Dải Gaza đang là tâm điểm của cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine. Israel đang tấn công Gaza với mục tiêu "quét sạch Hamas", như một đòn trả đũa một lần và mãi mãi.
Nhiều nước lên án Hamas về việc tổ chức này tấn công làm chết hơn 1.400 người ở Israel vào ngày 7-10.
Nhưng ngược lại, dư luận quốc tế cũng phản đối cuộc tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát, khi nguy cơ khủng hoảng nhân đạo đang hiện rõ đối với hơn 2,3 triệu người Palestine tại đây - vốn không phải ai cũng là Hamas.
Thực tế, tại một cuộc bỏ phiếu gần đây của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, có 120 thành viên đã kêu gọi tạm ngừng bắn vì nhân đạo.
Kết quả bỏ phiếu trên không có giá trị ràng buộc pháp lý, chỉ mang lại sức ép dư luận quốc tế đối với Israel.
Tuy nhiên, ý kiến của Liên Hiệp Quốc dường như không làm lay chuyển quyết tâm của Israel và cả Mỹ. Họ là hai trong số 14 lá phiếu chống lệnh tạm ngưng bắn.
Việc này đồng nghĩa chiến dịch trên bộ của Israel tiếp diễn. Số liệu cập nhật mới nhất của cơ quan y tế Palestine cho thấy ít nhất 9.770 người đã chết trong gần một tháng qua ở Gaza, trong đó có khoảng 4.000 trẻ em, theo Al Jazeera.
Hôm 5-11, Liên Hiệp Quốc một lần nữa thể hiện lập trường khi làm điều hiếm thấy. Người đứng đầu của 18 cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trong đó có Quỹ Nhi đồng UNICEF và Cơ quan Lương thực (WFP), Tổ chức Y tế (WHO)… ra tuyên bố chung bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu Israel - Hamas ngừng bắn ngay lập tức.
"Trong gần một tháng, thế giới đã chứng kiến tình cảnh phơi bày ở Israel và vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine trong sự bàng hoàng và kinh hãi đối với thiệt hại nhân mạng và sự chia cắt ngày càng gia tăng", các lãnh đạo Liên Hiệp Quốc viết.
Nhóm lãnh đạo trên nhấn mạnh toàn bộ cư dân ở Gaza đang bị vây hãm và tấn công, không được tiếp cận nhu yếu phẩm, trong khi nhà cửa, hầm trú, bệnh viện, nơi cầu nguyện… bị giội bom. "Đây là điều không thể chấp nhận", họ nói.
Liên Hiệp Quốc ngoài ra cũng kêu gọi Hamas giải phóng hơn 240 con tin đang bị tổ chức này bắt giữ, đồng thời thúc giục hai bên tôn trọng nghĩa vụ trước luật pháp quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận