nhưng nhiều luật sư khác rất "sốc" khi đọc hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư

Thực tế, thời gian qua, đã có những cá nhân chưa có chuyên môn về pháp luật, chưa từng hoạt động ngày nào về nghiệp vụ luật sư cũng mở văn phòng tư vấn pháp luật với chức danh trưởng văn phòng hoặc giám đốc dẫn đến các hệ luỵ như: người dân không biết nên thuê những người này bào chữa cho người thân của mình đang bị khởi tố dẫn đến việc bào chữa không được cơ quan điều tra chấp thuận.

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngoài việc tư vấn pháp luật, các doanh nghiệp còn có thể làm đại diện tội phạm hình sự. Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng trong nội dung tư vấn pháp luật còn có thể thực hiện công việc "đại diện tội phạm hình sự". 

Theo luật sư Bùi Hồng Giang, Đoàn luật sư TP. Hà Nội thì "quy định và hướng dẫn như thế này có thể khiến người dân hiểu rằng tội phạm hình sự có thể thuê đại diện làm việc với cơ quan tố tụng. Trong khi đó, đối với lĩnh vực pháp luật hình sự thì tuân thủ quy định tố tụng hình sự, không ai có thể đại diện cho người vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, luật sư Giang cũng nêu thắc mắc thực sư không hiểu cái gọi là "Hoạt động đại diện tội phạm hình sự" là hoạt động gì.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một thẩm phán đang làm việc tại TP.HCM cho rằng việc hướng dẫn hay quy định như vậy là tùy tiện và dễ dẫn đến hiểu nhầm và gây thiệt hại cho người dân. 

Không chỉ ngành nghề tư vấn pháp luật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà pháp luật hình sự có những quy định rất chặt chẽ chứ không phải ai muốn tham gia thì tham gia, ai muốn đại diện thì đại diện.

Quy định trái pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, công văn 1736/BKHĐT-ĐKKD ngày 7-3-2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư có nội dung hướng dẫn cho phép doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề "hoạt động pháp luật" là trái pháp luật. 

Cụ thể, công văn này viện dẫn quyết định 337/QĐ-BKH ngày 10-4-2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư quy định ngành, nghề "Hoạt động pháp luật" (Mã ngành 6910) chi tiết theo Mã ngành 69101 "Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật", trong đó có hoạt động: Tư vấn và đại diện trong vấn đề dân sự, Tư vấn và đại diện tội phạm hình sự…

Công văn 1736 giải thích hoạt động này khác với hoạt động tư vấn pháp luật không theo các hình thức hành nghề luật sư thì được đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Ông Hưng cho rằng, quy định này trái với Luật Luật sư và Luật Doanh nghiệp. 

Cụ thể, tại điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: "Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó".

Theo ông Hưng thì hoạt động "tư vấn pháp luật" là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong luật chuyên ngành là Luật Luật sư với những điều kiện rất gắt gao. Vì vậy, phải thực hiện đăng ký hoạt động theo Luật Luật sự.

"Chưa nói, một luật sư để có thể hành nghề luật, thì phải trải qua quy trình đào tạo chặt chẽ, mất ít nhất 7 năm từ tốt nghiệp cử nhân, đến học nghiệp vụ hành nghề, rồi tập sự, trải qua nhiều kỳ thi mới được cấp chứng chỉ hành nghề. 

Quyết định 337 quy định như trên, vô hình chung cho phép công dân đủ năng lực hành vi dân sự, không cần có bằng cấp, thậm chí có khi không biết chữ vẫn có thể mở công ty để hoạt động tư vấn pháp luật. Điều đó thật nguy hiểm, là nguy cơ để lại những hậu quả pháp lý nặng nề, làm méo mó "môi trường hoạt động pháp lý. Vì lẽ đó, Bộ Tư pháp cần xem xét "tuýt còi" quy định trái pháp luật này", ông Hưng nêu ý kiến.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên